Bốn vấn đề nóng chờ Bộ trưởng GD&ĐT ở phiên chất vấn

Dạy trực tuyến kéo dài với nhiều bất cập và mở cửa trường học an toàn, ổn định là hai trong số các vấn đề cấp thiết của ngành giáo dục đang chờ Bộ trưởng GD&ĐT giải đáp.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 8/11, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội - cho rằng ngành giáo dục còn chậm trễ, lúng túng khi ứng phó với những thách thức từ dạy học trực tuyến.

“Dịch Covid-19 bùng phát gần 2 năm nay nhưng Bộ GD&ĐT dường như chưa có động thái thể hiện tầm nhìn dài hạn để ứng phó với dịch”, bà Thúy đánh giá.

Đây là vấn đề được cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm. Cùng đó, an toàn sức khỏe, tính mạng cho học sinh khi mở cửa trường trở lại; nhiều trường mầm non tư thục bên bờ vực phá sản dẫn đến nguy cơ thiếu chỗ gửi trẻ sau dịch; phương án thi tốt nghiệp THPT 2022 ra sao nếu dịch bệnh tiếp diễn là những vấn đề nóng chờ được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giải đáp trong lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội vào ngày 11/11.

 Học sinh phải học online cả những môn Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật dẫn đến quá tải. Ảnh: Nhật Sinh.

Học sinh phải học online cả những môn Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật dẫn đến quá tải. Ảnh: Nhật Sinh.

Học trực tuyến kéo dài với nhiều hệ lụy, bất cập

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy dẫn chứng hồi đầu năm học, khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 ban hành vẫn giống hệt mọi năm, không có một dòng nào đề cập biện pháp ứng phó với dịch để triển khai linh hoạt, an toàn.

Gần 2 năm qua, Bộ GD&ĐT cũng chưa đánh giá khả năng thực hiện việc học trực tuyến ở địa phương, chưa hỗ trợ phương tiện dạy và học trực tuyến cho vùng và đối tượng khó khăn. “Đây là những bất cập cần khắc phục ngay”, bà Thúy đề nghị.

Liên quan dạy học online, PGS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban - Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, từng trao đổi với Zing rằng đây là giải pháp hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, điều kiện triển khai giáo dục trực tuyến của nước ta chưa đầy đủ, chưa có tính hệ thống. Học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhà trường gặp khó khăn theo các mức độ khác nhau.

Không ít trẻ không có trang thiết bị để học trực tuyến. Khá nhiều giáo viên chưa thành thạo kỹ năng chuyển bài dạy từ trực tiếp sang trực tuyến và kỹ năng tổ chức, điều khiển lớp học online.

Nhiều nhà trường còn bị động, xem dạy học trực tuyến là giải pháp tình thế dù 20 năm nay ngành giáo dục yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và hai năm qua phải dạy online vì dịch bệnh. Việc đầu tư hạ tầng, dữ liệu, nhân lực… chưa đảm bảo tính hệ thống.

Cũng liên quan chủ đề trên, đại biểu Trần Thị Thu Phước - Phó giám đốc Công an tỉnh Kon Tum, Đoàn đại biểu Kon Tum - rất quan tâm đến công bằng trong tiếp cận giáo dục trực tuyến đối với học sinh vùng khó khăn.

Với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ, việc học trực tuyến cần được xác định không chỉ là giải pháp tình thế, mà còn là xu hướng tất yếu, lâu dài.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần khẩn trương đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến của học sinh, sinh viên thời gian qua, xác định những vướng mắc, bất cập và có giải pháp để giải quyết, phát huy tốt ưu điểm của hình thức giáo dục đào tạo trực tuyến trong thời gian tới.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng trẻ em nghỉ lâu ngày sẽ xuất hiện những sang chấn tâm lý. Việc học trực tuyến không chỉ khó đảm bảo chất lượng, hiệu quả mà còn ảnh hưởng thị lực, sức khỏe của học sinh. Trẻ không được tiếp cận địa điểm vui chơi, dịch vụ giải trí, ngược lại, phải tiếp xúc máy tính, điện thoại trong thời gian dài.

 Học sinh trường Tiểu học Xuân Phương (Hà Nội) được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Việt Hùng.

Học sinh trường Tiểu học Xuân Phương (Hà Nội) được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Việt Hùng.

