Bệ đỡ hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động và áp lực từ các yêu cầu phát triển bền vững ngày càng lớn, doanh nghiệp (DN) khu vực tư nhân tại Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trước thực tế đó, Chương trình hỗ trợ DN khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 được khởi xướng như một cú hích mạnh mẽ nhằm tiếp sức cho cộng đồng DN vượt qua trở ngại, tái cấu trúc và nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn.
Chuyển đổi tư duy từ đối phó sang chủ động
Trước đây, các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ ở các phân khúc cao cấp, nay đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường. Xu hướng phát triển xanh và bền vững đã và đang hình thành "luật chơi" mới về thương mại và đầu tư.
Trong bối cảnh này, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, việc hỗ trợ DN khu vực tư nhân chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững trở thành một yêu cầu cấp thiết. Nhằm mục tiêu này, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ DN khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 8-2-2022.

Tổng công ty cổ phần May 10 nhanh chóng chuyển đổi để thích ứng với nhu cầu tiêu dùng xanh.
Theo đó, Chương trình sẽ triển khai thực hiện 3 hoạt động chính: Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh bền vững; hỗ trợ các DN kinh doanh bền vững; hoạt động quản lý Chương trình.
Chính phủ đặt mục tiêu cụ thể phấn đấu hỗ trợ phát triển tối thiểu 10 công cụ, giải pháp đo lường, đánh giá, công nhận các DN kinh doanh bền vững; qua đó hỗ trợ khoảng 10.000 DN khu vực tư nhân kinh doanh bền vững; góp phần đạt mức tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc; tăng năng suất lao động bình quân khoảng 7%/năm...
Một trong những thành công nổi bật của chương trình sau hơn ba năm triển khai là sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của DN về phát triển bền vững. Trước đây, nhiều DN vẫn coi yếu tố môi trường, xã hội hay quản trị (ESG) là chi phí, thì nay, điều này dần được nhìn nhận như một yếu tố sống còn, quyết định khả năng tồn tại và phát triển dài hạn.
Việt Nam cũng đã phát triển một số công cụ và giải pháp đo lường, đánh giá DN kinh doanh bền vững, tạo cơ sở cho việc công nhận và tôn vinh các DN có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực này. Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các đối tác phát triển không chỉ là công cụ đánh giá, mà còn trở thành kim chỉ nam cho DN trong việc cải thiện nội lực và nâng cao uy tín thị trường. Đặc biệt, các DN xuất khẩu sang EU, Mỹ, Nhật Bản… ngày càng phải tuân thủ các tiêu chuẩn xanh, buộc họ phải chuyển đổi tư duy từ đối phó sang chủ động.
Kết quả nghiên cứu của Công ty TNHH PwC Việt Nam về “Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam” công bố năm 2023 cho thấy, có 80% DN Việt Nam đã cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG trong 2-4 năm tới. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra phần lớn DN tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu hành trình ESG và đang tồn tại một khoảng cách lớn từ kỳ vọng tới hành động.

Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng được định hướng xây dựng theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Là DN có tỷ trọng xuất khẩu cao, Tổng công ty Cổ phần May 10 đã có những bước đi chiến lược trong xanh hóa sản xuất, hướng tới phát triển bền vững như: Chuyển đổi sang hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái; thay thế lò hơi đốt than, đốt dầu bằng lò hơi điện, lò hơi sử dụng nguyên liệu từ tự nhiên; chuyển đổi bao bì sản phẩm đóng gói theo hướng có nguồn gốc tự nhiên, có thời gian phân hủy ngắn nhất… “Thị trường đã có nhiều yêu cầu cao về phát triển bền vững và sản xuất xanh. Do vậy, phát triển bền vững không chỉ là lựa chọn bắt buộc, chiến lược phát triển tất yếu mà hơn thế còn tạo nhiều cơ hội cho DN”, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10 Thân Đức Việt nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Anh (thuộc Bộ Công Thương), thương mại và phát triển bền vững đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Mặc dù việc chuyển đổi mô hình sản xuất có thể tạo thêm chi phí cho các DN, nhưng đây là cơ hội lớn, nhất là với các DN có lợi thế về sản phẩm xanh, vì nhiều thị trường luôn sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm này.
Hỗ trợ tài chính đúng đối tượng, đúng mục tiêu, đúng cam kết
Nhìn chung, nhận thức của DN Việt Nam về phát triển bền vững đang được nâng cao rõ rệt nhờ tác động của chính sách, thị trường và áp lực hội nhập.
Tuy nhiên, để chuyển hóa nhận thức thành hành động cụ thể và bền vững, DN vẫn cần tăng cường hỗ trợ đào tạo, tư vấn chuyên sâu về phát triển bền vững; mở rộng quỹ tín dụng xanh, ưu đãi tài chính cho DN chuyển đổi; đẩy mạnh công bố thông tin ESG như một tiêu chuẩn bắt buộc đối với mọi DN.

Khoa học công nghệ, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng, là “chìa khóa” cho việc vận hành an toàn, ổn định của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 09/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện “Chương trình hỗ trợ DN khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025” ban hành kèm theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 8-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ. Thông tư 09/2025/TT-BTC tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về tài chính, hướng dẫn rõ cơ chế quản lý và sử dụng ngân sách để hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục tiêu, đúng cam kết.
Thông tư này quy định rõ, đối với phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh bền vững, kinh phí ngân sách nhà nước chi cho xây dựng tài liệu về kinh doanh bền vững gồm: Bộ công cụ đánh giá mô hình kinh doanh bền vững; các ấn phẩm báo chí, xuất bản (các chương trình, chuyên mục, tiểu phẩm, ký sự, bài viết); các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng các tác phẩm văn học nghệ thuật (tranh, pa-nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, bảng điện tử); tài liệu, ấn phẩm dưới dạng chương trình truyền hình.
Ngân sách cũng chi cho tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm theo các hình thức trực tiếp, hoặc trực tuyến, hoặc kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và thực tiễn tốt về kinh doanh bền vững và các mô hình kinh doanh bền vững; tập huấn, hướng dẫn, phổ biến các tài liệu quy định; kết nối DN kinh doanh bền vững với các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư, kết nối các tổ chức, chuyên gia, DN thành công điển hình trong nước và quốc tế.
Chương trình hỗ trợ DN kinh doanh bền vững không chỉ tháo gỡ khó khăn ngắn hạn, mà còn tạo nền tảng để DN tư nhân Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, đáp ứng tốt hơn với các tiêu chuẩn toàn cầu.
Tuy nhiên, để chương trình phát huy tối đa hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các cấp chính quyền, tổ chức tài chính, hiệp hội ngành nghề và bản thân DN. Đồng thời, các cơ chế chính sách cần tiếp tục cải cách theo hướng minh bạch, đơn giản và khuyến khích đầu tư đổi mới sáng tạo, phát triển xanh.