Bóng đá Việt Nam: Vì đâu gian nan đường xuất ngoại?

Quang Hải chọn ở lại V-League thay vì sang Nhật như đồn đoán, để một lần nữa con đường xuất ngoại của bóng đá Việt Nam trắc trở, vì đâu?

1. Thông tin Quang Hải chọn ở lại V-League chưa được công bố một cách chính thức, nhưng khả năng cao tin đồn là chính xác.

Quang Hải lựa chọn phương án an toàn cho sự nghiệp, lại nhận chế độ đãi ngộ cũng rất xứng đáng, thậm chí cao so với khi sang Nhật Bản chơi bóng là điều bình thường đối với một cầu thủ chuyên nghiệp.

Chỉ có điều, lựa chọn của tiền vệ tuyển Việt Nam khiến người hâm mộ lẫn giới chuyên môn hơi… chạnh lòng, bởi ai cũng muốn Quang Hải sang môi trường cạnh tranh, chất lượng hơn hòng phát huy tài năng cũng như giúp bóng đá nước nhà phát triển.

Quang Hải chọn ở lại V-League. Ảnh: DL

Quang Hải chọn ở lại V-League. Ảnh: DL

2. Sau Quang Hải, tương lai của Tuấn Hải - một gương mặt sáng giá nhất nhì bóng đá Việt Nam khác cũng được xác định, khi chọn ở lại Hà Nội FC thay vì tìm đường ra nước ngoài chơi bóng.

Điều khoản hợp đồng cho phép chân sút của tuyển Việt Nam có thể 'xuất ngoại' để thử sức nếu nhận lời mời hoặc thời điểm phù hợp, nhưng đó là chuyện của tương lai nên hiện chỉ còn trông đợi vào... Hoàng Đức.

Nhưng, xem chừng cầu thủ xuất sắc nhất bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng không mấy quyết tâm rời V-League dù có nhiều lời mời (như đồn đoán) từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan.

Nếu Hoàng Đức không có ý định thử sức ở môi trường mới, lúc này chỉ có duy nhất Công Phượng đang khoác áo một CLB nước ngoài, điều hơi khó chấp nhận với bóng đá Việt Nam.

3. Vì đâu con đường xuất ngoại chơi bóng của các cầu thủ Việt Nam gập ghềnh không dễ trả lời, nhưng lý do rất lớn nằm ở tư duy sợ thất bại bên cạnh chuyên môn.

Khiến bóng đá Việt Nam chỉ còn duy nhất Công Phượng đang chơi bóng ở nước ngoài. Ảnh: SN

Khiến bóng đá Việt Nam chỉ còn duy nhất Công Phượng đang chơi bóng ở nước ngoài. Ảnh: SN

Bóng đá Việt Nam có quá ít người dám mạo hiểm với sự nghiệp như Công Vinh, nên phần lớn các bản hợp đồng ra nước ngoài chơi bóng mang hơi hướm thương mại nhiều hơn từ chuyến đi của Quang Hải, Văn Hậu hay trước đó với Xuân Trường, Công Phượng.

Không chỉ ít dám mạo hiểm, sự chuẩn bị cho những chuyến xuất ngoại cũng là chưa đủ từ chuyên môn, dinh dưỡng, ngôn ngữ hay sự hòa nhập… nên chuyện thất bại bỗng thành “thường ngày ở huyện” khiến người đi sau nản chí.

Có thể thấy, việc chưa thể phá bỏ vỏ kén an toàn khiến bóng đá Việt Nam tụt lại so với nhiều đội bóng trong khu vực, ít nhất ở chuyện xuất ngoại. Và về lâu dài nếu không thay đổi thật khó mà mơ vươn ra khỏi Đông Nam Á chứ chưa nói chuyện nghĩ về World Cup.

Duy Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bong-da-viet-nam-vi-dau-gian-nan-duong-xuat-ngoai-2294000.html