'Bong bóng' mang tên lan đột biến đã nổ?
Những ngày gần đây, giới chơi lan đột biến xôn xao thông tin chủ vườn lan Hà Thanh ở xã Hòa Nam (H.Ứng Hòa, Hà Nội) 'ôm' hơn 200 tỷ đồng - tiền của khách rồi mất hút. Liên quan đến vấn đề này lực lượng chức năng cũng đã bắt đầu vào cuộc
Cả chủ vườn lan và khách mua đều nhận trái đắng
Được biết, chủ vườn lan Hà Thanh kể trên là N.H.T (35 tuổi, trú xã Hòa Nam). Ngày 13/4, vườn lan này đột ngột đóng cửa. Theo người thân anh T., anh T. mở vườn lan khoảng 5 năm gần đây, có quy mô nhất nhì tại huyện, sở hữu nhiều cây lan quý.
Vài tháng gần đây, anh T. hợp tác làm ăn với một người đàn ông tên C. ở H.Hoài Đức (Hà Nội) và trở thành nạn nhân, phải bán nhiều tài sản để trả nợ. Cụ thể, biết anh T. có vườn lan lớn, ông C. đã đặt vấn đề cung cấp lan đột biến (tên gọi khác là lan VAR -Variation) cho anh bán và được hưởng hoa hồng.
Tuy nhiên, sau khi mua lan, nhiều khách hàng phát hiện không phải lan đột biến nên quay lại bắt đền khiến anh T. phải bán xe, bán đất để trả nợ, nhưng vẫn không đủ.
Vườn lan Hà Thanh cửa đóng then cài. Ảnh TL
Anh T. đã làm đơn trình báo, gửi về địa phương ông C. để làm rõ sự việc. Về thông tin anh T. mang hơn 200 tỉ đồng và bỏ trốn, người thân chủ vườn này cho biết: “Không nắm được thông tin" vì đó là giao dịch riêng của anh T., chỉ biết anh này thường vào Nam ra Bắc để giao dịch lan đột biến. Người thân của T. không biết anh đang ở đâu, nhưng khẳng định không có chuyện bỏ trốn, có thể do nhiều người bức xúc tìm đến nên anh phải tránh mặt.
Ngày 13/4, Công an TP.Hà Nội xác nhận Công an H.Ứng Hòa đã tiếp nhận 3 đơn trình báo về việc chuyển tiền cho chủ vườn lan Hà Thanh để mua bán lan đột biến, tổng số tiền theo đơn trình báo khoảng 11 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến ngày giao lan thì không liên lạc được với chủ vườn, tới nhà thì không biết chủ vườn đi đâu.Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội đã chỉ đạo Công an H.Ứng Hòa khẩn trương xác minh, triệu tập những người liên quan để điều tra.
Theo nguồn tin riêng của Báo Nhà báo & Công luận, ngày hôm nay 14/4 lực lượng chức năng Công an Huyện Ứng Hòa đã tiến hành xác minh nơi ở của người đàn ông tên C nêu trên, hiện đang cư trú tại 1 chung cư trên địa bàn xã An Khánh - huyện Hoài Đức.
Trao đổi với PV, Luật sư Lê Thắng - Trưởng VP Luật sư Lê và đồng sự, đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: " Với những yếu tố ban đầu liên quan đến sự việc lan đột biến này thì nếu như các đối tượng trên có chủ đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó cơ quan chức năng chứng minh được điều đó thì sẽ khởi tố theo điều 174 Bộ luật hình sự. Cao nhất có thể vào khoản 4, hình phạt rất nặng là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên..."
Anh Nguyễn Văn Sự (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết, từ cuối tháng 10.2020, anh mua lan đột biến của các nhà vườn B.N (Chương Mỹ, Hà Nội), L.B.D (An Phước, Long Thành, Đồng Nai), T.V.T và T.V.Đ (Yên Thủy Hòa Bình)...
Tuy nhiên, trước tình trạng hàng loạt các thương vụ mua bán lan đột biến với tổng giá trị lên tới cả trăm tỉ đồng vừa diễn ra, nhiều người mua lan bị lừa, nhà vườn thổi giá, nên anh kiểm tra lại số lan vừa mua và phát hiện nhiều gốc lan sai nguồn gốc. Anh liên hệ với các nhà vườn để kiểm tra thông tin, song không thể liên lạc được.
"Số lan đột biến tôi mua từ các nhà vườn này lên tới hàng chục gốc, gốc rẻ cũng từ 70 triệu - 200 triệu, gốc đẹp có giá từ 500 triệu đến cả tỉ đồng. Hiện tại, tôi bị lừa gần 10 tỉ đồng để mua hoa" - anh Sự nói.
Sở dĩ anh Sự phát hiện ra hoa sai nguồn gốc là vì khi nở, hoa màu tím, không phải màu trắng ngọc như lan đột biến, trong khi đó, số tiền anh mua hoa chủ yếu vay ngân hàng và huy động vốn từ người dân.
Lời cảnh báo sớm về lan "đột biến"
Mua bán lan đột biến gen đã từng được cảnh báo sớm khi cơ quan công an nhận được nhiều thông tin tố cáo hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền tỷ trong giao dịch mua bán loại lan này tại nhiều tỉnh khác nhau.
Theo Công an huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2020 đã có một số người bị bắt tạm giam vì có dấu hiệu phạm tội về việc lừa đảo, bán lan đột biến gen. Cụ thể, ngày 8/9/2020, Công an huyện Di Linh, bắt tạm giam 4 tháng Bùi Văn Sỹ (sinh năm 1986, trú tại xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) để điều tra về hành vi lừa bán hoa lan đột biến, chiếm đoạt khoảng 2 tỷ đồng.
Cuối năm 2020, Công an huyện Tân Sơn (Phú Thọ) cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Văn Điệp (24 tuổi), Đinh Văn Đô (21 tuổi) và Đinh Văn Sự (31 tuổi, cùng trú tại huyện Yên Thủy, Hòa Bình) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan điều tra, nhóm bị can này sử dụng phương thức tinh vi khi tách lan đột biến thật gắn vào gốc lan phi điệp thường bằng keo dán. Điệp, Đô và Sự đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng của nhiều người.
Gần đây, ngày 14/1/2021, Công an huyện Yên Thủy (Hòa Bình) cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Tạ Thị Suối Vân (29 tuổi, người địa phương) để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán hoa lan giả trên các trang mạng xã hội.
Tại cơ quan công an, người phụ nữ 29 tuổi khai vì thấy lợi nhuận trong việc mua bán lan đột biến quá lớn, bị can đã sử dụng nhiều trang mạng xã hội để rao bán loại hoa này.
Theo lời khai, Vân rao bán các loại phong lan đột biến như 5 cánh trắng HO, 5 cánh trắng Bạch Tuyết, 5 cánh trắng Phú Thọ, Hồng Yên Thủy... nhưng thực chất đều là cây phong lan bình thường. Trong một tháng, Vân đã chiếm đoạt 4,6 tỷ đồng tiền bán hoa phong lan giả.
Quả bom nổ chậm mang tên Lan "đột biến". Ảnh TL
Như vậy, qua những sự việc này có thể thấy "bong bóng" lan "đột biến" đang hiện hữu và có nguy cơ vỡ rất cao. Và thực sự nếu như không có những chế tài đặc biệt thì "bong bóng" mang tên lan "VAR" sẽ khiến nhiều người khuynh gia bại sản.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bong-bong-mang-ten-lan-dot-bien-da-no-post125369.html