Bóng đá Việt Nam: Vượt đại dịch, thích ứng bình thường mới
Đại dịch COVID-19 khiến V-League 2021 không đi hết chặng đường, nhưng cả hệ thống bóng đá Việt Nam đã rất nỗ lực để tiếp tục vận hành dù bằng cách này hay cách khác.
Năm 2021 là năm đầy khó khăn với bóng đá Việt Nam. Đại dịch COVID-19 khiến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội bị ảnh hưởng, trong đó có bóng đá.
Trong một thời gian dài, các hoạt động thể thao nói chung và bóng đá nói riêng đã phải tạm dừng hoặc không tổ chức. Đối với trong nước, hệ thống các Giải bóng đá đã phải dừng hoãn rất nhiều Giải, đặc biệt đây là năm đầu tiên Giải bóng đá Vô địch quốc gia (VĐQG), Giải bóng đá hạng Nhất quốc gia (HNQG), Cúp bóng đá QG phải dừng và không tiếp tục tổ chức.
Hệ thống các Giải ngoài chuyên nghiệp chỉ tổ chức một số giải trong tổng số trên 20 Giải theo kế hoạch; Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (Công ty VPF), các CLB bóng đá chuyên nghiệp và các trung tâm Đào tạo gặp khó khăn về nguồn lực và không hoàn thành được cam kết với các nhà tài trợ Giải.
Tuy nhiên, bằng nỗ lực của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), những người đầu tư và điều hành bóng đá cùng các CLB, bóng đá Việt Nam vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận.
Trong tình hình khó khăn, VFF đã nỗ lực tổ chức một số Giải liên quan trực tiếp đến việc rà soát tuyển chọn lực lượng cầu thủ cho các đội tuyển quốc gia phục vụ các nhiệm vụ Vòng loại U20 châu Á năm 2022, SEA Games 2022, Vòng loại và Vòng chung kết Giải Vô địch bóng đá nữ châu Á năm 2022.
Các giải trong nước được tổ chức tổ chức trong điều kiện hết sức khó khăn do quy định về phòng chống dịch nên đã nhiều lần phải thay đổi lịch thi đấu, nhưng vẫn hoàn thành hết chặng đường.
Có thể kể đến vòng loại và vòng chung kết U21 Quốc gia năm 2021 đã diễn ra thành công tốt đẹp nhờ tuân thủ quy tắc bong bóng, sinh hoạt tập trung và xét nghiệm liên tục. Dù diễn biến dịch bệnh khó khăn, song các trận đấu vẫn được tổ chức đều đặn, không gặp vấn đề lớn trong quá trình tổ chức, đảm bảo nhịp vận động cho hệ thống bóng đá trẻ.
Nhờ giải trẻ vẫn được tổ chức, HLV Đinh Thế Nam đã tuyển chọn một số gương mặt tiềm năng để chuẩn bị cho giải U22 Đông Nam Á 2022. Nếu thi đấu thành công, các cầu thủ có thể trở thành nòng cốt tại SEA Games 2022 tổ chức trên sân nhà.
VFF cũng nỗ lực tổ chức Cúp QG và Giải vô địch quốc gia cho bóng đá nữ trong quãng thời gian cuối năm 2021, cũng theo mô hình bong bóng hiện đại và mang về thành công khi giải đấu diễn ra suôn sẻ. Đời sống bóng đá Việt Nam sôi động trở lại trong những năm 2021, báo hiệu một năm 2022 với nhiều điều đáng chờ đợi.
Trong năm 2022, V-League sẽ trở về thể thức lượt đi - lượt về với 26 vòng. Các giải đấu trẻ, bóng đá nữ được tổ chức trở lại. Trong điều kiện khó khăn khi cả nước đang phục hồi sau đại dịch, việc bóng đá vẫn duy trì được guồng quay là cố gắng rất lớn của cả hệ thống.
Đây là điều kiện cần để thúc đẩy phong trào, tạo ra nguồn lực mới cho các cấp độ đội tuyển quốc gia, đảm bảo đời sống bóng đá cho hàng chục CLB, hàng nghìn con người,...
VFF cũng đã chuẩn bị kế hoạch cho U23 tham dự SEA Games 31 khi Việt Nam đăng cai hướng đến mục tiêu bảo vệ vị trí đứng đầu khu vực đối với Bóng đá nam, nữ, đồng thời Đội tuyển Futsal phấn đấu có mặt tại trận Chung kết SEA Games 31.
Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư cho Đội tuyển Futsal để có cơ hội tham dự FIFA Futsal World Cup 2024.
Ngoài ra, việc triển khai thực hiện Chương trình Đội tuyển Bóng đá Việt Nam hướng đến World Cup 2026 - 2030 cũng được xem là thách thức không nhỏ cho VFF trong năm 2022 với những giải đấu được xem là bản lề phát triển của bóng đá nước nhà.
Dù vậy, vẫn có những thách thức đang chờ đợi phía trước khi diễn biến dịch còn phức tạp, đòi hỏi những người tổ chức phải nhạy bén, sáng tạo thích ứng tốt với tình hình và có giải pháp phù hợp nhằm đối phó với rủi ro.
Còn rất nhiều khó khăn, song năm 2022 được kỳ vọng sẽ chứng kiến sức bật và nội lực thực sự của bóng đá Việt Nam để vượt qua những rào cản phía trước.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/bong-da-viet-nam-vuot-dai-dich-thich-ung-binh-thuong-moi-ar655745.html