Bốn trụ cột phát triển ngành công nghiệp môi trường
Đổi mới công nghệ, quy hoạch, chính sách tài chính và nâng cao nhận thức là nền tảng giúp ngành công nghiệp môi trường Việt Nam bền vững, xanh và hiện đại.
Công nghệ xanh: Động lực của chuyển đổi bền vững
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh và phát triển bền vững. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bên cạnh hàng loạt chính sách nhằm chuyển đổi nền kinh tế từ sử dụng nhiều tài nguyên sang hướng sản xuất xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozone, đặt mục tiêu giảm 9% tổng phát thải vào năm 2030 so với kịch bản phát triển bình thường.

Nhà máy xử lý rác bãi cũ với công suất 250 tấn rác/ngày ở Phú Quốc được T-Tech đưa vào hoạt động vào tháng 5/204. Ảnh: Đức Trọng
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, việc xây dựng và thực thi các giải pháp công nghệ, quy hoạch và công cụ tài chính cho ngành công nghiệp môi trường trở thành nhiệm vụ cấp thiết.
Theo Tiến sĩ Trịnh Xuân Đức – Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Hạ tầng và Môi trường (SIIEE), để thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường, Việt Nam cần tập trung vào đổi mới công nghệ, tận dụng các công cụ tài chính xanh, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng và siết chặt quy hoạch phát triển.
“Việc đổi mới công nghệ là đòn bẩy quan trọng để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp” - Tiến sĩ Đức nhấn mạnh và cho biết thêm, các công nghệ tiên tiến như IoT, trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng rộng rãi để giám sát, điều chỉnh tiêu thụ năng lượng theo thời gian thực, giúp giảm 10–20% điện năng tại các tòa nhà và nhà máy công nghiệp.
Trong lĩnh vực sản xuất, việc tự động hóa thông qua các hệ thống điều khiển thông minh như SCADA và PLC đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giảm 15–25% điện năng tiêu thụ nhờ tối ưu vận hành. Ngoài ra, các thiết bị tiết kiệm năng lượng như đèn LED, động cơ hiệu suất cao, biến tần cũng giúp tiết kiệm từ 20–50% điện năng, góp phần giảm áp lực lên lưới điện quốc gia.
Một minh chứng cho hiệu quả công nghệ là các hệ thống quản lý năng lượng (EMS) tại nhiều nhà máy lớn ở Việt Nam. Theo báo cáo của Schneider Electric, EMS đã giúp doanh nghiệp giảm từ 10–30% tiêu thụ điện năng, đồng thời giảm chi phí sản xuất.
Bên cạnh đó, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo đóng vai trò thiết yếu. Năm 2023, tổng công suất điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam đạt khoảng 20 GW, chiếm hơn 30% tổng công suất quốc gia.
“Phát triển năng lượng tái tạo không chỉ giảm phát thải mà còn tăng cường an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch” - TS. Đức nhận định.
Tiềm năng sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp cũng đang được khai thác, với công suất có thể đạt 5 GW, vừa giảm chất thải, vừa tạo thêm giá trị kinh tế cho nông nghiệp.
Quy hoạch các khu công nghiệp sinh thái là bước đi quan trọng, giúp giảm ô nhiễm và tận dụng tài nguyên hiệu quả. Báo cáo của UNIDO chỉ ra, các khu công nghiệp sinh thái có thể giảm tới 40% lượng khí thải CO₂ và tái sử dụng hơn 75% nguyên liệu.

