Bóng đá chuyên nghiệp ra sao sau sáp nhập tỉnh?

Câu hỏi được nhiều người đặt ra: sau khi địa phương sáp nhập, các đội bóng chuyên nghiệp có phải thay đổi mô hình hoạt động?

Theo lãnh đạo Cục Thể dục thể thao Việt Nam, hiện các đội bóng ở V-League hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, pháp nhân độc lập. Tỉnh mới sau sáp nhập có thể nhiều hơn một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp…

Các đội bóng có "hòa làm một"?

Từ ngày 1/7, các tỉnh Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình sáp nhập thành tỉnh Ninh Bình; Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu sáp nhập vào TP.HCM; Quảng Nam nhập vào Đà Nẵng; còn Bình Định sáp nhập với Gia Lai… Đây là những địa phương có đội bóng chuyên nghiệp đang thi đấu ở V-League và hạng Nhất, có fan hâm mộ riêng.

Các đội bóng ở V-League hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, pháp nhân độc lập nên một tỉnh mới sau sáp nhập có nhiều hơn một CLB chuyên nghiệp là bình thường. Ảnh: Xuân Thủy.

Các đội bóng ở V-League hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, pháp nhân độc lập nên một tỉnh mới sau sáp nhập có nhiều hơn một CLB chuyên nghiệp là bình thường. Ảnh: Xuân Thủy.

Trước thông tin lan truyền đổi tên, câu lạc bộ Thép Xanh Nam Định lên tiếng bác bỏ. Cụ thể, ngày 30/6, nhà đương kim vô địch V-League khẳng định: "Đội bóng vẫn mang tên Thép Xanh Nam Định. Câu lạc bộ chưa có kế hoạch hay bất kỳ hoạt động, giấy tờ nào liên quan đến việc đổi tên. Thông tin đổi tên không chính xác, gây hoang mang cho người hâm mộ".

Động thái phủ nhận tin đồn đổi tên của câu lạc bộ Thép Xanh Nam Định cho thấy quyết tâm duy trì bản sắc, tập trung vào mục tiêu chuyên môn sau mùa giải lịch sử.

Đội bóng thành Nam cho biết, đang gấp rút chuẩn bị lực lượng, lên kế hoạch tập huấn để hướng tới mùa giải 2025 - 2026, nơi họ sẽ tham dự 5 đấu trường gồm: V-League, Cúp quốc gia, Siêu cúp quốc gia, AFC Champions League Two và Shopee Cup.

Câu hỏi đặt ra sau khi địa phương sáp nhập, các đội bóng có "hòa làm một"? Trả lời câu hỏi này, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam cho biết: "Hiện các đội bóng ở V-League hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, pháp nhân độc lập. Có thể tỉnh mới sau sáp nhập có nhiều hơn một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các trung tâm thể dục thể thao, cơ sở đào tạo bóng đá trẻ có thể phải sắp xếp, tinh gọn lại theo đơn vị hành chính mới".

Theo bà Yến, ngành thể thao sẽ điều chỉnh cách tổ chức các giải đấu toàn quốc, đại hội thể dục thể thao… phù hợp địa giới hành chính mới sau sáp nhập.

"Đây là quá trình phức tạp, cần thời gian. Trước mắt, chúng tôi sẽ tuân theo tinh thần của Nghị quyết 60-NQ/TW và tiếp tục chờ hướng dẫn chi tiết từ Trung ương", bà Yến thông tin.

Một địa phương có 2, 3 đội bóng là bình thường

Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chia sẻ, một địa phương có hai hoặc ba đội bóng chuyên nghiệp không phải là chuyện hiếm trong bóng đá thế giới.

Ở các nền bóng đá phát triển, một thành phố có nhiều đội bóng chuyên nghiệp là bình thường. Manchester (Anh) có Man United và Man City, hai đội bóng đều thi đấu ở giải Ngoại hạng Anh, nằm trong nhóm các câu lạc bộ hàng đầu thế giới. Thủ đô London là "mảnh đất vàng" của bóng đá Anh khi có hơn 10 đội chuyên nghiệp, tiêu biểu là Arsenal, Chelsea, Tottenham.

