Cầu thủ Việt... quy ra tiền
Bóng đá Việt Nam thời gian gần đây xảy ra hiện tượng rất nhiều cầu thủ giỏi đã và đang khoác áo các tuyển quốc gia chấp nhận chơi giải hạng Nhất vì những khoản tiền lót tay quá hấp dẫn.
Quả bóng vàng Hoàng Đức khi chuyển từ đội bóng mạnh Viettel đang chơi ở đẳng cấp cao nhất V-League xuống đá giải hạng Nhất hồi tháng 10 trong màu áo tân binh Ninh Bình đã mong mỏi người hâm mộ thông cảm và chia sẻ với anh, vì đời cầu thủ ngắn lắm.
Cầu thủ Việt không phải… Messi hay Ronaldo
Có một nghịch lý của bóng đá Việt Nam là rất nhiều CLB sẵn sàng bỏ hẳn khâu đào tạo trẻ và chịu nộp phạt nhưng chịu chi hàng chục tỉ đồng để mua cầu thủ đá giải hạng Nhất hoặc V-League trong vài mùa. Tuyển thủ Hoàng Đức chơi cho Ninh Bình bỏ túi 30 tỷ đồng chỉ ba mùa, tương tự thủ môn Đặng Văn Lâm bắt gôn ở đây ba năm với 27 tỷ 200 triệu đồng, Công Phượng đá cho Bình Phước 18 tỷ đồng…
Cần biết đó chỉ là những con số chi riêng cho cầu thủ mà giới bóng gọi là khoản “lót tay” rất chóng mặt, chưa kể số tiền phá hợp đồng để đạt thỏa thuận chuyển nhượng với CLB thường giữ kín và tiền lương tháng có thể lên cả trăm triệu đồng. Nếu ra sân thi đấu liên tục ở giải hạng Nhất không nhiều cạnh tranh hoặc cúp quốc gia, mỗi cầu thủ chỉ đá tối đa 25 trận.
Đáng nói là làng bóng chuyên nghiệp Việt Nam không giống với các nền bóng đá thế giới về các khoản thu và chi. Ví dụ, CLB Inter Miami ở giải Nhà nghề Mỹ chi cho Messi 54 triệu USD, hay đội bóng Al Nassr của Saudi Arabia trả cho Ronaldo 213 triệu USD mỗi năm, họ thu lại những giá trị cao hơn rất nhiều.
Từ khi Messi xác nhận đá cho Inter Miami vào mùa hè năm ngoái, ngay lập tức đội bóng của anh đã bán sạch 500.000 áo thi đấu của ngôi sao người Argentina, với giá 195 USD/áo, thu về 97.500.000 USD, chưa kể những cơn sốt vé trong mỗi lần số 10 ra sân hay các hợp đồng thương mại từ nhiều đối tác lớn. Còn với Ronaldo về làng bóng Saudi Arabia siêu giàu chính là một kênh quảng bá hiệu quả cho chiến dịch đăng cai World Cup 2034 trong lúc Al Nassr lại là thành viên của Quỹ đầu tư công của Chính phủ nên tiền không phải vấn đề của họ.
Bóng đá Việt Nam khoác áo chuyên nghiệp đã lâu nhưng thực chất chỉ là cái vỏ bọc cho sự thất thường và nghiệp dư.
So sánh đẳng cấp, giá trị thương hiệu của các ngôi sao thế giới và cầu thủ Việt Nam là một sự khập khiễng khủng khiếp, nhưng ở đây chúng tôi chỉ muốn nhắc đến lợi nhuận của các CLB. Tại làng bóng Việt Nam không có một cửa hàng nào của CLB bán áo đấu của Hoàng Đức, Văn Lâm, Công Phượng… trong lúc tiền bán vé không đủ cho chi phí tổ chức trận đấu, hoặc miễn phí. Nó đồng nghĩa với khoản chi vài chục tỉ đồng cho một cầu thủ tạm gọi là ngôi sao của Việt Nam là con số âm rất lớn.
Tiền lên, tài giảm
Ông bầu Đoàn Nguyên Đức hơn 10 năm trước từng có phản ứng mạnh mẽ thực trạng các CLB trả lót tay tiền tỉ cho cầu thủ mà không tương xứng với giá trị. Bầu Đức khi ấy nói thẳng ông có thừa tiền chạy đua với các đại gia khác trên thị trường chuyển nhượng nhưng không chơi trò phá giá, vì làm hư cầu thủ đá bóng chỉ biết đến tiền.