Khu công nghiệp sinh thái DEEP C Hải Phòng. Ảnh: Thu Hường
TS. Đức lấy ví dụ, khu công nghiệp Amata tại Đồng Nai, nơi áp dụng mô hình tuần hoàn vật liệu, giúp giảm 30% lượng nước sử dụng và tái chế hơn 50% chất thải rắn công nghiệp, góp phần giảm chi phí sản xuất và tác động tiêu cực đến môi trường.
Công cụ tài chính: Chìa khóa cho ngành công nghiệp môi trường
Bên cạnh công nghệ, các công cụ tài chính đóng vai trò nền tảng để biến các ý tưởng thành hiện thực. Theo Tiến sĩ Trịnh Xuân Đức, các chính sách tài chính xanh sẽ khơi thông nguồn vốn, giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ và hạ tầng xanh.
Thực tế, Nghị định 31/2021/NĐ-CP đã giúp giảm 2–3% lãi suất vay cho các dự án xanh, tạo động lực lớn cho doanh nghiệp. Theo Ngân hàng Thế giới, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, Việt Nam cần tới 368 tỷ USD đầu tư vào năng lượng sạch và công nghệ xanh đến năm 2040.
Ngoài ra, các công cụ như trái phiếu xanh, quỹ hỗ trợ chuyển đổi năng lượng và tín chỉ carbon cũng là “cú hích” cho ngành công nghiệp môi trường. Báo cáo của Climate Bonds Initiative (CBI) cho thấy, trái phiếu xanh toàn cầu năm 2023 đạt 1,5 nghìn tỷ USD, tăng 40% so với năm trước. Việt Nam đã bắt đầu hợp tác với ADB để phát hành trái phiếu xanh trị giá 50 triệu USD, tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và xử lý nước thải.
Chính sách ưu đãi thuế cũng có tác động mạnh mẽ. Tại Việt Nam, Nghị định 06/2022/NĐ-CP đã giúp tăng công suất điện mặt trời và điện gió lên hơn 20 GW, giảm đáng kể lượng khí thải CO₂. Mô hình hợp tác công tư (PPP) cũng mở ra hướng đi mới. Dự án nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (TP.HCM) theo PPP đã xử lý 469.000 m³ nước thải/ngày, góp phần giảm ô nhiễm sông Sài Gòn.
Đặc biệt, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon được xem là “chìa khóa” để giảm phát thải và tạo nguồn lực tài chính mới.
Theo TS. Đức, thị trường tín chỉ carbon không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí phát thải mà còn tạo cơ hội thu lợi kinh tế từ bán tín chỉ.
Việt Nam đang xây dựng khung pháp lý cho thị trường này và dự kiến vận hành chính thức vào năm 2028, tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp tham gia.
Quy hoạch và nâng cao nhận thức: Hướng đi song hành
Bên cạnh giải pháp công nghệ và tài chính, việc quy hoạch và nâng cao nhận thức cộng đồng đóng vai trò quan trọng.
TS Trịnh Xuân Đức cho biết, theo báo cáo của Bộ Công Thương vào năm 2022, Việt Nam có 563 khu công nghiệp, trong đó khoảng 65% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, vẫn còn 35% khu công nghiệp chưa đạt tiêu chuẩn xử lý nước thải. Chính phủ đang siết chặt quy trình cấp phép, yêu cầu các khu công nghiệp mới phải có kế hoạch xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn quốc tế trước khi đi vào hoạt động.

Hiện ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đang chờ thể chế hoàn thiện để bứt phá. Ảnh: Lò đốt rác tại Na Rì - Bắc Kạn. Ảnh: Đức Trọng
Trong lĩnh vực giao thông, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã triển khai hệ thống xe buýt điện VinBus, giúp giảm 85% lượng khí thải CO₂ so với xe buýt diesel. Các tuyến metro cũng được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo giao thông đô thị, giảm ùn tắc và ô nhiễm không khí.
Việc trồng cây xanh và cải tạo mặt nước cũng giúp giảm ô nhiễm và cải thiện vi khí hậu. TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng diện tích cây xanh lên 6–7 m²/người vào năm 2030. Các dự án như công viên bờ sông Thủ Thiêm đã giúp giảm 1,5–2°C nhiệt độ khu vực, giảm 40% tiếng ồn giao thông.
TS. Trịnh Xuân Đức khẳng định: “Phát triển ngành công nghiệp môi trường bền vững đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Chỉ khi các trụ cột công nghệ, tài chính, quy hoạch và nhận thức được thực thi đồng bộ, Việt Nam mới có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và phát triển bền vững”.