Bốn tiêu chí cốt lõi khi đầu tư mùa dịch
Có bốn tiêu chí cốt lõi được các chuyên gia chỉ ra khi đầu tư bất động sản trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng như hiện nay.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, ba tiêu chí nhà đầu tư cần quan tâm khi lựa chọn bất động sản là yếu tố pháp lý, địa điểm và giá cả.
Hiện tại, ngoài việc mua vì nhu cầu thông thường, nhiều người còn mua vì cơ hội. Bởi khó khăn của người này là cơ hội của người khác.
Tình hình chung khiến cho nhiều người đang ôm bất động sản gặp khó khăn và phải bán. Đó là cơ hội cho người mua.
Trên góc độ này, chúng ta nên tìm những sản phẩm có giá trị lâu dài. Ví dụ như nhà phố, căn hộ hay đất nền vùng ven là những sản phẩm không phải mua để chờ 5-10 năm mà có thể sử dụng được ngay.
Thứ hai là sản phẩm nào giảm sâu hơn thì có thể mạnh dạn mua. Đặc biệt là với những bất động sản chỉ có cơ hội này mới giảm chứ bình thường không giảm hoặc không bán, chẳng hạn như nhà phố. Chỉ có điều loại nhà này thường có giá 7-8 tỉ đồng trở lên. Số tiền đó không phải ai cũng có.
Nhà phố đang bị khủng hoảng cho thuê, khiến người ta muốn giảm giá để bán. Trong giai đoạn bình thường, bạn thích căn nhà phố đó cũng không mua được.
“Đó là sản phẩm người ta không mua để bán mà để dành lâu dài. Chỉ có cơ hội này, họ mới bán mà còn giảm giá”, ông Hiển lý giải.
Ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group, cũng đồng quan điểm, cho biết trong giai đoạn này, khi ông tư vấn online cho nhiều khách hàng, câu chuyện pháp lý luôn được đặt ra hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn.
Rõ ràng, yếu tố pháp lý cũng bị đình trệ rất nhiều ở thị trường sơ cấp, dẫn đến những vấn đề chúng ta có thể gặp phải khi mua bán trên thị trường thứ cấp.
“Với tôi, một sản phẩm nào có pháp lý không ổn là bỏ qua luôn, chứ không căn cứ những tiêu chí khác để theo đuổi mô hình đầu tư rủi ro lớn, lợi nhuận lớn nữa. Bởi vì về lâu về dài, pháp lý sẽ là yếu tố đảm bảo tính hoàn thiện của sản phẩm bất động sản” ông Chánh nói.
Khi chúng ta mua bất kỳ sản phẩm nào khác, pháp lý thường là yếu tố đã hoàn thiện trước khi đưa ra thị trường. Nhưng với bất động sản, pháp lý là "chân đế".
“Nếu chân đế không vững, tất cả những gì xây dựng trên đó như là chiến lược kinh doanh, phương án hợp tác, vay ngân hàng... đều đổ bể hết”, ông Chánh nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Phú Vinh Group, điều này không chỉ đúng với nhà đầu tư cá nhân mà ngay cả các nhà đầu tư tổ chức, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành bất động sản.
Tất cả những khó khăn mà họ gặp phải, suy cho cùng đều do câu chuyện pháp lý. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, pháp lý lại càng quan trọng.
Ngoài ra, phương thức thanh toán an toàn trong giai đoạn này cũng là điều quan trọng nhà đầu tư cần lưu tâm.
Theo thông lệ ở Việt Nam thì có thể đặt cọc, sau đó bao nhiêu ngày thì hai bên mua bán cùng ra công chứng và thanh toán đến 95-98%. Phần còn lại sẽ được thanh toán sau khi chuyển đổi sổ sở hữu.
Thế nhưng, quy trình thanh toán này không còn an toàn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đang tranh cãi rất nhiều trên thị trường cho thuê.
Người thuê cho rằng mình đang bị ảnh hưởng bởi yếu tố bất khả kháng và muốn vận dụng điều khoản này trong hợp đồng cho thuê để ngưng thực hiện nghĩa vụ hợp đồng với người cho thuê. Và với người đi mua bán cũng vậy.
Ông Chánh lấy ví dụ: có người bán cho tôi một tài sản và hai bên hẹn nhau 2 tháng sau sẽ cùng đi công chứng mua bán.
Lúc đó, người bán rất cần tiền, tôi cũng rất cần mua. Hai bên có thể làm việc với nhau vui vẻ nhưng hợp đồng không chặt chẽ, do không lường trước được yếu tố dịch bệnh.
Hai tháng sau không đi công chứng được và bắt đầu phát sinh những tranh chấp. Ví dụ như xuất hiện người mua với giá tốt hơn, người bán có thể hủy hợp đồng và bán cho người kia.
Theo ông Chánh, nhiều trường hợp có thể xảy ra và phương thức thanh toán an toàn là điều mà mọi người cần phải suy nghĩ trong giai đoạn hiện nay.
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/bon-tieu-chi-cot-loi-khi-dau-tu-mua-dich-30855.html