Bóng đá Việt Nam sao không nghĩ tới Olympic?

Không phải là môn thể thao cơ bản Olympic nhưng các môn bóng luôn có chỗ đứng đặc biệt ở các kỳ thế vận hội.

Bao giờ bóng đá Việt Nam xuất hiện ở đấu trường Olympic?

Bao giờ bóng đá Việt Nam xuất hiện ở đấu trường Olympic?

Là môn thi đấu tập thể nên một tấm huy chương, nhất là với bóng đá, được coi danh giá hơn rất nhiều so với những thành tích cá nhân. Thậm chí, với nhiều quốc gia, chỉ cần giành quyền có mặt ở ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh cũng vinh dự như 1 tấm huy chương. Thế nhưng khá ngạc nhiên, chưa bao giờ, kể cả hiện tại, bóng đá Việt Nam nghĩ đến mục tiêu Olympic. Trong khi thực tế chúng ta đã từng làm được điều đó.

Bóng đá lục địa vàng có 3 suất tham dự Olympic và vòng chung kết U.23 châu Á (2 năm tổ chức 1 lần) cũng chính là vòng loại để tuyển chọn (vào những năm có Olympic) các đội dự Olympic. Năm 2018, tại Trung Quốc, HLV Park Hang-seo cùng lứa Quang Hải, Công Phượng… đã làm nên kỳ tích vào đến trận chung kết. Đáng tiếc năm ấy lại không có Thế vận hội. 2 năm sau, vòng chung kết U.23 châu Á 2020 tại Thái Lan nhằm xác định 3 suất đến Olympic 2020 thì đương kim á quân Việt Nam lại không vượt qua được vòng bảng.

Tại Olympic Tokyo 2020 vừa qua, với lứa U.23, các đại diện châu Á cho thấy không hề có khoảng cách quá lớn so với các đối thủ. Không kể Nhật Bản có vé chủ nhà, vào đến bán kết và thua Mexico ở trận tranh HCĐ; Hàn Quốc thắng đậm Romania và Honduras với tổng tỷ số 10-0 vào tứ kết; Saudi Arabia chỉ chịu thua sít sao trước Bờ Biển Ngà, Đức và Brasil; tương tự là Australia trước Argentina, Tây Ban Nha, Ai Cập.

Vòng chung kết U.23 châu Á 2022 không xác định suất dự Olympic, bởi kỳ thế vận hội kế tiếp ở Paris đến năm 2024 mới diễn ra. Còn ở vòng chung kết U.23 châu Á 2024 sẽ là thế hệ sinh năm 2001 trở về sau. Trong danh sách 30 cầu thủ của đội tuyển U.22 đang tập trung, chỉ có 6 cái tên hội đủ điều kiện: 2 thủ môn Văn Chuẩn (Phú Thọ), Mạnh Cường (Viettel); hậu vệ Xuân Tân (Nam Định); tiền vệ Lê Văn Đô (SHB.Đà Nẵng), Đình Sơn (Nam Định) và Công Đến (SHB.Đà Nẵng). Do đó, nòng cốt sẽ là đội tuyển U.18, U.19 hiện tại với những: Nguyên Hoàng, Thanh Khôi, Mạnh Quỳnh, Ngọc Long, Du Học…

Một thiệt thòi lớn của lứa cầu thủ trẻ này là có quá ít cơ hội cọ xát, cả trong nước lẫn quốc tế. Cùng với World Cup 2026, giấc mơ Olympic 2024 cần được xây dựng ngay từ lúc này.

Trần Đỗ

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202108/bong-da-viet-nam-sao-khong-nghi-toi-olympic-3073818/