Bồng bềnh cùng vịnh Hạ Long

Trong quãng thời gian gần 10 năm làm báo, đề tài mà tôi viết nhiều nhất chắc chắn là vịnh Hạ Long, nơi chứa đựng những buồn vui, có lúc thăng hoa, cũng có lúc hụt hẫng. Tất cả được hòa quyện thành một vịnh Hạ Long, ký ức bồng bềnh, 70 năm thành lập báo Tiền Phong, báo Tiền Phong kỷ niệm 70 năm như sóng nước vịnh Hạ Long.

Duyên nợ với di sản

Sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, từ lâu, tôi đã ý thức được di sản thiên nhiên là một quần thể có giá trị vô cùng to lớn không chỉ đối với Việt Nam mà là của cả nhân loại. Ở quê tôi, nhắc đến Phong Nha - Kẻ Bàng là nhắc đến một biểu tượng mang tính tự hào, hãnh diện vì trong đó chứa đựng những giá trị đặc biệt không thể đo đếm được.

Những ngày chập chững bước vào nghề, anh Hoàng Nam (anh trai ruột phóng viên thường trú) PVTT báo Tiền Phong tại Quảng Bình dắt tôi đi khắp các bản làng nằm trong vùng lõi của di sản. Ăn cùng, ngủ cùng đồng bào và viết những phóng sự về họ mới thấy được văn hóa của cư dân vùng lõi di sản đã tạo nên hồn cốt của Phong Nha – Kẻ Bàng như ngày nay.

Cùng anh em đồng nghiệp lênh đênh trên vịnh Hạ Long lúc chiều về

Cùng anh em đồng nghiệp lênh đênh trên vịnh Hạ Long lúc chiều về

Nhớ nhất lần anh Hoàng Nam dẫn tôi đi khám phá rừng Bách xanh núi đá hàng nghìn năm tuổi (một trong những quần thể Bách xanh núi đá duy nhất còn sót lại trên thế giới). Trèo đèo, lội suối, băng rừng dù mệt nhưng vẫn háo hức được tận mắt nhìn thấy những cây Bách xanh gốc to vài người ôm. Khi gặp 1 thân cây đổ xuống bị mục ruỗng còn sót lại một phần nhỏ, tôi định nhặt mang về làm kỷ niệm. Anh đã quắc mắt nhìn tôi nói với giọng nghiêm nghị.

“Đặt nó lại, nó là một phần của di sản, tất cả những cành cây, ngọn cỏ ở đây đều phải được bảo vệ nghiêm ngặt không được tác động. Dù bị đổ xuống, mục nát nhưng nó cũng là một phần của hệ sinh thái của tự nhiên. Cứ một người đến đây đều nhặt một khúc gỗ mang về thì sau mấy mươi năm liệu có còn di sản?”.

Một lần tác nghiệp ở làng chài cổ đẹp nhất thế giới sắp chìm vì xuống cấp

Một lần tác nghiệp ở làng chài cổ đẹp nhất thế giới sắp chìm vì xuống cấp

Từ lần ấy, tôi đã ý thức được tính nghiêm trọng của việc con người tác động đến thiên nhiên. Nhất là đối với di sản thiên nhiên thế giới, bất kỳ một tác động nào của con người đều có ảnh hưởng đến những hệ sinh thái phát triển hàng trăm triệu năm mới hình thành.

Sau gần 2 năm theo chân anh học nghề, tháng 3/2016, tôi được tòa soạn chính thức cử làm PVTT tại Quảng Ninh. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi quê tôi Quảng Bình lại ngược ra Bắc hơn 600km để lập nghiệp tại Quảng Ninh, cả hai địa phương đều có chữ “Quảng” là chỉ sự rộng lớn. Bình là sự bình yên, Ninh là yên vui, bền vững. Đặc biệt cả hai đều có di sản thiên nhiên thế giới, một Phong Nha - Kẻ Bàng của Quảng Bình và một vịnh Hạ Long của Quảng Ninh.

Đúng như tên gọi, Quảng Ninh là một vùng rộng lớn, yên vui, bền vững. Vùng đất yên vui, rộng lớn đó là nơi hội tụ, giao thoa của các nền văn hóa. Vịnh Hạ Long chính là điểm nhấn đặc biệt của Quảng Ninh mà cả thế giới phải trầm trồ trước vẻ đẹp thiên tạo không nơi nào có được.

Vui buồn cùng vịnh Hạ Long

Bữa cơm sau chuyến đánh cá giữa vùng lõi vịnh Hạ Long

Bữa cơm sau chuyến đánh cá giữa vùng lõi vịnh Hạ Long

Từ những ngày đầu khi mới về Quảng Ninh thường trú, tôi đã làm quen với nhiều ngư dân dọc bờ vịnh. Hôm thì gói chè, lúc thì bao thuốc lá và điều tôi nhận lại từ họ là những chuyến du hải khắp vùng vịnh Hạ Long. Có những chuyến theo chân ngư dân đánh bắt cá dài vài ba hôm hay đơn giản là một bữa nhậu “thả trôi” ven bờ vịnh. Họ coi tôi như một người bạn nhiệt thành, cần là gọi.

