Bốn yếu tố giúp bất động sản bán lẻ Việt Nam ngày càng hấp dẫn
Ngành bán lẻ đã phục hồi dần sau đại dịch Covid-19 đây là điểm tựa để bất động sản bán lẻ phát triển trong thời gian qua…
Hiện nay, ngành bán lẻ là một trong những ngành kinh tế năng động nhất của Việt Nam, duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục và ấn tượng trong hàng thập kỷ. Đồng thời là một trong những ngành có tốc độ phục hồi phục rõ nét nhất dù bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch.
Ngay từ thời điểm đầu năm 2022, sau một khoảng thời gian dài giãn cách bởi dịch Covid, ngành bán lẻ đã nhanh chóng phục hồi với các hoạt động đón đầu cơ hội, lựa chọn mặt bằng tốt cho chiến lược dài lâu tại thị trường Việt Nam của các ông lớn bán lẻ trên thế giới khi mức giá cho thuê mới bắt đầu tăng nhẹ.
Tính chung cả năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5,679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước và tăng 15% so với năm 2019, năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Cho tới thời điểm hiện tại, mặc dù vẫn chưa đạt mức tăng trưởng hai chữ số như giai đoạn trước dịch Covid-19, ngành bán lẻ Việt Nam vẫn đang đang được đánh giá là có tốc độ phục hồi tích cực
Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước. Quý 1/ 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
TỶ LỆ LẤP ĐẦY CAO
Với sự phục hồi của ngành bán lẻ, thị trường bất động sản bán lẻ cũng nhận được nhiều điểm tích cực. Theo báo cáo của CBRE, thị trường bán lẻ Việt Nam giai đoạn ba tháng đầu năm 2024 tiếp tục cho thấy diễn biến khả quan với giá thuê và tỷ lệ lấp đầy tiếp tục đà tăng.
Hầu hết các giao dịch thuê được ghi nhận trong quý đều từ các thương hiệu nước ngoài mở rộng tại Hà Nội và TP.HCM thuộc đa dạng các ngành hàng từ thời trang, ăn uống đến siêu thị. Nổi bật trong quý là hoạt động khai trương của hai nhãn hàng thời trang cao cấp là Rene Caovilla tại Union Square, TP.HCM và The Hour Glass Opera mở tại số 63 Lý Thái Tổ, Hà Nội.
Về thị trường lớn Hà Nội, trong quý 1 năm nay, thị trường Hà Nội chào đón một dự án mới là khu phức hợp The Linc tại khu đô thị Park City Hà Nội với 10.581 m2 diện tích cho thuê.
Giá chào thuê bất động sản bán lẻ tại thị trường Hà Nội và TP.HCM duy trì mức tăng nhờ vào nguồn cung mới hạn chế kể từ năm 2020. Tại Hà Nội, giá thuê tầng trệt tại khu vực trung tâm ở mức 163,2 USD/m2/tháng, tăng 13,4% so với năm trước. Tỷ lệ trống khu vực Trung tâm giảm xuống còn 1,7%, giảm 3,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Còn tại TP.HCM, giá thuê trung bình khu vực Trung tâm gần ngưỡng 240 USD/m2/tháng, tăng nhẹ 1,8% so với năm trước. Tỷ lệ trống khu vực trung tâm ở mức 4,7%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với quý 1/2023. Diện tích bán lẻ trống tại khu vực trung tâm ở cả hai thành phố đều ở ngưỡng rất thấp.
Tại khu vực ngoài trung tâm, cả Hà Nội và TP.HCM đều ghi nhận mức giá thuê tăng trưởng tốt. Mức giá thuê ngoài trung tâm tại Hà Nội đạt 30,6 USD/m2/tháng, tăng 13,9% so với năm trước. Ở TP.HCM, mức giá thuê cùng khu vực tăng mạnh lên 53,3 USD/m2/tháng, tương đương với mức tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023 do một số trung tâm tái cơ cấu khách thuê.
Về tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn thị trường Hà Nội và TP.HCM đạt lần lượt 89% và 90%, tăng nhẹ theo năm. Trong thời gian kinh tế gặp nhiều thách thức, tỷ lệ lấp đầy ở các trung tâm thương mại ngoài trung tâm tuy có biến động, nhưng nhanh chóng tìm được khách thuê thay thế. Xu hướng các trung tâm được lấp đầy bởi nhiều khách thuê lớn hơn ngày càng rõ rệt, nhằm đảm bảo cung cấp cho khách mua sắm trải nghiệm đa dạng với đầy đủ dịch vụ cộng thêm.
CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA
Đánh giá thị trường bất động sản bán lẻ, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám Đốc, bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE tại TP.HCM cho biết, trong thời gian kinh tế gặp nhiều thách thức, tỷ lệ lấp đầy ở các trung tâm thương mại ngoài trung tâm tuy có biến động, nhưng nhanh chóng tìm được khách thuê thay thế. Xu hướng các trung tâm được lấp đầy bởi nhiều khách thuê lớn hơn ngày càng rõ rệt, nhằm đảm bảo cung cấp cho khách mua sắm trải nghiệm đa dạng với đầy đủ dịch vụ cộng thêm.
Dự kiến trong 5 năm tới, tổng nguồn cung mới trung bình mỗi năm ở Hà Nội và TP.HCM khoảng 65.000m2, thấp hơn 57% so với trung bình của 10 năm vừa qua. Vì nguồn cung mới hạn chế, ít dự án quy mô hoàn thành, nhưng sẽ ít khan hiếm hơn trong những năm vừa qua, CBRE kỳ vọng giá thuê tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm hơn, cụ thể tăng từ 2-3% tại khu vực ngoài trung tâm, và 5-8% tại khu vực trung tâm.
Với góc nhìn của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam còn rất hấp dẫn với nhiều dư địa, tiềm năng phát triển bởi có nhiều yếu tố thúc đẩy.
Thứ nhất, sự tăng trưởng nhanh chóng của dân số, tốc độ phát triển đô thị và thu nhập, đã và đang tạo ra nhu cầu lớn về bất động sản, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ, khi mà người dân đang tìm kiếm những không gian sống và mua sắm tiện nghi hơn.
Thứ hai, chính sách đầu tư vào cải thiện hạ tầng giao thông, bao gồm các dự án xây dựng đường cao tốc và đường sắt đô thị, đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc di chuyển và kết nối giữa các khu vực đô thị.
Thứ ba, các khu vực du lịch phát triển như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng,... đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp bán lẻ với tiềm năng phát triển dài hạn.
Thứ tư, người tiêu dùng ở Việt Nam đang trở nên ngày càng thông minh và có nhu cầu cao về trải nghiệm mua sắm. Họ không chỉ tìm kiếm các sản phẩm chất lượng mà còn đòi hỏi sự đa dạng và tiện lợi trong việc mua hàng. Điều này tạo ra cơ hội cho các nhãn hàng bán lẻ để phát triển các mô hình kinh doanh mới, bao gồm cả các trung tâm mua sắm tích hợp nhiều dịch vụ, khu vực mua sắm dành riêng cho giải trí và ẩm thực, và các cửa hàng trải nghiệm sản phẩm.