Bóng đá nữ Việt Nam: Thay đổi và bứt phá

2023 là năm đáng nhớ của Bóng đá nữ Việt Nam: vui, buồn, tiếc nuối, hạnh phúc… đủ hương vị ngọt bùi đắng cay. Nhưng trên hết 2023 cũng là năm bản lề để Bóng đá nữ Việt Nam nhìn lại và hướng đến những mục tiêu mới.

TỪ "NỮ HOÀNG" SEA GAMES ĐẾN "TÂN BINH" WORLD CUP

Khi vô địch SEA Games 32 trên đất Campuchia vào tháng 5/2023, Bóng đá nữ Việt Nam tiếp tục khẳng định ngôi vị "Nữ hoàng" Đông Nam Á với thành tích 4 lần liên tiếp đoạt HCV SEA Games. Thống trị khu vực của Bóng đá nữ Việt Nam cũng là lẽ thường khi ở thế kỷ 21 này, trong 9 lần SEA Games tổ chức môn Bóng đá nữ, Việt Nam vào chung kết cả 9 lần và đoạt 7 HCV, trong đó có 4 lần liên tiếp gần đây.

Chính vì vậy, sự kiện lần đầu tiên tham dự vòng chung kết World Cup 2023 của Bóng đá nữ Việt Nam là đỉnh cao, thu hút mọi sự chú ý của người Việt Nam hâm mộ bóng đá. Vì đội tuyển bóng đá nam, dù được đầu tư, quan tâm, chăm sóc vượt trội mọi mặt so với các đồng nghiệp nữ, nhưng thành tích tốt nhất của đội tuyển nam chỉ là có mặt ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á.

Giải Vô địch Quốc gia Việt Nam chỉ có 7 đội tranh tài đại diện cho 5 địa phương Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh, Thái Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh. Có nghĩa là Việt Nam chỉ có khoảng hơn 200 cầu thủ nữ theo đuổi bóng đá đỉnh cao, đó là chưa tính mọi chế độ từ dinh dưỡng, sinh hoạt đến chế độ lương, thưởng đều rất thấp. Rõ ràng, việc giành được tấm vé tranh tài ở ngày hội bóng đá lớn hành tinh của Bóng đá nữ Việt Nam là một kỳ tích, một câu chuyện thần tiên.

Chính vì vậy, đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam thua cả 3 trận ở World Cup 2023 trước đương kim vô địch Mỹ, đương kim á quân Hà Lan và Bồ Đào Nha là kết quả được báo trước. Quan trọng là Bóng đá nữ Việt Nam đã được học hỏi, cọ xát để chuẩn bị cho tương lai ngày một tốt hơn.

NHÌN LẠI, NỖ LỰC VÀ VƯƠN LÊN

Khi bước ra khỏi vùng trũng Đông Nam Á, Bóng đá nữ Việt Nam không còn là "Nữ hoàng". Asian Games tổ chức tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào cuối tháng 9/2023, đội tuyển nữ Việt Nam không thể vượt qua Nhật Bản - nhà vô địch World Cup 2011- ở vòng bảng. Trong khi đó, hai đội cùng khu vực là Thái Lan và Philippines lại giành vé vào tứ kết. Sau đó, tại vòng loại Olympic 2024 khu vực châu Á diễn ra vào tháng 10/2023, đội tuyển nữ Việt Nam cũng không thể hoàn thành mục tiêu giành vị trí thứ nhì khi chung bảng với Nhật Bản, Uzbekistan và Ấn Độ.

Sau nhiều năm Bóng đá nữ Việt Nam đứng đầu, các đối thủ ở Đông Nam Á không thụ động cam chịu. Rõ nhất là Philippines. Tại giải vô địch Đông Nam Á 2022, Philippines đã vô địch khi thắng Việt Nam và Thái Lan ở bán kết và chung kết. Tại World Cup 2023, nếu như đội tuyển Việt Nam thua cả 3 trận, thì đội tuyển Philippines gây tiếng vang khi thắng chủ nhà New Zealand.

Bóng đá nữ Philippines lột xác khi họ khai thác và tập hợp được sức mạnh từ các cầu thủ Phi kiều trên khắp thế giới. Trong 23 cầu thủ Philippines dự World Cup, chỉ có một cầu thủ chơi ở giải trong nước còn lại là khắp các giải từ Mỹ, Úc, Na Uy, Iceland, Thụy Điển, thậm chí là Brazil… Chính các cầu thủ được trui rèn từ những môi trường bóng đá nữ hiện đại này đã tạo nên sức sống mới cho Bóng đá nữ Philippines.

