Bóng đá Việt Nam: Kỳ vọng vào hành trình mới
Năm 2023, ở các cấp độ đội tuyển quốc gia, bóng đá Việt Nam bắt đầu một hành trình mới với điểm nhấn lớn nhất liên quan tới sự xuất hiện của một vị huấn luyện viên trưởng mới.
Ông P. Troussier (người Pháp) thay thế vị HLV người Hàn Quốc Park Hang-seo, mang tới một phong cách huấn luyện mới, một quan điểm mới về mục tiêu cần hướng tới cũng như về cách dùng người. Kết quả ban đầu không thể làm hài lòng tất cả, nhưng cũng có những yếu tố để người hâm mộ hy vọng vào một sự chuyển mình của bóng đá Việt Nam trong năm Giáp Thìn 2024.
Làm quen với “làn gió trẻ trung”
Khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ký hợp đồng với ông P.Troussier với vai trò là HLV trưởng đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23, nhiều mục tiêu đã được đề cập đến, trong đó đáng chú ý hơn cả là mục tiêu của đội tuyển Việt Nam khi tham dự sân chơi ở Đông Nam Á (AFF Cup), châu Á (ASIAN Cup) và vòng loại World Cup 2026.
Sau khi đã giành được ngôi vô địch AFF Cup vào các năm 2008, 2018 và SEA Games dần mất đi tính thách thức, mục tiêu khả dĩ tiếp theo của bóng đá Việt Nam là dần xác lập vị trí trong tốp đầu châu Á trước khi nghĩ đến tấm vé tham dự sân chơi thế giới. Dù vậy, dưới thời HLV Park Hang-seo, với sự tiến bộ vượt bậc ở các cấp độ đội tuyển quốc gia, bao gồm U20, U23 và nhất là với đội tuyển Việt Nam, “giấc mơ World Cup” dường như đến sớm. Hơn hai năm trước, đội tuyển Việt Nam lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á. Tuy không giúp đội tuyển Việt Nam giành được tấm vé World Cup nhưng điều mà HLV Park Hang-seo để lại cho người kế nhiệm là một lối chơi đĩnh đạc, “không biết sợ” của đội tuyển Việt Nam ngay cả khi đối đầu với những đội tuyển hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia... Khi đó, tại các giải đấu chính thức, đã tồn tại cảm giác “những ngôi sao vàng” có thể thắng bất kỳ một đội tuyển châu Á nào.
Ông P.Troussier đến, khẳng định “giấc mơ World Cup” và tìm cách biến mơ ước thành hiện thực. Không giấu mục tiêu “Âu hóa” lối chơi của đội tuyển, gần một năm qua, vị HLV người Pháp tìm kiếm nhân sự phù hợp với triết lý của mình thay vì dựa quá nhiều vào “bộ khung chiến thắng” với những Quang Hải, Hùng Dũng, Tiến Dũng, Công Phượng, Hoàng Đức... Cầu thủ trẻ có cơ hội chinh chiến nhiều hơn. P.Troussier đưa nhiều cầu thủ U20 vào thành phần dự SEA Games 32, đưa nhiều cầu thủ U23 dự giải đấu quan trọng của đội tuyển quốc gia, như đã thấy trong trận thắng Philippines (2-0), thua Iraq (0-1) tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026.
Kiên trì mục tiêu ra biển lớn
Không nói quá, trong một năm qua bóng đá Việt Nam chứng kiến sự thay đổi toàn diện ở đội tuyển Việt Nam và đội tuyển U23, không chỉ về lối chơi mà còn về nhân sự. Người hâm mộ quen dần với những cái tên mới “lên tuyển” như Khuất Văn Khang, Lương Duy Cương, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Đình Bắc, Võ Minh Trọng, Phan Tuấn Tài..., nhưng không quen với cảm giác buồn bực khi các đội tuyển Việt Nam bị loại khỏi trận chung kết SEA Games 32 (Campuchia), ra về ngay sau khi vòng đấu bảng tại ASIAD 2023 (Trung Quốc) khép lại.
Tuy vậy, ở một góc khác, với tầm xa hơn, không chỉ các chuyên gia bóng đá mới nhìn thấy hy vọng qua những thất bại đó. Người hâm mộ bóng đá Việt Nam nhận ra sự kiên định ở vị HLV người Pháp. Kiên định với mục tiêu hướng đến sân chơi châu lục và thế giới. Kiên định trong giải pháp xây dựng lực lượng cho một mục tiêu xa và lớn, chấp nhận hứng chịu chỉ trích để tạo thật nhiều cơ hội thi đấu cho các cầu thủ trẻ, giúp họ nhanh chóng trưởng thành. P.Troussier dùng những ngôi sao trẻ như Thái Sơn, để ngôi sao số 1 Việt Nam hiện tại là Hoàng Đức trên ghế dự bị; ít nhất thì đó cũng là biểu hiện của một vị HLV chuyên nghiệp và bản lĩnh. Theo chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú, cách làm của HLV P.Troussier đang góp phần tạo xung lực mới, tăng tính cạnh tranh lành mạnh trong đội tuyển. Vị HLV người Pháp cần những cầu thủ phù hợp với triết lý bóng đá của mình và đó là điều bình thường.
Với bóng đá Việt Nam, về lý thuyết, cơ hội tranh vé dự World Cup 2026 lớn hơn các lần trước đây do châu Á được FIFA trao cho tới 8 suất trực tiếp và 1 suất đá tranh vé vớt với đội bóng ở châu lục khác. Các trận đấu của đội tuyển trong năm 2024 sẽ cho thấy khả năng chúng ta tận dụng cơ hội này ở mức độ nào. Cũng theo ông Phan Anh Tú, với cách làm hiện nay, ông P.Troussier sẽ cần thêm thời gian để các cầu thủ được lựa chọn chơi tốt thứ bóng đá mà ông muốn thấy. Họ cần được cọ xát, tích lũy kinh nghiệm và hoàn thiện qua các giải đấu chính thức để phục vụ cho mục tiêu cao nhất là giành tấm vé dự World Cup.
Chắc chắn đó là hành trình không dễ dàng. Rồi đây, tấm vé World Cup 2026 có thể chưa thu được vào tay nhưng ít nhất thì với những gì đang diễn ra, người hâm mộ có được niềm tin, rằng bóng đá Việt Nam dứt khoát chọn mục tiêu hướng ra thế giới và kéo theo đó là sự thay đổi thực chất về công tác đầu tư, đào tạo trẻ, huấn luyện... Đó là yếu tố cần có để đội tuyển Việt Nam vượt ngưỡng “an toàn”, vươn lên tốp đầu châu lục.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bong-da-viet-nam-ky-vong-vao-hanh-trinh-moi-658181.html