Bóng đá Bình Phước: Nảy mầm từ sỏi đá
BÀI CUỐI
MỤC TIÊU TRỤ HẠNG
BPO - Thành tích đã đạt được rất đáng tự hào, song thời điểm hiện tại, Câu lạc bộ (CLB) bóng đá Bình Phước đang đứng trước không ít khó khăn. Cánh cửa xuống hạng khi tham gia giải hạng Nhất quốc gia 2022 càng lớn và ngay lúc này, đội bóng tỉnh nhà cần được “giải cứu” để có thể trụ lại sân chơi chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến bóng đá Bình Phước “tụt dốc”, cả chủ quan lẫn khách quan. Và có lẽ nguyên nhân sâu xa là tài chính. Cho đến thời điểm hiện tại, bóng đá Bình Phước chưa có bất kỳ một doanh nghiệp nào đứng ra tài trợ để “chăm lo” các khoản cho cầu thủ, huấn luyện viên (HLV).
Lực lượng mỏng
Theo quy định của giải đấu, mỗi đội bóng được đăng ký tối đa 35 cầu thủ nhưng có thời điểm đội bóng Bình Phước chỉ có 20 người. Nguyên nhân do một số cầu thủ nghỉ dài ngày để đi tập huấn, ảnh hưởng của dịch bệnh và chấn thương dai dẳng. Ít người, lịch thi đấu dày nên một số cầu thủ dù chấn thương nhẹ cũng phải “gồng gánh” trong thời gian dài nên từ nhẹ chuyển sang nặng. Đơn cử như cầu thủ Ngô Hồng Phước - tiền đạo chủ lực của CLB Bình Phước phải đá liên tục trong nhiều trận dẫn đến chấn thương 3 tháng nay chưa hồi phục.
Nguyên nhân nữa là ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Gần như tất cả giải đấu trong năm 2021 phải ngưng để tập trung phòng, chống dịch. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác tập luyện, thi đấu của các cầu thủ, không chỉ ở Bình Phước mà trong cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ dịch Covid-19 “ghé thăm” Bình Phước khá sớm nhưng lại kéo dài dai dẳng. Điều đó đồng nghĩa với các cầu thủ CLB Bình Phước phải nghỉ để phòng, chống dịch sớm nhưng lại nhiễm bệnh muộn hơn. Vì thế, trong khi phần lớn các cầu thủ ở CLB khác đã khỏe mạnh, thi đấu ổn định trở lại thì nhiều cầu thủ CLB Bình Phước đang trong giai đoạn điều trị Covid-19…
Lực lượng cầu thủ CLB Bình Phước cũng không đồng đều về số lượng, chất lượng, độ tuổi. Để đảm bảo số lượng cầu thủ thi đấu, thời điểm đầu mùa giải hạng Nhất quốc gia 2022 (tháng 2-2022), CLB Bình Phước phải mượn 6 cầu thủ của CLB Bình Dương và CLB Sông Lam Nghệ An, đồng thời đôn 3 cầu thủ từ đội trẻ lên đội 1. Một rào cản của CLB Bình Phước là độ tuổi quá cao nên không còn sung mãn, đỉnh cao của sự nghiệp. Độ tuổi bình quân của CLB Bình Phước là 28, trong khi nhiều CLB hạng Nhất độ tuổi trung bình khoảng 25, có đội chỉ trên 20, như CLB Phố Hiến, độ tuổi bình quân chỉ 20,2.
Tài chính hạn hẹp
Để có đội bóng chất lượng đồng đều cũng như có ban huấn luyện giỏi, thi đấu đạt đỉnh cao thì tài chính là “mắt xích” quan trọng nhất. Thực tế đã chứng minh hầu hết các CLB có tài chính dồi dào, nguồn tài trợ lớn thường dẫn đầu các giải đấu chuyên nghiệp. CLB Bình Phước hiện được ngân sách cấp khoảng 15 tỷ đồng/mùa. Kinh phí hạn chế nhưng chi rất nhiều khoản như trả lương, thưởng, ăn, ở cho vận động viên, HLV, các hoạt động tổ chức thi đấu, xe di chuyển, vé máy bay, thuốc điều trị chấn thương, dụng cụ thi đấu, tập luyện…
Ông Vũ Đình Tứ, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh trăn trở: Thi đấu ở giải chuyên nghiệp quốc gia thì phải thực hiện theo cơ chế thị trường. Tức là muốn có cầu thủ giỏi, HLV hay thì phải có lương cao, kinh phí để chuyển nhượng, đặc biệt là các khoản thưởng để động viên, khích lệ tinh thần các cầu thủ, HLV. Không riêng bóng đá chuyên nghiệp (hạng Nhất và V.League) mà giải hạng Nhì quốc gia còn chi phí đến 200 triệu đồng để chuyển nhượng 1 cầu thủ chất lượng. Nhưng điều đó lại quá xa vời với CLB Bình Phước.
Thành lập từ năm 2014 và đây là năm thứ 8 liên tiếp, đội bóng tỉnh nhà góp mặt trên bản đồ các sân chơi bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Đây là thành tích rất đỗi tự hào mà không phải địa phương nào cũng có được. Thế nhưng đến nay, dù đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc kêu gọi, vận động của lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ban lãnh đạo CLB và từng thành viên, nhưng CLB Bình Phước vẫn chưa có doanh nghiệp lớn nào đứng ra tài trợ cho đội bóng. Mọi khoản chi đều chắt chiu từ nguồn kinh phí hoạt động nên khó chồng khó.