Từ những chuyến du hải cùng ngư dân, tôi bắt đầu bị vịnh Hạ Long “mê hoặc”. Cứ lâu lâu không được ra vịnh là thấy nhớ, thấy bứt rứt khó chịu. Cái cảm giác thèm được tự do giữa mênh mông sóng nước nó cồn cào đến lạ. Chỉ đến lúc được ngồi trước mũi thuyền bồng bềnh lướt nhẹ cùng những cơn sóng, nỗi nhớ ấy mới được thỏa mãn.

Dần lâu, những địa danh như Cống Đỏ, Cống Đầm, Vung Viêng, Cửa Vạn... trở nên thân thuộc. Những luồng lạch trong vịnh tôi cũng nhớ như in. Những hòn đảo lớn bé như được sắp xếp thứ tự ngăn nắp trong đầu. Từ bao giờ tôi như trở thành một người con của ngư dân vùng vịnh vậy. Và bài phóng sự đầu tiên khi về Quảng Ninh là viết về ngôi làng chài cổ đẹp nhất thế giới ở vịnh Hạ Long.

Chinh phục núi Bài Thơ, điểm cao nhất vịnh di sản

Chinh phục núi Bài Thơ, điểm cao nhất vịnh di sản

Nhớ nhất là những lần thức trắng cùng ngư dân vừa đánh cá vừa tìm cách tiếp cận những bữa tiệc xa hoa trong hang động giữa vùng lõi di sản. Tuyến bài đã gây chấn động dư luận vì họ đã xâm hại di sản một cách thô bạo khiến nhiều chuyên gia văn hóa đứng ngồi không yên. Cuối cùng, Quảng Ninh buộc phải chấm dứt hoàn toàn dịch vụ có một không hai này để bảo vệ di sản từ tháng 9/2016.

Tiếp sau đó là những đề tài điều tra độc quyền, nóng hổi của Tiền Phong như vụ cắt trộm nhũ đá hang động vịnh Hạ Long làm hòn non bộ, khai thác thủy sản bằng cách tận diệt, bê tông hóa vùng lõi vịnh Hạ Long, những công trình trái phép trên vịnh, nạn nổ mìn khai thác thủy sản trong vùng lõi...

Nhưng đau đáu nhất vẫn là viết về những thân phận nhỏ bé của ngư dân vịnh Hạ Long, một Hạ Long tương phản, những kình ngư mắc cạn, những làng chài vô hồn, những phận đời nhỏ nhoi bị tước đoạt quyền trở về với biển... Nhiều đêm tôi thức trắng nhưng vẫn không thể lột tả hết được cảnh thống khổ của ngư dân sống tạm bợ trong những con thuyền ọp ẹp lênh đênh trên sóng nước.

Lan, cô bé 8 tuổi (năm 2017) tôi gặp trong một lần bắt đò ra khu xóm chài ven bờ vịnh. 8 tuổi nhưng em không biết chữ, phải chèo đò chở khách để kiếm thêm đồng rau, đồng mắm phụ giúp gia đình. Ánh mắt cô bé ngấn lệ khi tôi hỏi chuyện gia cảnh. Ánh mắt ấy như hằn sâu vào tâm trí tôi, như muốn thúc giục tôi làm điều gì đó có ích cho cư dân di sản.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi quê tôi Quảng Bình lại ngược ra Bắc hơn 600km để lập nghiệp tại Quảng Ninh, cả hai địa phương đều có chữ “Quảng” là chỉ sự rộng lớn. Bình là sự bình yên, Ninh là yên vui, bền vững. Đặc biệt cả hai đều có di sản thiên nhiên thế giới, một Phong Nha - Kẻ Bàng của Quảng Bình và một vịnh Hạ Long của Quảng Ninh.

Thấy tôi viết nhiều và tâm huyết với vịnh Hạ Long, sếp Minh Toản, Phó TBT báo Tiền Phong đùa tôi: “Chú mắc nợ với làng chài, cố gắng mà trả nợ kiếp này vì biết đâu kiếp trước chú là con thuồng luồng chuyên quấy phá ngư dân”.

Trải qua nhiều cung bậc cảm xúc với vịnh nhưng lần mà tôi vui nhất chắc là lúc anh Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long gọi điện thông báo: “HĐND thành phố vừa thông qua chi 25 tỷ từ tiền bán vé tham quan vịnh Hạ Long để cứu làng chài cổ đẹp nhất thế giới sắp chìm trên vịnh”. Tôi như vỡ òa trong niềm sung sướng vì lóe lên tia hy vọng cứu vớt những gì còn sót lại của hồn cốt di sản.

Sau 2 tháng, ngôi làng vẫn chìm, 25 tỷ vẫn biệt tăm vì Quảng Ninh cho rằng nó không đúng quy trình. Từ đây, tôi cũng biết, để “trả nợ” cho làng chài còn cả một chặng đường đầy gian nan. Vẫn còn đó những phận đời lênh đênh vô định, những gia đình chạy từng bữa ăn, trẻ em không được đến trường. Thế hệ tương lai của di sản vẫn đang đói ăn từng bữa.

Hoàng Dương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bong-benh-cung-vinh-ha-long-post1587098.tpo