Cho đến bây giờ, tình trạng bát nháo của chợ cầu thủ, tiền vẫn là thước đo duy nhất có tính quyết định về khả năng hấp dẫn và lôi kéo người chơi về phía mình. Một khi các tuyển thủ quốc gia như thủ môn Văn Lâm, Hoàng Đức hay tiền đạo Công Phượng vừa thất bại ở làng bóng Nhật Bản tự xuống cấp mình đá giải hạng Nhất, họ chấp nhận chơi ở môi trường có tính cạnh tranh không cao, đồng thời cơ hội trở lại đội tuyển rất mờ mịt.
Tuy nhiên, như Quả bóng vàng Hoàng Đức đã nói, nhận một số tiền lớn khi đá cho Ninh Bình là không thể cưỡng lại, khi đời cầu thủ ngắn và anh cần có tích lũy chăm lo cho bản thân cùng người thân.
Vẫn có một lý do thoạt nghe rất thuyết phục là khi chơi giải hạng Nhất để giúp CLB lên đá V-League chỉ mất một năm, nhưng đó chỉ là cái cớ. Bởi ai cũng biết bóng đá Việt Nam khoác áo chuyên nghiệp đã lâu nhưng thực chất chỉ là cái vỏ bọc cho sự thất thường và nghiệp dư.
Người trong cuộc quá rành rẽ các ông bầu thích thì chơi, không thì nghỉ, như trường hợp một ông chủ nhà băng từng đầu tư rất dữ dội cho bóng đá rồi bỏ ngang, đang chống lưng cho rất nhiều đội bóng ở giải hạng Nhất và V-League. Vì thế, không ai trách các cầu thủ đá bóng kiếm tiền chính đáng từ mồ hôi và nước mắt của chính mình, dù ai cũng hiểu khi đang thi đấu ở giải đỉnh cao mà chơi giải thấp hơn thì chấp nhận tiền nhiều lên, tài phải xuống.
Giá trị cầu thủ Việt Nam của một nền bóng đá quốc gia xếp hạng thứ 119 thế giới suy cho cùng chỉ là quân cờ trong tay của các ông bầu nhảy vào bóng đá không hẳn vì bóng đá, với những bước đi không giống ai, chỉ để thỏa mãn cái tôi lẫn mục đích riêng của mình.
Tiền vệ Hoàng Đức: Cầu thủ nào vào hoàn cảnh như tôi cũng sẽ làm như thế
CLB Ninh Bình cho tôi nhiều thứ cũng như kế hoạch tương lai cho tôi. Không phải với riêng tôi mà chắc hẳn bất cứ cầu thủ nào vào hoàn cảnh như tôi cũng sẽ làm như thế. Có kinh tế tốt mới nuôi được gia đình, giúp đỡ người thân. Có nhiều người chỉ trích tôi vì tiền, nhưng mong mọi người hiểu. Nếu ở vào vị trí của tôi, họ cũng khó từ chối. Ai cũng muốn mình và gia đình có cuộc sống đỡ vất vả.
Thủ môn Văn Lâm: Tôi không mất nhiều thời gian suy nghĩ
Tôi gia nhập Ninh Bình mà không mất nhiều thời gian để suy nghĩ. Ở đội bóng mới, mục đích của tôi và các đồng đội là vô địch giải hạng Nhất để lên V-League mùa sau. Với bản thân tôi, điều quan trọng là thi đấu tốt. Tôi tin tưởng vào bản thân mình, là cầu thủ chuyên nghiệp, tôi luôn duy trì tập luyện để giữ phong độ.
Tiền đạo Công Phượng: Trách nhiệm của một cầu thủ là nuôi sống bản thân và cống hiến cho xã hội
Ước mơ của tôi là làm sao để phát triển bóng đá Việt Nam. Tôi sẽ nỗ lực đóng góp cùng CLB Bình Phước, trước mắt là lên chơi V-League. Chúng tôi luôn tự ý thức về bản thân và nghề nghiệp của mình. Trách nhiệm của một cầu thủ còn là nuôi sống bản thân, gia đình, cũng như cống hiến cho xã hội.
Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/cau-thu-viet-quy-ra-tien-314587.html