Bóng đá chuyên nghiệp và những câu chuyện buồn bỏ giải
Điều quan trọng nhất của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hiện nay là sợ thiếu tiền, thiếu nhà tài trợ còn thực lực, kỹ thuật, đấu pháp, nỗ lực của huấn luyện viên, cầu thủ lại xếp xuống thứ hai.
Dự kiến, cuối tháng 10-2023, dự án sửa chữa, nâng cấp sân vận động Phan Thiết (Bình Thuận) sẽ được khởi công với tổng mức đầu tư hơn 17 tỷ đồng.
“Cầu xây xong đã lâu không thấy người về đưa dâu”
Sân vận động Phan Thiết được xây dựng từ trước 1975 và đây được xem là lần sửa chữa, nâng cấp lớn nhất từ trước đến nay khi được nâng cấp, sửa chữa mặt sân; hệ thống điện chiếu sáng; hệ thống cấp nước tưới tự động, tưới thủ công và hệ thống thoát nước mặt; cải tạo phòng kho thành phòng kỹ thuật…
Xem phối cảnh của sân thấy thật đẹp nhưng thật tiếc cho CLB bóng đá Bình Thuận khi chính thức có văn bản xin bỏ giải hạng Nhất quốc gia.
Giấc mơ hơn ¼ thế kỷ của người dân Phan Thiết nói riêng, Bình Thuận nói chung được xem đội bóng đá tỉnh nhà thi đấu hạng chuyên nghiệp trên sân nhà xem như đã khép lại khi hôm qua (16-10), VPF chính thức thông báo CLB bóng đá Bình Thuận rút lui khỏi hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Thật tiếc khi mùa trước sau gần 30 năm CLB bóng đá Bình Thuận mới thăng hạng Nhất nhưng phải mượn sân Ninh Thuận để thi đấu do sân Phan Thiết lúc đó đã xuống cấp, chưa đủ chuẩn. Trớ trêu thay, khi sân vận động sắp khởi công nâng cấp thì CLB bóng đá Bình Thuận phải xuống chơi ở giải hạng Ba theo quy chế nếu bỏ giải.
Không nói thì ai cũng biết, một CLB mượn sân thi đấu thì khán giả địa phương cũng chẳng mặn mà gì bỏ thời gian đi cổ vũ cho một đội bóng lạ hoắc. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp muốn tài trợ phải tính toán lại khi xuống tiền tỷ đặt bảng quảng cáo trên sân hay in logo trên ngực áo cầu thủ.
Có sân nhà, trước khát khao của khán giả nhà kéo tới chật sân, ngoài tiền vé mà hầu hết người dân được hỏi đều sẵn sàng móc hầu bao ủng hộ thì các bảng quảng cáo trên sân sẽ được nhân rộng hơn khi khán giả nào cũng có thể livestream trên mạng xã hội.
Cạnh đó là những buổi phát trực tiếp trên nền tảng số khi có trận đấu; truyền thông nhiều hơn là những thứ mà nhà tài trợ nào cũng cần, cũng quan tâm khi xuống tiền.
Tiếc thay, từ tháng 5-2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định phê duyệt dự án nâng cấp, sửa chữa Sân vận động Phan Thiết. Tuy nhiên phải kéo dài đến hơn 5 tháng bởi phải tuân thủ và theo các quy trình từ hồ sơ thiết kế; thẩm định, đấu thầu, đấu giá. Sau đó, lại còn phải chờ báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật của tổ chuyên gia, chủ đầu tư mới phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và phải được thẩm định trước khi phê duyệt, nếu như không muốn làm nhanh, rút gọn, làm sai quy trình để gặp cảnh xấu.
Nhiều CLB bỏ giải vì thiếu tiền
Nhưng với tình hình hiện tại, có sân nhà cũng chưa chắc kêu gọi được tài trợ mà CLB Cần Thơ là một minh chứng khi CLB này cũng bỏ không tham dự giải hạng Nhất 2023.
Cần Thơ được xem là Tây Đô, thủ phủ của miền Tây Nam Bộ nhưng tổng thu ngân sách năm 2022 của thành phố này chỉ đạt 11.272 tỷ đồng, thua Bình Thuận khi tổng thu ngân sách năm 2022 của tỉnh này đạt 11.300 tỷ đồng.
Vậy vì sao TPHCM, tổng thu ngân sách năm 2022 đạt tới 471.562 tỷ đồng và nơi đây là trung tâm kinh tế, văn hóa, thể thao của cả nước nhưng CLB Sài Gòn cũng bỏ giải hạng Nhất năm 2023?
Nên nhớ thu ngân sách chỉ trên địa bàn quận 1, TP.HCM ước đạt gần 19.000 tỷ đồng. Số thu ngân sách của quận này cao hơn 46 tỉnh, thành trên cả nước trong đó có Thái Nguyên, Hưng Yên, Cần Thơ, Bình Thuận... và lớn hơn số thu của 8 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang, Kon Tum, Đắk Nông cộng lại.
Dĩ nhiên, CLB bóng đá Sài Gòn khác với CLB bóng đá TPHCM đang chơi ở V-League bởi CLB Sài Gòn lại xuất thân tận… Hà Nội. Mang tên Sài Gòn nhưng đổi tên từ Công ty Cổ phần phát triển bóng đá Hà Nội thành Công ty Cổ phần phát triển bóng đá Sài Gòn (do ông chủ là bố vợ của hai cầu thủ Nguyễn Văn Quyết và Đỗ Duy Mạnh điều hành thay cho bầu Hiển), sau này chuyển nhượng lại, nên khó có thể trách TP.HCM.
Mọi so sánh đều là khập khiễng nhưng đề cập đến chuyện thu ngân sách để cho thấy sự phát triển về kinh tế, xã hội của những địa phương liên quan tỷ lệ thuận với số lượng các nhà tài trợ tiềm năng ở đó.
Tuy nhiên, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp hiện nay quá khắc nghiệt khi quy định các CLB từ hạng Nhất trở lên phải thành lập công ty chuyên nghiệp, không dựa vào ngân sách địa phương dù đây là điều cần thiết bắt buộc phải làm để xây dựng nền bóng đá chuyên nghiệp và cũng là nơi cung cấp nhân sự cho các CLB ở V-League và các đội tuyển bóng đá quốc gia.
Hiện nay, khi mà các nhà tài trợ “tiềm năng” hầu hết là các công ty bất động sản và hầu hết đang bị “xì hơi” thì bất cứ CLB hạng Nhất nào cũng có nguy cơ bỏ giải bởi thiếu tài trợ.
Điều quan trọng nhất của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hiện nay là sợ thiếu tiền, thiếu nhà tài trợ còn thực lực, kỹ thuật, đấu pháp, nỗ lực của huấn luyện viên, cầu thủ lại xếp xuống thứ hai…
Nguồn PLO: https://plo.vn/bong-da-chuyen-nghiep-va-nhung-cau-chuyen-buon-bo-giai-post756886.html