Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong 'dòng chảy' lịch sử

Đất nước đã thống nhất tròn 50 năm, nhưng bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V.League) mới bằng một nửa thời gian này. Vượt lên trên tất cả khó khăn, đó là sự chuyển mình và phát triển không ngừng của bóng đá Việt Nam, để hiện nay Giải V-League được đánh giá là một trong những giải đấu hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á.

Chất lượng chuyên môn của giải đấu những năm gần đây đã tăng lên rõ rệt. (Ảnh: VFF)

Chất lượng chuyên môn của giải đấu những năm gần đây đã tăng lên rõ rệt. (Ảnh: VFF)

Bóng đá Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước

Bóng đá Việt Nam sau khi nước nhà thống nhất đã xuất hiện giải bóng đá cao nhất là giải A1. Những đội bóng một thời sau hậu chiến như Thể Công, Cảng Sài Gòn, Đường sắt Việt Nam, Sở Công nghiệp TP HCM, Công nghiệp Hà Nam Ninh, Cảng Hải Phòng... nhưng thời thế đổi thay, những thương hiệu bóng đá này không còn và bóng đá Việt Nam đi lên vận hành bóng đá chuyên nghiệp (BĐCN).

Bắt đầu từ mùa giải 2000 - 2001 đến hết mùa giải năm 2010 - 2011 (thời gian thử nghiệm vận hành BĐCN) do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trực tiếp tổ chức quản lý và điều hành. Ban thi đấu của VFF đảm nhận các tác nghiệp chuyên môn và điều hành giải.

Chất lượng chuyên môn của giải đấu đã tăng lên rõ rệt. Điều đó được thể hiện thông qua các số liệu chuyên môn trong trận đấu như thời gian bóng trong cuộc, hoạt động di chuyển có bóng và không bóng, tính đua tranh hấp dẫn, quyết liệt từ đầu đến cuối mùa giải. Các hiện tượng tiêu cực như móc ngoặc, nhường điểm, mua bán độ giảm đi rõ rệt.

Ông Phạm Ngọc Viễn, cựu Tổng Thư ký VFF cho biết về thực trạng bóng đá Việt Nam buổi đầu đi theo chuyên nghiệp: “Cơ chế vận hành này đã bộc lộ những tồn tại cố hữu mang nặng tính nghiệp dư “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Cơ cấu tổ chức, quản lý điều hành theo phương thức chuyên nghiệp hóa nặng về hình thức và chưa tuân thủ các quy chế nghiêm ngặt của bóng đá nhà nghề. Hành lang pháp lý chưa đủ mạnh. Điều này thể hiện ở Quy chế bóng đá chuyên nghiệp được ban hành trong các năm 2004, 2005...

Trong giai đoạn này, có thời điểm (2003 - 2007) ảnh hưởng của những tiêu cực và tệ nạn xã hội đã xâm nhập vào hoạt động bóng đá như móc ngoặc, cá độ, mua bán độ kể cả ở cấp đội tuyển quốc gia (SEA Games 23 năm 2005 tại Philippines)”.

Trong 2 mùa giải đầu tiên (2001, 2002), bản quyền giải đấu do VFF nắm giữ, thông qua Công ty môi giới Strata với mức trung bình 2 triệu USD (khoảng 30 tỷ đồng/năm). Các CLB khởi nghiệp có một nguồn kinh phí nhất định (mỗi CLB được chia khoảng 1,6 tỷ đồng/năm) để tiến hành chuyên nghiệp hóa nền bóng đá Việt Nam.

Việc khai thác thương quyền gặp nhiều khó khăn khi chỉ đạt được nguồn thu rất hạn chế (khoảng 4 tỷ đồng năm 2003; từ năm 2003 - 2009 đạt khoảng 7,2 - 8 tỷ đồng/năm). Năm 2010, việc khai thác thương quyền tên giải đã đạt được khoảng 11 tỷ đồng. Nguồn thu đó mới chỉ bảo đảm tối thiểu cho công tác vận hành giải đấu với chi phí ngày càng cao hơn. Trong khi đó, nguồn thu của các CLB vẫn còn rất hạn hẹp, chưa đáp ứng được kinh phí cho các nhu cầu hoạt động.

Bước tiến của sự chuyên nghiệp

Bắt đầu từ mùa giải 2012 đến nay, giải V.League được tổ chức, quản lý và điều hành bởi Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). V.League đã có nhiều tiến bộ về mặt chuyên môn, thu hút một số lượng lớn người hâm mộ đến sân vận động để theo dõi trực tiếp cũng như xem bóng đá trên truyền hình.

Số lượng các trận đấu được truyền hình trực tiếp từ 30 - 40% tổng số trận đấu năm 2012 đã được phủ kín 100% từ mùa giải 2016 - 2017. Bản quyền truyền hình đã được thiết lập với giá trị kinh tế tăng lên từng năm (60 tỷ đồng mùa giải 2011, năm 2012 lên 120 tỷ đồng). Tổng giá trị thương quyền của giải đấu đạt được con số đáng khích lệ 500 - 600 tỷ đồng/mùa.