Mở cửa trường không ổn định, gián đoạn học tập

Mở cửa trường là vấn đề cấp thiết vì sự phát triển toàn diện của trẻ em. Nhưng ở nhiều nơi, học sinh quay lại lớp một, hai tuần, lại phải chuyển sang học trực tuyến vì có F0 trong trường. Cho học sinh toàn trường nghỉ khi phát hiện một, hai ca F0 là cách làm chung của nhiều trường học, địa phương... Thậm chí, một số nơi còn cho toàn bộ học sinh trên địa bàn dừng đến trường khi phát hiện nhiều ca bệnh ở một vùng.

PSG Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng đóng cửa trường ngay khi phát hiện F0 là cách làm dễ, an toàn, tránh rủi ro về trách nhiệm cho lãnh đạo trường học, địa phương nhưng quá cực đoan.

Theo bác sĩ Dũng, trường học là môi trường có nguy cơ lây lan dịch bệnh thấp. Khi phát hiện học sinh, giáo viên mắc bệnh, cách ly người nghi mắc bệnh, xét nghiệm là biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, nếu xác định không có nguy cơ lây lan trong lớp học, nhà trường có thể cho thành viên còn lại của lớp đi học bình thường.

"Cứ phát hiện một, hai ca mắc Covid-19 trong trường rồi cho toàn bộ học sinh nghỉ thì không biết đến bao giờ các em mới đến trường ổn định. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, khoảng sau 10-15 ngày, các trường học quy mô khoảng 1.000 học sinh đều có thể ghi nhận một vài ca mắc Covid-19", bác sĩ Dũng nói.

Ông cho rằng điều cấp thiết hiện nay là ngành giáo dục và y tế cần xây dựng hướng dẫn chung cho các địa phương xử lý khi phát hiện F0 trong trường học. Bao nhiêu ca F0 trong một lớp thì cho lớp đó nghỉ, bao nhiêu lớp nghỉ thì cần cho trường đóng cửa?

Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận khi cho học sinh trở lại trường, việc thực hiện nguyên tắc 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giãn cách trong trường học, cách ứng xử khi có F0… ở mỗi nơi một khác.

Việc chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học, dẫn đến địa phương thực hiện phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng kế hoạch và chất lượng.

Trường mầm non tư thục bên bờ vực phá sản, nhiều giáo viên chuyển nghề

Khi TP.HCM thông báo đóng cửa trường hồi tháng 5, ông Nguyễn Tuấn, chủ một trường mầm non tư thục với quy mô khoảng 70 trẻ, 20 giáo viên, bảo mẫu, thầm nghĩ đợt dịch này cũng sẽ như năm 2020. Trường có thể đóng cửa một, hai tháng rồi mở trở lại.

Nhưng đến nay đã hơn 6 tháng, các trường mầm non chưa biết khi nào có thể hoạt động trở lại. Hơn nửa năm qua, nỗi lo thường trực mỗi ngày của ông Tuấn là làm gì, mượn tiền ai để có thể trả phí thuê mặt bằng, giữ trường.

Thời gian đầu, trường học đóng cửa, ông Tuấn hỗ trợ giáo viên một khoản tiền nhỏ. Nhưng sau đó, chủ trường cũng không lo nổi cho giáo viên. Nhiều người đã về quê, bỏ nghề, xin việc khác. Chủ trường muốn giữ giáo viên nhưng không có tiền trả lương, chưa biết ngày nào được hoạt động lại, không có gì để đảm bảo, hứa hẹn với thầy cô.

Dịch Covid-19 bùng phát gần 2 năm nay nhưng Bộ GD&ĐT dường như chưa có động thái thể hiện tầm nhìn dài hạn để ứng phó với dịch.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy

Đến nay, ông Tuấn dốc hết tiền tiết kiệm, làm thêm việc khác và vay mượn từ người thân để giữ trường. Chính ông cũng không biết mình có thể gồng gánh được bao lâu. Xung quanh, nhiều chủ trường phải phá sản, âm thầm bán cơ sở, bàn ghế, đồ dùng để trả nợ.

Chỉ tính riêng ở TP.HCM, đến tháng 9 vừa qua, ít nhất 151 cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã giải thể vì dịch bệnh. Thành phố có hơn 12.300 giáo viên, nhân viên bị mất việc, 82% trong số này là giáo viên mầm non.

Ông Nguyễn Tuấn cho rằng con số này thực tế có thể lớn hơn và tăng thêm từng ngày. Nhiều chủ trường chọn cách âm thầm giải thể để chấm dứt khoảng thời gian tồn tại lay lắt, gồng mình trả nợ mà không biết đến khi nào mới có thể hoạt động trở lại.