Chính Philippines chứ không phải Thái Lan hay Myanmar, trong tương lai gần sẽ là đối thủ nguy hiểm nhất đe dọa ngôi "Nữ hoàng" Đông Nam Á của Bóng đá nữ Việt Nam.

Ở cấp châu lục, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn nữa khi bóng đá nữ nhiều khu vực đã bắt đầu thức tỉnh.

Có một thực tế không thể phủ nhận, Bóng đá nữ Việt Nam giành tấm vé cuối khu vực châu Á dự World Cup 2023 có phần nhờ Cộng hòa DCND Triều Tiên không tham gia. Vì vậy với sự trở lại của Triều Tiên thì cơ hội cho các đội thuộc "nhóm 2 châu Á" như Việt Nam hay Philippines sẽ hẹp lại rất nhiều. Vì rằng Triều Tiên đã khẳng định sức mạnh tại Asian Games khi giành ngôi á quân. Còn tại vòng loại Olympic, Triều Tiên cũng vào đến bán kết sau khi xếp trên cả Hàn Quốc, Trung Quốc.

Ngoài ra, bóng đá nữ ở Trung Á đã thức tỉnh với sự xuất hiện của Uzbekistan sẽ khiến cuộc cạnh tranh ở nhóm 2 càng trở nên căng thẳng. Với nền tảng thể lực tốt, Uzbekistan đã vào bán kết Asian Games và sau đó, chính họ đã thắng Việt Nam ở vòng loại Olympic 2024 để vào bán kết.

Mới vài năm trước, Trung Á bị đánh giá là vùng trũng của bóng đá nữ, nhưng giờ thì phải nhìn nhận lại điều này. Cả bóng đá nữ Ấn Độ với tiềm năng lớn của đất nước đông dân nhất thế giới cũng đang chuyển mình.

Đây là những thách thức không nhỏ dành cho Bóng đá nữ Việt Nam trong cuộc đua giành tấm vé dự vòng chung kết ở các kỳ World Cup sắp tới.

Câu chuyện phát triển thể thao học đường của Nhật Bản có thể là kinh nghiệm cho Việt Nam. Bóng đá Nhật gồm cả nam và nữ thành công chính là nhờ phát triển thể thao học đường. Từ sân chơi cho tất cả các học sinh được tổ chức một cách khoa học, bài bản nên các tuyển trạch viên Nhật Bản phát hiện ra rất nhiều tài năng để bồi dưỡng đào tạo.

Ngay tại hệ thống thể thao chuyên nghiệp Nhật cũng có chỗ cho thể thao học đường. Cúp Hoàng đế Nhật dành cho cầu thủ nam hay Cúp Nữ hoàng Nhật dành cho cầu thủ nữ thì các trường Đại học cũng được mời tham dự. Chính nhờ thể thao học đường làm rộng, làm sâu, làm kỹ nên không tài năng bóng đá nào bị bỏ sót, đồng thời xây dựng được không khí quan tâm đến bóng đá nữ một cách sâu rộng.

Việt Nam có thuận lợi là quốc gia có mức độ bình quyền nam nữ cao thuộc hạng hàng đầu khu vực. Các cầu thủ nữ Việt Nam được thoải mái thi đấu và nếu lên các nền tảng xã hội, chúng ta có thể xem rất nhiều clip về giải nữ cấp thôn, cấp xã ở khắp nơi. Thứ họ thiếu là sân chơi được tổ chức bài bản, đặc biệt ở cấp học đường. Nếu giải quyết được điều này, sẽ có rất nhiều tài năng trẻ được phát hiện thay vì trông chờ vào một số đội rất ít từ giải vô địch quốc gia.

Mô hình thứ hai, cái ngọn là học tập mô hình của Philippines khi săn đón các tài năng Việt kiều muốn cống hiến cho quê hương. Bóng đá nam, chúng ta đã thành công với thủ môn Đặng Văn Lâm là người gốc Việt sinh ở Nga hay mới đây là thủ môn Filip Nguyễn, người gốc Việt sinh ở Cộng hòa Séc. Tại SEA Games vừa rồi, hai chị em song sinh Việt kiều là Trương Thảo Vy – Trương Thảo My cũng làm xúc động người dân cả nước khi góp phần quan trọng giúp đội tuyển Việt Nam giành huy chương vàng bóng rổ.

TRIỂN VỌNG ĐỊNH VỊ VỊ THẾ

2023 FIFA Women's World Cup là Giải vô địch bóng đá nữ thế giới đầu tiên được bán bản quyền phát sóng dưới dạng một sản phẩm độc lập thay vì được đóng gói dưới dạng thưởng miễn phí khi mua bản quyền phát sóng Giải vô địch bóng đá nam thế giới như trước.

