Bốn yêu cầu đối với giảng viên được nhận kinh phí hỗ trợ đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 25/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, trình độ thạc sĩ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học theo Quyết định số 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030.

Phấn đấu đến năm 2030 có 100% cán bộ quản lý, giảng viên đại học được bồi dưỡng nâng cao năng lực. Ảnh: minh họa

Theo đó, giảng viên cơ hữu, giảng viên nguồn được tham gia tuyển chọn để nhận kinh phí hỗ trợ của đề án khi đáp ứng 4 yêu cầu.

Thứ nhất, là công dân Việt Nam, tuổi không quá 40 tính đến năm tham gia tuyển chọn, có phẩm chất chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe, không trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật hoặc thi thành kỷ luật từ khiển trách trở lên.

Thứ hai, tham gia tuyển chọn đi học tiến sĩ, thạc sĩ hoặc đang theo học các chương trình đào tạo tiến sĩ lần đầu tiên.

Thứ ba, giảng viên cơ hữu đã đáp ứng điều kiện tuyển sinh của chương trình đào tạo, được cơ sở đào tạo dự kiến tiếp nhận học chính thức trong năm đăng ký tuyển chọn hoặc năm kế tiếp liền kề; hoặc giảng viên nguồn, giảng viên cơ hữu đang theo học chương trình đào tạo tiến sĩ phải còn thời gian học tập, nghiên cứu ít nhất từ 18 tháng trở lên tính đến thời điểm tham gia tuyển chọn.

Thứ tư, chưa nhận hoặc chưa cam kết nhận học bổng toàn phần từ ngân sách nhà nước hoặc từ các nguồn kinh phí khác cho việc học tập, nghiên cứu ở trình độ dự tuyển.

Thông tư cũng nêu rõ trách nhiệm của cơ sở cử người đi học là tổ chức tuyển chọn công khai, minh bạch, công bằng; chịu trách nhiệm về thông tin liên quan đến người học trong quá trình học tập, nghiên cứu và thu hồi chi phí hỗ trợ đào tạo người học đã nhận của đề án khi người học vi phạm các quy định của Thông tư, hoặc bồi hoàn chi phí đào tạo cho Nhà nước trong trường hợp không tiếp nhận, bố trí công tác cho người học sau khi tốt nghiệp.

Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18-1-2019 với mục tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên đại học, trong đó, 7% giảng viên được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài.

Minh Đức

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/1012504/bon-yeu-cau-doi-voi-giang-vien-duoc-nhan-kinh-phi-ho-tro-dao-tao