Bóng đen bao trùm ngành công nghệ
Nhiều công ty khởi nghiệp Trung Quốc nhận vốn đầu tư mạo hiểm từ Mỹ thường khởi đầu với việc có tài khoản tại Ngân hàng Thung lũng Silicon
Tác động toàn cầu của vụ sụp đổ Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Mỹ đang bắt đầu xuất hiện, gây khó khăn không nhỏ cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang phụ thuộc vào ngân hàng này để vận hành hằng ngày.
"Khoảng 90% tiền mặt của chúng tôi ở SVB" - anh Sam Franklin, 28 tuổi, Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng nhân sự công nghệ Otta (Anh), than với hãng tin Reuters trong khi đang tìm cách trả lương cho nhân viên vào cuối tháng này.
Cũng theo anh Franklin, bài học rút ra từ vụ việc là nếu có nhiều tiền mặt, các công ty khởi nghiệp nên gửi vào nhiều ngân hàng khác nhau. Còn tại Hồng Kông (Trung Quốc), nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty thiết bị đeo Soundbrenner cho biết không thể đăng nhập tài khoản của mình tại SVB.
Trong khi đó, ông Quincy Lee, nhà sáng lập Công ty khởi nghiệp sạc xe điện Electra Era (Mỹ), đã tìm cách rút hàng triệu USD từ SVB ngay khi xuất hiện nhiều dấu hiệu cảnh báo rõ nét vào chiều 9-3 (giờ địa phương). Dù chậm trễ nhưng đến ngày 13-3 ông đã nhận được tiền.
Tại châu Á, theo một số chuyên gia, tác động của vụ SVB sụp đổ đối với các công ty khởi nghiệp có thể không nhiều.
Ông Jamus Lim, chuyên gia của Trường Kinh doanh ESSEC châu Á - Thái Bình Dương (Singapore), giải thích với tờ South China Morning Post: "Các công ty khởi nghiệp châu Á không tiếp xúc nhiều với SVB và có xu hướng được tài trợ nhiều hơn bởi hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm địa phương, cũng như các ngân hàng địa phương".
Tương tự, ông Ajay Jain, nhà đồng sáng lập Công ty tư vấn đầu tư Silverneedle Ventures (Ấn Độ), cho rằng các công ty khởi nghiệp nước này có giao dịch với SVB có thể bị tác động ngắn hạn nhưng nhìn chung sẽ không có trục trặc lớn.
Dù vậy, điều có thể gây khó khăn cho các công ty khởi nghiệp ở châu Á thời gian tới là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không ngừng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, làm dấy lên nỗi lo cuộc khủng hoảng tài chính có thể lan rộng.
Riêng ở Trung Quốc, theo CNBC, nhiều công ty khởi nghiệp đang ít nhiều bị trúng đòn từ vụ SVB do có tài khoản tại ngân hàng này. Một nguồn tin cho biết SVB cho phép sử dụng số điện thoại di động ở Trung Quốc để xác thực việc mở tài khoản.
Với sự hậu thuẫn của một nhà đầu tư mạo hiểm uy tín, một công ty khởi nghiệp có thể mở tài khoản tại SVB trong vòng 1 tuần thay vì trải qua các quy trình nghiêm ngặt có thể mất 3 - 6 tháng ở các ngân hàng thông thường.
Nguồn tin trên là nhà sáng lập một công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc. Người này cho rằng các nhà đầu tư mạo hiểm thích làm việc với SVB vì ngân hàng này cho phép họ theo dõi các công ty khởi nghiệp sử dụng vốn như thế nào. "Việc không có SVB sẽ gây hại cho ngành công nghệ vì không có ngân hàng nào khác cung cấp 2 tính năng đó" - nguồn tin nhận định, có ý nói đến tốc độ mở tài khoản nhanh chóng và chuyện giám sát tiền đầu tư.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu doanh nghiệp Trung Quốc mở tài khoản tại SVB. Nguồn tin cho biết nhiều công ty khởi nghiệp Trung Quốc nhận vốn đầu tư mạo hiểm từ Mỹ thường khởi đầu với việc có tài khoản tại SVB.
Hàng trăm tỉ USD "bốc hơi"
Làn sóng ảnh hưởng từ sự sụp đổ của SVB tiếp tục tác động mạnh đến cổ phiếu ngành ngân hàng toàn cầu hôm 14-3. Thị trường vẫn phản ứng tiêu cực sau những tuyên bố bảo đảm từ Tổng thống Joe Biden và các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa đủ sức xoa dịu thị trường. Theo hãng tin Reuters, ông Damien Boey, chiến lược gia trưởng tại Ngân hàng đầu tư Barrenjoey (Úc), cho rằng: "Hiện tượng rút tiền ồ ạt đã bắt đầu và thị trường liên ngân hàng trở nên căng thẳng".
Giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn ở Mỹ mất gần 190 tỉ USD trong 3 phiên giao dịch tính đến ngày 13-3 (giờ địa phương). Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán của ngành ngân hàng ở châu Âu cũng chứng kiến đà sụt giảm. Đáng chú ý, mức tăng của chỉ số chứng khoán hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương từ đầu năm đến nay đã bị xóa sạch sau khi cổ phiếu ngành ngân hàng dẫn đầu đà giảm trong phiên giao dịch hôm 14-3.
Nhìn chung, theo trang Bloomberg, giá trị các cổ phiếu tài chính trên toàn cầu đã "bốc hơi" 465 tỉ USD trong vòng 2 ngày sau vụ SVB, khi giới đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu ngành tài chính - ngân hàng. Riêng tại Nhật Bản, các chỉ số chứng khoán của ngành ngân hàng hôm 14-3 sụt giảm mạnh nhất kể từ đại dịch COVID-19, kéo chỉ số Nikkei giảm hơn 2% trong bối cảnh giới đầu tư đánh giá hậu quả từ sự sụp đổ của 2 ngân hàng Mỹ (SVB và sau đó là Signature).
Trước mắt, các nhà hoạch định chính sách đã hạ thấp nguy cơ nền kinh tế Nhật Bản bị ảnh hưởng trong lúc Bộ trưởng Kinh tế Shigeyuki Goto nhấn mạnh Tokyo đang theo dõi chặt chẽ mọi kịch bản có thể xảy ra. Trong khi đó, chuyên gia phân tích Francis Chan của Bloomberg Intelligence lạc quan cho rằng tác động của cuộc khủng hoảng đối với các ngân hàng lớn ở Bắc Á sẽ không đáng kể nhờ sự đa dạng danh mục đầu tư tài sản, tiền gửi và thanh khoản vững chắc.