Trong khi nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh vẫn còn đó, việc thiếu trường lớp, giáo viên, đặc biệt ở những địa bàn có khu công nghiệp, là nỗi lo có cơ sở, nhất là ở thời điểm cuộc sống trở lại bình thường sau dịch.

 Một số chuyên gia cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT cần được thay đổi linh hoạt hơn, thích ứng với dịch bệnh. Ảnh: Việt Linh.

Một số chuyên gia cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT cần được thay đổi linh hoạt hơn, thích ứng với dịch bệnh. Ảnh: Việt Linh.

Thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ra sao nếu có dịch bệnh?

TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia, cho rằng những bất cập về điểm chuẩn năm 2021 một lần nữa cho thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn phù hợp. Các trường đại học cần một mô hình thi cử khác để đảm bảo chất lượng tuyển sinh.

Tuy nhiên, thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Bộ GD&ĐT cho biết về cơ bản được giữ nguyên. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương theo khung thời gian do Bộ GD&ĐT quy định. Thời gian tổ chức kỳ thi tại các tỉnh có thể được xem xét điều chỉnh cho phù hợp tình hình dịch bệnh tại địa phương.

TS Phạm Ngọc Duy, làm việc tại Trung tâm Khảo thí Hoa Kỳ (ETS), cho rằng Bộ GD&ĐT nên chuyển dần kỳ thi tốt nghiệp về cho địa phương tổ chức trong những năm tới. Chúng ta chưa thể bỏ ngay kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng có thể làm cho nó thuận tiện, ít áp lực hơn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.

Ông Duy đề xuất giải pháp Việt Nam nên đổi mới thi cử sao cho hiệu quả và bền vững. Thứ nhất, về tầm nhìn, ngành giáo dục nên hướng tới xây dựng một hệ thống thi cử mạch lạc, linh hoạt, công bằng và tiếp cận được với các chuẩn mực quốc tế.

Mạch lạc là nên tách riêng việc cơ quan hoạch định chính sách thi cử với cơ quan thực hiện các hoạt động chuyên môn về thi cử. Sự mạch lạc này sẽ làm cho hoạt động thi cử được chuyên nghiệp và huy động được nguồn lực của xã hội tốt hơn.

Linh hoạt là nên làm cho công tác khảo thí đáp ứng được đa dạng nhu cầu khác nhau của thí sinh, các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý Nhà nước. Theo nghĩa này, các kỳ thi phải thuận tiện hơn cho thí sinh. Sĩ tử có thể thi nhiều lần trong năm. Các kỳ thi cần được tổ chức tại nhiều địa điểm khác nhau, thông qua phương tiện khác nhau.

Công bằng có nghĩa là nội dung đề thi cần được xây dựng không tạo bất lợi cho bất cứ nhóm thí sinh nào và việc tổ chức thi không tạo lợi thế cho bất cứ nhóm thí sinh nào. Việc làm được đề thi giống của thế giới là không dễ trong thời gian đầu. Tuy nhiên, chúng ta nên tham khảo, học hỏi kinh nghiệm và chuẩn mực quốc tế trong quá trình xây dựng và phát triển công tác khảo thí.

TS Phạm Ngọc Duy ủng hộ việc xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập phục vụ cho việc thi cử, tuyển sinh của trường đại học.

"Các trung tâm khảo thí độc lập sẽ làm cho hệ thống giáo dục mạch lạc hơn, công tác làm đề thi và tổ chức thi sẽ chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Tất nhiên, khó khăn ở đây là làm thế nào để xây dựng và duy trì được những trung tâm như vậy", TS Duy nói.

Từ quan sát của bản thân và kinh nghiệm làm việc ở ETS, TS Duy cho rằng cần có lộ trình từ 5 đến 10 năm để xây dựng được một số trung tâm khảo thí độc lập có đủ chuyên môn, hạ tầng công nghệ và nguồn lực để làm đề thi tuyển sinh tiếp cận được chuẩn mực quốc tế.

Xây dựng đề thi có chất lượng và tổ chức thi an toàn, công bằng, đảm bảo cơ hội tiếp cận cho tất cả thí sinh là công việc phức tạp, nhiều công đoạn và tiềm ẩn rủi ro. Mỗi trung tâm như vậy cần có đủ nguồn lực ở nhiều lĩnh vực.

Dự kiến, ngày 11/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn báo cáo và trả lời chất vấn tại Quốc hội về các vấn đề:

- Làm sao bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19?

- Dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền. Việc giảm tải chương trình học cho học sinh.

- Phương án thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bon-van-de-nong-cho-bo-truong-gd-dt-o-phien-chat-van-post1276147.html