Bóng đá Anh và cuộc chiến mới với COVID-19
Kể từ ngày 15/12, người hâm mộ giải bóng đá Ngoại hạng Anh (Premier League) sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm phòng ngừa COVID-19 khi muốn vào các sân vận động. Tuy nhiên, nỗi lo lắng lại đang gia tăng liên quan việc tới khi nào các trận cầu sôi động mới có thể được tiếp tục trước hàng chục nghìn người hâm mộ, trong bối cảnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang lây lan khắp nước Anh.
Chuyến đi của câu lạc bộ (CLB) Tottenham Hotspur đến Brighton và chuyến làm khách của CLB Manchester United tại Brentford đã bị hoãn lại do dịch COVID-19 bùng phát tại Tottenham Hotspur và Manchester United trong những ngày gần đây. Các CLB khác là Aston Villa, Leicester và Norwich cũng đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19.
Số liệu thống kê cho thấy trong tuần qua, có tới 42 cầu thủ và nhân viên thuộc Premier League mắc COVID-19 - một con số thống kê cao chưa từng có kể từ tháng 5/2020, khi giải đấu này nối lại một cách dè dặt sau 3 tháng “treo sân” do những ảnh hưởng của đại dịch.
Các cầu thủ đã phải chơi bóng trong suốt một năm trước những khán đài trống, nguội lạnh tiếng hò reo cổ vũ, cho đến khi Chính phủ Anh nới lỏng các biện pháp hạn chế cho phép Premier League đón khán giả trở lại sân vào tháng 8 vừa qua. Từ thời điểm đó đến nay, Anh hầu như không áp dụng các biện pháp kiểm soát phòng dịch đối với người hâm mộ tới các sân vận động. Chỉ có một số ít các CLB như Brighton, Chelsea và Tottenham yêu cầu khán giả xuất trình chứng nhận tiêm phòng hoặc giấy xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc kiểm tra giấy tờ y tế này sẽ được triển khai trên khắp nước Anh, áp dụng đối với đám đông có từ 10.000 người trở lên.
Ngay trong trận cầu giữa Liverpool và Aston Villa dịp cuối tuần qua, sân vận động Anfield - sân nhà của CLB Liverpool cũng đã triển khai một trung tâm xét nghiệm nhanh cho các khán giả và một hệ thống mang tên “Người giám sát dịch COVID-19” để hướng dẫn người hâm mộ cập nhật tình trạng tiêm chủng của mình trên điện thoại di động.
Tất nhiên, đã có những phản ứng trái chiều về quy định xuất trình “hộ chiếu vaccine” khi tới sân cỏ của nước Anh. Ông Richard Walker, một cổ động viên 55 tuổi của CLB Liverpool, phàn nàn: “Sẽ rất lộn xộn. Nhiều người lớn tuổi không dùng điện thoại đời mới để làm việc đó, hoặc họ không biết phải xuất trình như thế nào. Giờ đang là giữa mùa Đông và chúng ta sẽ phải xếp hàng dài dằng dặc để được vào xem bóng đá".
Tuy nhiên, nhiều người khác lại có vẻ cởi mở hơn, khi cho rằng đây chính là biện pháp giúp mùa giải Ngoại hạng Anh có thể tiếp tục sự rộn rã và kịch tính vốn có. Cổ động viên Lucas Brownley, 33 tuổi, cho biết: "Đó chỉ là một sự hy sinh nhỏ so với việc sân bóng bị đóng cửa. Những người lớn tuổi có thể gặp khó khăn với công nghệ, nhưng họ cũng là những người cần được bảo vệ nhiều nhất. Quy định mới này có lợi cho họ".
Hiệp hội những người hâm mộ (FSA) cũng ủng hộ quy định về “hộ chiếu vaccine”, coi đây là nỗ lực để tránh việc các trận bóng phải diễn ra mà không có khán giả. Ông Malcolm Clarke - Chủ tịch FSA cho biết: "Ngay từ những ngày đầu bùng phát đại dịch, chúng tôi đã luôn nói rằng những người hâm mộ nên làm theo lời khuyên chuyên môn của các chuyên gia y tế và nhà khoa học. Nếu các ý kiến chuyên gia cho rằng cần thiết phải áp dụng ‘hộ chiếu vaccine’ hay xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người tới sân thì chúng ta hãy chấp nhận những yêu cầu đó".
Tuần trước, khi thông báo về quyết định tăng cường các biện pháp chống dịch COVID-19, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh “hộ chiếu vaccine” sẽ giúp cho “các sự kiện và địa điểm tổ chức được hoạt động hết công suất". Ông cũng nêu rõ điều này sẽ khiến những người tham dự tự tin rằng họ đã giảm thiểu rủi ro cho những người khác và cho chính bản thân họ.