Bóng đen ngành hàng không bao phủ kỳ nghỉ Hè của dân châu Âu

Xung đột tại Brussels Airlines, căng thẳng mới tại Ryanair và tình trạng thiếu nhân viên khắp nơi sau hai năm khủng hoảng sức khỏe là những gì mà ngành hàng không Bỉ đang phải đối mặt.

(Nguồn: simpleflying.com)

(Nguồn: simpleflying.com)

Mùa Hè đang đến gần và mọi người dân châu Âu đang chuẩn bị kế hoạch nghỉ hè của gia đình mình sau hai năm bị "khóa chân" bởi đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, nguy cơ "vỡ trận" tại các sân bay châu Âu đang đe dọa ngành hàng không.

Xung đột tại Brussels Airlines, căng thẳng mới tại Ryanair và tình trạng thiếu nhân viên khắp nơi sau hai năm khủng hoảng sức khỏe là những gì mà ngành hàng không Bỉ đang phải đối mặt.

Tháng 7 và tháng 8 hứa hẹn sẽ rất sôi động với số lượng lớn hành khách đi máy bay. Mùa Hè này, ngành hàng không sẽ có "chuyến bay hậu COVID-19 tuyệt vời" với vé máy bay đã được hàng loạt công ty lữ hành đặt trước.

Hãng hàng không TUI đang hy vọng đạt được một mùa cao điểm giống hệt hoặc thậm chí tốt hơn năm 2019, với doanh số bán hàng siêu tăng nhờ việc dỡ bỏ các hạn chế về sức khỏe.

Về phần mình, sân bay Brussels dự kiến sẽ đạt 80% công suất vào tháng Bảy. Tuy nhiên, một vài đám mây đen đang lơ lửng trên khu vực hàng không khoảng 20 ngày trước khi bắt đầu kỳ nghỉ Hè.

Ngày 7/6, việc hòa giải giữa ban quản lý và các công đoàn của Brussels Airlines đã đổ bể, nhân viên đang có hành động đình công. Ba ngày ngừng hoạt động có nguy cơ "đóng đinh" máy bay đến tận cuối tháng.

"Chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến của các nhân viên và hành động theo mong muốn của họ," Didier Lebbe, Thư ký thường trực Công đoàn nhân viên vùng nói tiếng Pháp (CNE), giải thích.

Tình trạng bất ổn xã hội trong hãng hàng không Bỉ, công ty con của Lufthansa đã diễn ra vào mùa Hè năm ngoái với việc ngừng hoạt động vào tháng 12/2021.

Trung tâm của vấn đề là thỏa ước lao động tập thể mới được áp dụng cho tiếp viên và phi công khi bắt đầu cuộc khủng hoảng COVID-19 để cho phép công ty tồn tại. Việc cắt giảm lương và năng suất cao hơn với sự kết hợp ít dễ dàng hơn giữa các chuyến bay đường dài và châu Âu cùng với thời gian nghỉ giữa các chuyến bay ngắn hơn… khiến người lao động đã phải chấp nhận tất cả những điều này như "dao cứa vào cổ họng." Giờ đây, lĩnh vực này đang phát triển trở lại, cán cân quyền lực với quản lý đang thay đổi.

Ông Didier Lebbe cho biết thêm các công ty thành viên của Lufthansa đang muốn tìm kiếm điều kiện làm việc giống hệt như trước khi xảy ra COVID-19.

148 chuyến bay bị hủy

Ban quản lý của Brussels Airlines cho biết họ rất nhạy cảm với khối lượng công việc của nhân viên và hôm 8/6 đã thông báo việc hủy bỏ 148 chuyến bay châu Âu từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 7 để giảm thời gian biểu và giảm căng thẳng xã hội, đồng thời không ảnh hưởng ít hơn 1% số lượng hành khách, những người sẽ được cung cấp các lựa chọn thay thế. Điều này không ngăn cản việc hòa giải đạt kết quả.

"Chúng tôi không đồng ý quay trở lại thỏa ước lao động tập thể (CCT) trước đây có từ năm 2007, bởi vì dù sao thì CCT mới cũng cần thiết, ngay cả khi không có khủng hoảng COVID-19, khiến tài chính của chúng tôi kiệt quệ. Ngay cả khi mọi người đều có nhu cầu đi du lịch, chúng tôi vẫn ở trong tình trạng rất mong manh," Kim Daenen, người phát ngôn của hãng hàng không, giải thích.

Theo ông Didier Lebbe, mùa Hè sẽ khó khăn cho hành khách. Đặc biệt là kể từ khi xung đột xã hội tại Brussels Airlines được cộng thêm bởi một căng thẳng mạnh mẽ khác tại Ryanair.

"Chúng tôi biết rằng hãng hàng không giá rẻ Ryanair rất lo lắng đến việc giữ các chi phí, ngay cả khi điều đó có nghĩa là lương ở mức hợp pháp. Trong cuộc khủng hoảng COVID-19, Ryanair đã cố gắng cắt giảm thêm 10% cho phi hành đoàn bằng cách vung lên lời đe dọa của một kế hoạch xã hội. Nhưng ở Bỉ và Tây Ban Nha, chúng tôi đã chống lại," ông Didier Lebbe cho biết, đồng thời chỉ ra rằng các phi công đã chấp nhận bay với mức lương thấp hơn 20%.

Máy bay của hãng hàng không Ryanair. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Máy bay của hãng hàng không Ryanair. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cũng chính thiếu sự tham vấn của xã hội, sự tức giận có thể bùng phát một lần nữa ngay giữa ban ngày trong công ty Ryanair ở Dublin chứ không riêng ở Bỉ.

Ngoài ra, không chỉ ở Rynair, trong những tuần gần đây, xung đột xã hội với việc ngừng việc đã gia tăng ở châu Âu. Tại sân bay Brussels, các nhân viên hành lý Aviapartner đã tự động ngừng công việc trong ba giờ vào sáng ngày 2/6 để phản đối khối lượng công việc của họ.

Một phong trào đình công đang làm rung chuyển một số sân bay của Pháp, bao gồm Roissy vào ngày 8/6 và Paris-Orly vào 9/6 để yêu cầu tăng lương. Thêm vào đó là việc hủy các chuyến bay KLM từ Schiphol và British Airways cũng như EasyJet từ London do thiếu nhân viên.

“Với COVID-19, tất cả các công ty đã thu hẹp hoạt động bằng cách giảm lương hoặc sa thải công nhân. Sau đó, họ khởi động lại rất cứng nhắc, mặc dù thiếu lao động," Alain Vanalderweireldt, Chủ tịch Hiệp hội buồng lái Bỉ giải thích.

"Đã hai năm trôi qua, phía công đoàn, chúng tôi mong đợi một sự phục hồi mạnh mẽ và điều đó sẽ làm rạn nứt khắp nơi," ông Alain Vanalderweireldt nói thêm.

Kịch bản này sẽ làm tổn thương hành khách đi nghỉ Hè cũng như các chuyên gia hàng không dân dụng. “Chúng tôi hy vọng sẽ không có công việc ngừng hoạt động vào mùa Hè này vì chúng tôi đang hồi phục hoàn toàn sau hai năm. Chúng tôi cần phải đối mặt với những ngày bận rộn và lấy lại niềm tin của công chúng," Nathalie Pierard, người phát ngôn của sân bay Brussels, khẳng định./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/bong-den-nganh-hang-khong-bao-phu-ky-nghi-he-cua-dan-chau-au/796992.vnp