Bốn vụ án ngàn tỷ liên quan cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á
Với vị trí là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB), trong thời gian 4 năm, ông Trần Phương Bình đã 4 lần bị khởi tố trong 4 vụ án khác nhau vì những sai phạm liên tiếp gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của DAB.
Ngày 30/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại DAB, Công ty cổ phần M&C và các đơn vị liên quan. Đồng thời, Cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với ba bị can: Trần Phương Bình (cựu Tổng Giám đốc DAB), Nguyễn Đức Tài (cựu Giám đốc Sở giao dịch, DAB) và Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần M&C). Đây là vụ án thứ tư, cựu Tổng Giám đốc DAB Trần Phương Bình bị khởi tố vì những sai phạm nghiêm trọng gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của DAB.
Ở vụ án thứ 4, kết quả điều tra ban đầu xác định, từ năm 2007, ông Trần Phương Bình cho nhóm khách hàng gồm nhiều công ty và nhân viên vay số tiền lớn để đầu tư vào các dự án bất động sản. Sau đó, ông Trần Phương Bình bị lún sâu vào các khoản nợ mang tính ràng buộc này, trong khi các công ty vay tiền của DAB không có khả năng trả nợ.
Để che giấu tình trạng nợ quá hạn quá cao, ông Trần Phương Bình yêu cầu các công ty vay tiền tiếp tục vay để có tiền trả gốc và lãi cho các khoản đến hạn. Ông Trần Phương Bình chỉ đạo các chi nhánh của DAB nhận tài sản đảm bảo là Dự án xây dựng cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C có vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Hậu quả từ những việc làm sai phạm của ông Trần Phương Bình đã tạo điều kiện cho các công ty thuộc nhóm khách hàng M&C vay 1.520 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2018, ông Trần Phương Bình bị tuyên án chung thân về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” do cùng Phan Văn Anh Vũ (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79) và đồng phạm chiếm đoạt, gây thiệt hại cho DAB số tiền hơn 3.600 tỷ đồng.
Hành vi vi phạm pháp luật của ông Trần Phương Bình được cơ quan tố tụng xác định rất nghiêm trọng và là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng tổng tài sản thực tế tại DAB cuối năm 2015 chỉ còn số tiền 47.011 tỷ đồng. Trong đó, DAB lỗ lũy kế số tiền 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm số tiền 25.451 tỷ đồng.
Bản án xác định, ông Trần Phương Bình với vai trò Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng của DAB, là người tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DAB. Tuy nhiên, ông Trần Phương Bình đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho DAB số tiền hơn 3.405 tỷ đồng. Hành vi vi phạm pháp luật của ông Trần Phương Bình và đồng phạm là nguyên nhân dẫn đến việc DAB lỗ lũy kế đến số tiền 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm số tiền 25.451 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2015. Ông Trần Phương Bình được xác định là chủ mưu trong vụ án, chỉ đạo cấp dưới chi sai nguyên tắc, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho DAB.
Năm 2020, ông Trần Phương Bình bị tuyên án chung thân lần thứ hai trong vụ thất thoát hơn 8.751 tỷ đồng của DAB. Bản án xác định, trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2015, ông Trần Phương Bình với vai trò là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng của DAB cùng cấp dưới và đối tác thông đồng duyệt nhiều khoản vay lên đến hàng ngàn tỷ đồng, với nhiều tài sản bảo đảm là những dự án lớn, nhưng hồ sơ lại trái quy định.
Cụ thể là ông Trần Phương Bình duyệt cho bốn nhóm khách hàng gồm: Công ty Hiệp Phú Gia - TTC, Công ty Đồng Tiến, Công ty M&C, Công ty Tân Vạn Hưng vay không đúng quy định gây thiệt hại số tiền hơn 8.751 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Trần Phương Bình còn lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền hơn 75 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB lỗ lũy kế số tiền 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm số tiền 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn số tiền 47.011 tỷ đồng.
Ngày 19/5/2022, ông Trần Phương Bình và đồng phạm tiếp tục hầu tòa trong vụ án thứ ba do vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan ngân hàng, trong vụ DAB cho Công ty cổ phần Đầu tư và du lịch An Phát (viết tắt là Công ty An Phát) do Phan Thúy Mai làm Giám đốc vay vốn trái quy định, gây thiệt hại hơn 184 tỷ đồng. Tuy nhiên, phiên tòa không thể diễn ra theo kế hoạch vì luật sư đại diện cho DAB đã có đơn đề nghị hoãn phiên tòa để làm rõ thêm một số nội dung liên quan.
Kết quả điều tra xác định, Công ty An Phát làm chủ đầu tư Dự án bất động sản Đồi 79 mùa xuân tại huyện Mê Linh (Hà Nội). Phan Thúy Mai có quan hệ thân thiết với Ban Giám đốc DAB nên đề xuất vay tiền tại đây. Từ năm 2007 đến 2014, Phan Thúy Mai đã lợi dụng quan hệ để vận động lãnh đạo DAB chỉ đạo DAB Chi nhánh Hà Nội giải ngân nhanh các khoản vay, bỏ qua quy trình thẩm định tài sản. Ngoài ta, Phan Thúy Mai còn làm giả tài liệu để giao dịch và dùng tài sản không đủ điều kiện mang đi thế chấp vay vốn. Đến nay, Phan Thúy Mai và Công ty An Phát không thể trả nợ cho DAB. Hành vi của ông Trần Phương Bình cùng đồng phạm đã khiến DAB bị thiệt hại 184 tỷ đồng.
Cụ thể, ông Trần Phương Bình đã giúp Phan Thúy Mai nhiều lần vay tiền tại DAB và trực tiếp phê duyệt gói tín dụng 500 tỷ đồng cho Công ty An Phát. Ông Trần Phương Bình cùng đồng phạm chỉ đạo DAB Chi nhánh Hà Nội giải ngân nhanh cho Phan Thúy Mai, làm hồ sơ gấp, bỏ qua các quy trình thẩm định và không thực hiện đúng các thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo. Cũng trong năm 2008, Phan Thúy Mai đã ký khống hợp đồng thể hiện Công ty An Phát vay 185.000 chỉ vàng của DAB. Nhưng thực tế thì không có khoản vay này và số vàng trên cũng chưa được giải ngân. Việc ký hợp đồng khống chỉ để giúp ông Trần Phương Bình che giấu số vàng làm thất thoát của DAB. Hành vi của Trần Phương Bình được xác định do “nể nang” Phan Thúy Mai nên đã giúp Mai vay tiền của DAB. Liên quan đến hợp đồng Công ty An Phát vay vàng khống của DAB đã được Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố để xử lý trong một vụ án khác.