Theo quy định hiện hành, 1 trận thắng các cầu thủ và ban huấn luyện được thưởng hơn 100 triệu đồng và nếu hòa thì được khoảng 80 triệu đồng (chia theo tỷ lệ A, B, C, D). Kinh phí này do ngân sách cấp và cũng nằm trong mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, hầu hết các đội bóng khác ngoài khoản thưởng theo quy định còn có kinh phí doanh nghiệp tài trợ thêm nên khoản thưởng cũng tăng tương ứng. Đơn cử như CLB Phố Hiến, 1 trận thắng được thưởng 350 triệu đồng hay CLB Khánh Hòa, 1 trận thắng còn được thưởng nóng lên đến cả tỷ đồng.
Đó là con số ở hạng Nhất, còn tại V.League, các đội có khung thưởng rất cao. Đơn cử như CLB Sài Gòn có mức thưởng mỗi trận thắng lên đến 1,5 tỷ đồng. CLB Nam Định thưởng 1,2 tỷ đồng cho 1 trận thắng sân khách và 1 tỷ đồng cho 1 trận thắng sân nhà. Ngoài khoản thưởng chung thì các đội còn có các khoản thưởng phụ khác như cầu thủ ghi bàn đầu tiên, cầu thủ xuất sắc nhất trận, nhất tháng, HLV xuất sắc nhất trận, nhất tháng hay thậm chí cả vượt khung trong những trận đấu có tính chất quan trọng…
Và mục tiêu trụ hạng
Khép lại giai đoạn lượt đi, CLB Bình Phước chỉ có 6 điểm và đứng cuối bảng. Sau lượt trận thứ 14, CLB Bình Phước cũng chỉ có 7 điểm, đứng chót bảng. Kết quả này khiến nguy cơ đội bị rớt hạng là rất lớn. Do đó, để trụ hạng thành công, ban lãnh đạo đội bóng có nhiều sự thay đổi, điều chỉnh. Ngoài HLV trưởng, HLV thủ môn, CLB còn tăng cường nhiều cầu thủ mới.
HLV Lê Thanh Xuân, người có công giúp CLB Bình Phước thăng hạng Nhất năm 2015 và đoạt vị trí thứ 3 ở mùa giải 2017 trở lại tiếp quản chiếc “ghế nóng” thay người tiền nhiệm Hoàng Thọ. HLV thủ môn Khổng Thanh Tú thay người tiền nhiệm Phan Trường Chinh. CLB cũng mang về nhiều tân binh chất lượng so với mặt bằng chung của sân chơi hạng Nhất.
Trước đó, Đoàn Tuấn Phong, Trương Công Thảo, Thân Thắng Toàn, Trương Văn Huy... đã chia tay đội bóng. Dù vậy, CLB Bình Phước FC đã kịp thời tăng cường những gương mặt mới vào đầu giai đoạn 2, như: Phan Bá Quyền, Nguyễn Duy Triết, Lâm Văn Ngoan, Nguyễn Thanh Lâm, Đồng Văn Trung, Hà Vũ Em, Trịnh Nguyễn Mai Tài Lộc. Đáng chú ý là 2 cầu thủ trẻ mượn từ CLB Sông Lam Nghệ An, CLB Phố Hiến là Phan Bá Quyền và Nguyễn Duy Triết. Phan Bá Quyền là ngôi sao tiềm năng của bóng đá xứ Nghệ. Tiền vệ sinh năm 2002 từng cùng U23 Việt Nam lên ngôi vô địch ở giải U23 Đông Nam Á 2022.
Theo ông Vũ Đình Tứ, ngoài “thay máu” lực lượng, ban lãnh đạo đội bóng sẽ thường xuyên động viên, trấn an tinh thần các cầu thủ, ban huấn luyện. Đồng thời quản lý chặt chẽ các khâu sinh hoạt, tập luyện, nghỉ ngơi và tăng cường các khẩu phần ăn bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, ông Tứ cũng cho rằng, ngoài nỗ lực của CLB, ban lãnh đạo thì rất cần sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ hơn nữa của lãnh đạo các cấp, ngành và mạnh thường quân, doanh nghiệp. Có như thế mới góp phần chung tay “giải cứu” đội bóng thành công.
Trụ hạng thành công là rất khó nhưng khó mấy cũng phải quyết tâm. Hiện nay, giải hạng Nhất còn 8 trận, 4 trận sân nhà, 4 trận sân khách và mỗi trận đều là trận chung kết với CLB Bình Phước. CLB Bình Phước quyết tâm lấy điểm trước 2 đội áp sát là CLB Đắk Lắk và CLB Phú Thọ. CLB Bình Phước gặp CLB Phú Thọ ngày 23-9 trên sân Phú Thọ và gặp CLB Đắk Lắk trên sân nhà ngày 28-9 tới. Hiện CLB Đắk Lắk đang có 11 điểm, hơn CLB Bình Phước 4 điểm, còn CLB Phú Thọ có 12 điểm, hơn CLB Bình Phước 5 điểm. Vì thế, nếu thắng cả 2 đội này thì hy vọng trụ hạng là rất cao.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/74/136978/bong-da-binh-phuoc-nay-mam-tu-soi-da