Với việc 155 quốc gia và vùng lãnh thổ sở hữu bản quyền World Cup Nữ 2023, FIFA đã thu về số tiền khá lớn từ việc bán bản quyền truyền hình, đồng thời FIFA đặt mục tiêu đạt được 2 tỉ khán giả toàn cầu, tăng gần gấp đôi so với 1,12 tỉ khán giả của giải trước đó 4 năm ở Pháp.

Các nước châu Âu và Mỹ giờ đây đều có giải bóng đá chuyên nghiệp nữ phát triển mạnh. Giải Women's Super League ở Anh ký được hợp đồng truyền hình rất tốt với Sky TV và BBC. Giải UEFA Women's Champions League ra đời năm 2001 nay đã được truyền hình trực tiếp đến 96 nước (trong đó có Việt Nam). Các câu lạc bộ hàng đầu như Manchester City, Barcelona, Real Madrid… đều có đội bóng nữ thi đấu trong giải.

Tiền lương và phí chuyển nhượng của các cầu thủ nữ còn quá khiêm tốn so với các cầu thủ nam nhưng thu nhập của các cầu thủ nữ đã được cải thiện rất mạnh trong vài năm. Cầu thủ nữ được trả lương cao nhất thế giới là Sam Kerr (người Úc), được Chelsea trả khoảng 513.000 USD/năm.

Bóng đá nữ Việt Nam cũng trong bối cảnh tích cực chung này. Chưa bao giờ bóng đá nữ Việt Nam được lãnh đạo các ban, ngành quan tâm, đầu tư như hiện nay. Đội tuyển đã có những chuyến tập huấn chất lượng ở Nhật Bản, Đức, Úc, New Zealand, được thi đấu với những đội tuyển hàng đầu thế giới như Pháp, Đức, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản, Tây Ban Nha

23 thành viên đội tuyển nữ Việt Nam tham dự World Cup 2023, mỗi người đã được nhận 30.000 USD (khoảng 700 triệu đồng) tiền thưởng từ FIFA. Thủ quân Huỳnh Như, cầu thủ đầu tiên thi đấu thành công ở nước ngoài tính cả nam lẫn nữ, tuy mức lương còn khiêm tốn, nhưng mỗi tháng câu lạc bộ Lank FC cũng trả cho Huỳnh Như 1.500 euro (khoảng 38 triệu đồng).

Được tham dự vòng chung kết World Cup 2023 không chỉ là giấc mơ của riêng ai mà là của tất cả người dân Việt Nam. Đây là thành quả của bao thế hệ bóng đá nữ, là sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành cùng sự ủng hộ của người hâm mộ.

Hy vọng đây sẽ là bệ phóng để bóng đá nữ Việt Nam không ngừng phát triển.

ƯỚC MƠ CỦA HLV MAI ĐỨC CHUNG

HLV Mai Đức Chung là một người đặc biệt. Khi người đặc biệt Jose Mourinho bắt đầu ghi dấu ấn với việc cùng Porto vô địch Europa League 2003 thì HLV Mai Đức Chung đặt viên gạch đầu tiên xây dựng thời kỳ vàng son cho bóng đá Việt Nam bằng tấm HCV SEA Games 2023.

Sau thời gian nghỉ bóng đá nữ, ông Mai Đức Chung giúp đội U 22 nam Việt Nam đoạt cúp Merdeka 2008 tại Malaysia. Tiếp đó, ông Chung cũng giúp Navibank Sài Gòn đoạt Cúp quốc gia 2011, giúp Becamex Bình Dương vô địch V-League và đoạt Cúp quốc gia 2015. Hiếm có HLV nào trên thế giới dẫn dắt cả bóng đá nam và nữ mà thành công như vị HLV đặc biệt Mai Đức Chung.

2023 là năm đỉnh cao vinh quang và cũng là năm cuối cùng HLV Mai Đức Chung dẫn dắt đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Ông Mai Đức Chung chia tay khi Bóng đá nữ Việt Nam đạt đến đỉnh cao thành tích, khi Bóng đá nữ Việt Nam được xã hội ngày càng quan tâm nhiều hơn, phong trào cũng phát triển rộng hơn, lãnh đạo các cấp chăm sóc, hỗ trợ tốt hơn. Và ông Chung mong lắm Bóng đá nữ Việt Nam sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa để phong trào phát triển rộng hơn và sâu hơn. Bởi vì, được tham dự vòng chung kết World Cup đã khó, nhưng làm thế nào tiếp tục duy trì và phát triển từ cột mốc World Cup 2023 còn khó hơn.

Đặng Hoàng

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/bong-da-nu-viet-nam-thay-doi-va-but-pha-20240206165712923.htm