Các đội bóng hoạt động độc lập, có mô hình quản trị, tài chính riêng. VFF chủ động theo dõi tình hình, có phương án xử lý nếu phát sinh vấn đề. Năm 2025, mọi kế hoạch tổ chức giải quốc nội và hoạt động của các đội tuyển quốc gia vẫn triển khai bình thường.

Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Tại Ý, thành Milan là nơi đặt đại bản doanh của Inter Milan và AC Milan, biểu tượng của bóng đá châu Âu. Còn tại Tây Ban Nha, thủ đô Madrid có Real và Atletico - hai "ông lớn" giàu thành tích.

Những đội bóng này hoạt động như doanh nghiệp với cơ chế thị trường, tự chủ tài chính, không sử dụng ngân sách Nhà nước, có chiến lược phát triển dài hạn. Họ cùng phát triển và cạnh tranh lành mạnh, tạo sức hấp dẫn riêng cho các giải đấu.

Thực tế, ngay tại V-League, TP Hà Nội hiện đang sở hữu 3 câu lạc bộ chuyên nghiệp: Hà Nội FC, Thể Công Viettel và Công an Hà Nội. Chia sẻ sân vận động, cùng đại diện cho Thủ đô, song mỗi đội có lịch sử hình thành, lực lượng cổ động viên và phong cách thi đấu riêng, tạo nên các trận derby đầy kịch tính, được người hâm mộ chờ đón.

Tương tự, câu lạc bộ TP.HCM, Bình Dương hay Bà Rịa - Vũng Tàu đều có bản sắc riêng. Các đội bóng này nằm ở TP.HCM sau sáp nhập, nhưng mỗi câu lạc bộ đại diện cho cộng đồng riêng, mang đến sự phong phú cho các giải đấu.

Nên giữ mô hình hiện tại

Quy chế cấp phép câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam hiện được xây dựng trên cơ sở khung tiêu chuẩn của FIFA (Liên đoàn bóng đá quốc tế) và AFC (Liên đoàn bóng đá châu Á), đảm bảo phù hợp với luật pháp trong nước.

Theo đó, mỗi câu lạc bộ phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự chuyên môn, tình hình tài chính và pháp lý, minh bạch trong hoạt động.

FIFA yêu cầu các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp phải có nguồn tài chính ổn định để đảm bảo lương thưởng cho cầu thủ, huấn luyện viên, nhân viên; đầu tư cơ sở vật chất và các hoạt động liên quan. Đồng thời, các báo cáo tài chính cần kiểm toán, công khai minh bạch theo quy chuẩn quốc tế.

Việc sáp nhập các tỉnh thành là chủ trương lớn của Nhà nước; ngành thể thao không nằm ngoài lộ trình điều chỉnh. Tuy nhiên, với bóng đá chuyên nghiệp, nơi mỗi câu lạc bộ gắn với một cộng đồng người hâm mộ, lối chơi đặc trưng và chiến lược đầu tư riêng thì việc sáp nhập không chỉ tính bằng địa giới.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, khi bóng đá vận hành như một ngành công nghiệp, mỗi đội bóng là một thương hiệu, không thể áp đặt cơ học sáp nhập tỉnh là phải gộp đội bóng. Điều quan trọng là đảm bảo tính chuyên nghiệp, cạnh tranh và tự chủ tài chính của từng câu lạc bộ.

Ông Minh cho rằng, cần giữ nguyên mô hình bóng đá chuyên nghiệp hiện tại. Đội nào đáp ứng đủ tiêu chuẩn cấp phép thì được thi đấu, không phụ thuộc vào tên địa phương. Các giải đấu cấp quốc gia nên tổ chức linh hoạt, xét theo mô hình câu lạc bộ, không cứng nhắc theo đơn vị hành chính.

Một tỉnh có nhiều câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, thu hút khán giả và tạo ra sân chơi cạnh tranh lành mạnh thì thay đổi về địa giới hành chính không phải là rào cản, mà là cơ hội để nâng tầm bóng đá nước nhà.

Huy Trung

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/bong-da-chuyen-nghiep-ra-sao-sau-sap-nhap-tinh-192250709152443753.htm