Ban Tổ chức giải điều hành giải đấu thông qua các hệ thống giải mang tính chuyên nghiệp như: Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, Điều lệ giải, Quy định về tổ chức các trận đấu ở các địa phương, các chế độ báo cáo... Bắt đầu từ mùa giải 2015 - 2016, VFF thực hiện việc cấp phép cho các CLB tham dự giải theo 5 tiêu chí: thể thao, hành chính và nhân lực, cơ sở vật chất, pháp lý, tài chính.

Cần hướng tới sự chuyên nghiệp đỉnh cao

Ông Nguyễn Văn Phú - Tổng Thư ký VFF cho biết, VFF đã đưa ra Chiến lược mới, khẳng định quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu nhiệm vụ mà chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam giai đoạn tới 2030 và tầm nhìn tới 2045 đã có.

Tham mưu các cơ quan quản lý nhà nước, các giải pháp hỗ trợ đầu tư và ưu đãi đối với các tổ chức có sự ưu tiên đầu tư cho bóng đá, cho các CLB bóng đá chuyên nghiệp có truyền thống đóng góp cho thành tích của bóng đá quốc gia được hưởng ưu đãi về chính sách, thuế suất, đất đai phục vụ hoạt động thể thao như chính sách của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp công ích được Nhà nước giao nhiệm vụ phát triển bóng đá, đóng góp cho quốc gia và cộng đồng.

Bố trí ngân sách và triển khai một số Đề án trọng điểm về đào tạo bóng đá trẻ: chú trọng đầu tư các lứa cầu thủ 17 đến 20 tuổi (tính ở thời điểm năm 2023) khi đến thời điểm tổ chức World Cup 2030 và 2034 các cầu thủ này ở lứa tuổi từ 24 - 25 đến 28 tuổi là lứa tuổi “vàng” cho bóng đá đỉnh cao.

Xây hệ thống thi đấu đồng thời với đầu tư về khoa học công nghệ, y học thể thao, đào tạo nguồn nhân lực tốt. Nhân rộng các đơn vị hoạt động bóng đá chuyên nghiệp.

VFF tiếp tục hợp tác quốc tế sâu đậm với các quốc gia có nền bóng đá phát triển (như Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE. Qatar...) để tạo cơ hội phát triển cho bóng đá Việt Nam.

Phải chuyên nghiệp hóa ở trình độ cao bóng đá ở cấp đội tuyển quốc gia, câu lạc bộ về cấu trúc, tổ chức, nhân sự, chuyên môn, thương mại, pháp lý, dịch vụ chăm sóc y tế.

Hoàn thiện hệ thống thi đấu theo mô hình hiện đại, tiếp cận và đạt tiêu chuẩn nhóm 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu ở châu Á, đặt mục tiêu có mặt Vòng chung kết FIFA World Cup trong giai đoạn 2030 - 2045.

Theo ông Phạm Ngọc Viễn, VPF nên xây dựng theo mô hình quản lý điều hành BĐCN của giải J. League (Nhật Bản).

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy để nâng cao tính nhà nghề của BĐCN... Tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước TDTT về mặt xây dựng hành lang pháp lý (Luật TDTT) theo xu hướng xã hội hóa cho hoạt động điều hành của VFF.

Khuyến khích các tập đoàn kinh tế lớn như Viettel, SHB, T&T, Becamex Bình Dương, HAGL... đầu tư lâu dài và ổn định vào việc phát triển các CLB.

Khai thác có hiệu quả thương quyền của các CLB. Phương thức tài trợ của các doanh nghiệp phải lâu dài vào các CLB để tạo nguồn tài chính ổn định bền vững.

Đa dạng hóa các nguồn thu của các CLB như: tài trợ của các chủ đầu tư, bản quyền truyền hình, thu từ bán vé xem thi đấu, tài trợ của Nhà nước, xổ số bóng đá (hoặc đặt cược bóng đá), dịch vụ ngoài lề sân cỏ, tài trợ tư nhân, lệ phí hội viên, phát hành cổ phiếu.

Minh bạch hóa công tác quản lý tài chính.

Thành lập Hội cổ động viên bao gồm những người hâm mộ (fan) trung thành với CLB. Có hình thức lôi cuốn khán giả đến sân cổ vũ. Biến các trận đấu bóng đá trở thành ngày hội văn hóa thể thao ở các địa phương với hình thức văn hóa, văn minh.

Hệ thống đào tạo VĐV được đào tạo ở các trung tâm bóng đá trẻ với đầy đủ các đội trẻ các lứa tuổi từ U9-10 đến U20-21 và tham gia thi đấu các giải trẻ cùng độ tuổi ở cấp quốc gia.

Nhà nước cần tạo ra cơ chế, chính sách thoáng, cơ chế đòn bẩy để VFF, các CLB BĐCN thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào bóng đá.

Đa dạng hóa các loại quỹ phát triển thể thao chuyên nghiệp ở nhiều cấp để đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho các CLB bóng đá chuyên nghiệp.

Tuấn Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bong-da-chuyen-nghiep-viet-nam-trong-dong-chay-lich-su-post547011.html