'Bốn thỏa ước': Bản cam kết hành trình tự do hạnh phúc của mỗi người
'Bốn thỏa ước' phù hợp với mọi độc giả không phân biệt văn hóa, tôn giáo, dân tộc, hay lứa tuổi và rất đáng để chia sẻ trong cộng đồng cùng suy ngẫm, thực hành.
Ngày xưa, có một câu chuyện ngụ ngôn đại ý: ông Bụt hiện lên cho cậu bé ba điều ước, loanh quanh thế nào khi vừa nói xong điều ước thứ 3 cũng là lúc mọi thứ trở về nguyên trạng như ban đầu trong sự tiếc nuối, hụt hẫng của cậu bé. Điều này phản ánh đúng một thực tế cuộc sống, mơ ước thường chỉ là ước mơ.
Ngày nay, mọi người cũng dành cho nhau vô vàn lời chúc chân thành, ý nghĩa. Nhưng chúng ta có lẽ đã đủ lớn để hiểu rằng những lời chúc chỉ trở thành hiện thực với rất nhiều nỗ lực cả về tư duy và hành động của... chính chúng ta.
Thay cho những điều ước hay lời chúc, năm mới đến, bạn đọc hãy cam kết thực hiện “Bốn thỏa ước” trong cuốn sách cùng tên của Don Miguel - đây cũng là bốn quan điểm về một cái Tôi đích thực; cái tôi tuyệt đối “duy ngã độc tôn”; cái tôi tuyệt vời như nó vốn là, cái tôi hài hòa sống động trên hành trình tìm kiếm tự do, hạnh phúc của mỗi người.
Dựa trên triết lý tinh hoa về vũ trụ và con người của nền văn minh Toltec tại vùng Trung Mỹ cách đây hàng nghìn năm, Bốn thỏa ước không phải là lý thuyết suông mà có rất nhiều ví dụ điển hình khiến bạn đọc dễ dàng bị thuyết phục hoàn toàn giống như hàng chục triệu độc giả khác, khi nhìn lại chính mình.
Bốn thỏa ước đó là:
Không phạm tội với lời nói của mình: Hãy suy nghĩ và dành những lời tích cực cho mọi người xung quanh cũng như không ngồi lê đôi mách và ngừng quan tâm đến việc người khác đang nghĩ gì về mình.
Không quy kết mọi chuyện vào mình: Bình thản trước thành công và cả thất bại của chính mình, bình thản trước chỉ trích hoặc khen ngợi... không dằn vặt hay ảo tưởng về bản thân.
Không giả định, phỏng đoán: Thay vào đó hãy tìm kiếm thông tin xác minh, hoặc trao đổi thẳng thắn để có được sự thật.
Hãy làm hết khả năng của mình: Dù kết quả thế nào cũng tự hào nếu bạn làm hết khả năng. Nên nhớ hãy làm bằng khả năng chứ không cần cố gắng đến kiệt sức. Nhờ vậy bạn sẽ thực sự hạnh phúc trong chính những phút giây hiện tại.
Bốn thỏa ước giúp mỗi người giải phóng khỏi những niềm tin hạn chế, thành kiến, quan niệm sai lầm đã tiếp nhận từ xã hội, đòi hỏi bạn phải thay đổi cách nhìn nhận và cách hành xử không phải vì người khác mà là vì chính mình, phù hợp với cái chung, sòng phẳng trong các mối quan hệ và không giới hạn phát triển năng lực bản thân, như trong chương Mở đầu đã viết: “Đúng vậy. Tôi là Thượng đế. Nhưng bạn cũng là Thượng đế. Chúng ta, tôi và bạn, đều giống như nhau thôi. Chúng ta là hình ảnh của ánh sáng. Chúng ta là Thượng đế”.
Tuy nhiên, việc thực hiện Bốn thỏa ước là một cuộc vật lộn liên tục và có ý thức giữa minh và vô minh chứ không phải là một công thức nhanh chóng hay dễ dàng. Don Miguel dành Chương 6 để viết về Đường đến tự do của Toltec bắt nguồn từ việc phá vỡ những thỏa ước cũ, một cách đầy thôi thúc và mãnh liệt.
Tác giả cho rằng: “Ý thức luôn là bước đầu tiên vì nếu bạn không ý thức, bạn chẳng thể thay đổi được gì. Nếu bạn không ý thức rằng tâm trí bạn đầy những vết thương và nọc độc cảm xúc, bạn không thể bắt đầu thanh tẩy và chữa lành các vết thương, bạn sẽ tiếp tục chịu đau khổ”. Ý thức cũng chính là dạng hành động đầu tiên mà mỗi người cần phải trang bị cho mình.
Bốn thỏa ước phù hợp với mọi độc giả không phân biệt văn hóa, tôn giáo, dân tộc, hay lứa tuổi và rất đáng để chia sẻ trong cộng đồng cùng suy ngẫm, cùng thực hành. Với từng bước đi nhỏ, hành trình chuyển hóa thay đổi bản thân sẽ bước từ sách hòa vào cuộc sống.