Bỗng dưng trở thành… con nợ

Đó là hoàn cảnh trớ trêu của ông Lê Sinh (SN 1962, ngụ quận 8) - bị đơn trong vụ án 'tranh chấp hợp đồng vay tài sản' do nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Sơn khởi kiện, được TAND quận 8 giải quyết bằng bản án dân sự sơ thẩm số 386 (ngày 8-9-2022). Theo đó, bản án phán quyết 'Buộc ông Lê Sinh phải thanh toán cho nguyên đơn - người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Nguyễn Văn Sơn số tiền là 600 triệu đồng…'.

Người liên quan thành... bị đơn

Nội dung vụ án cho thấy, vì có mối quan hệ quen biết nên ngày 27-6-2011, ông Phương Bửu Lâm (SN 1961) hỏi vay ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1962, cùng ngụ quận 8) số tiền 600 triệu đồng, có thỏa thuận lãi suất, thời hạn vay 2 tháng. Một ngày cuối tháng 6-2011, ông Sơn giao số tiền trên cho ông Lâm, ông Lâm giao lại cho ông Sinh trước mặt ông Sơn tại quán cà phê Ngọc Cúc (quận 5). Việc vay mượn không làm giấy tờ. Vì tin tưởng nhau nên ông Lâm đưa cho ông Sơn giữ bản chính chủ quyền căn nhà mang tên Lê Khánh Minh (em ruột của ông Sinh) để làm tin.

Ngày 27-7-2011, ông Lâm có trả tiền lãi cho ông Sơn (tiền lãi vay tháng đầu là 42 triệu đồng, thể hiện tại bản án). Một tháng sau, đến hạn trả gốc và lãi, ông Sơn đến nhà ông Lâm để yêu cầu thanh toán, nhưng lúc này ông Lâm không trả vì cho rằng người vay thực là vợ chồng ông Sinh. Từ đó đến nay, ông Sơn nhiều lần đòi nợ nhưng ông Lâm thoái thác.

Tại bản án sơ thẩm số 386 (ngày 8-9-2022) của TAND quận 8 đã tuyên, buộc ông Sinh phải thanh toán cho nguyên đơn - người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Sơn số tiền là 600 triệu đồng làm ông Sinh "té ngửa".

Ông Lê Sinh bức xúc: "Với phán quyết như trên của Tòa án quận 8, tôi nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã bị xâm hại nghiêm trọng. Trên thực tế tôi không vay mượn tiền của nguyên đơn (ông Sơn). Ông Lâm có trao cho tôi một bọc tiền, tôi mang về mở ra thấy tiền nhưng không kiểm đếm, không biết là bao nhiêu tiền. Sau đó, tôi mang bọc tiền đưa cho ông Nguyễn Văn Hồng. Ông Hồng đưa lại cho vợ tôi (bà Nguyễn Thị Hạnh) số tiền 200 triệu đồng để đi chuộc giấy tờ nhà của em tôi (Lê Khánh Minh) ở ngân hàng".

Theo ông Lê Sinh, bản thân ông chỉ là người nhận lấy tiền từ ông Lâm rồi đưa dùm cho ông Hồng, ông không phải là người trực tiếp vay tiền của ông Sơn. Vì vậy, TAND quận 8 triệu tập ông tham gia tố tụng với tư cách bị đơn trong vụ án là chưa đúng pháp luật.

Giấy xác nhận đã nhận đơn kháng cáo của ông Sinh

Giấy xác nhận đã nhận đơn kháng cáo của ông Sinh

Ngày 21-9-2022 vừa qua, ông Lê Sinh đã làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm và đã nhận được giấy xác nhận (của đại diện TAND quận 8). Trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới, ông Sinh thỉnh cầu sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Sơn về việc buộc ông Sinh thanh toán số tiền 600 triệu đồng.

Xác định lại tư cách tố tụng

Luật sư Nguyễn Quốc Anh, Đoàn Luật sư TPHCM nhìn nhận, giao dịch dân sự giữa ông Sơn và ông Lâm tại quán cà phê Ngọc Cúc, hay cụ thể hơn là hợp đồng vay tài sản giữa ông Sơn và ông Lâm có hiệu lực pháp lý và được pháp luật công nhận, bảo vệ. Ngày 27-7-2011, ông Lâm trả tiền lãi cho ông Sơn, đây là một trong những hành vi xác nhận rằng có việc vay mượn giữa ông Lâm và ông Sơn. TAND quận8 xác định tư cách tham gia tố tụng của ông Sinh đối với tranh chấp hợp đồng cho vay tài sản giữa ông Lâm và ông Sơn là chưa toàn diện và chính xác, cần xác định lại tư cách tham gia tố tụng của đương sự. Việc xác định sai tư cách người tham gia tố tụng sẽ dẫn đến việc hạn chế quyền dân sự của các đương sự, sai về quyền kháng cáo...

Luật sư Nguyễn Quốc Anh nhận định, việc vay tiền là một trong những giao dịch dân sự phổ biến. Theo đó, hình thức của giao dịch dân sự quy định tại khoản 1 Điều 119 BLDS 2015 "Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể". Bên cạnh đó, Điều 463 BLDS 2015 quy định "Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận". Như vậy, hiện nay pháp luật không quy định bắt buộc hình thức của hợp đồng vay tiền phải thể hiện bằng văn bản. Hợp đồng vay tiền được công nhận ở cả bằng lời nói.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp việc vay tiền đều hợp pháp. Thỏa thuận vay nợ bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự quy định tại Điều 117 BLDS 2015. Nếu không đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự thì việc thỏa thuận vay nợ giữa các bên không có hiệu lực pháp luật. Như vậy, việc vay nợ (nếu có) của ông Sinh mà TAND quận 8 đã tuyên cũng không có hiệu lực. Để chứng minh được việc cho vay thì chủ nợ (phía ông Sơn) phải thu thập các chứng cứ như bản ghi âm lại lời nói hay có sự xác nhận từ người đi vay qua email, tin nhắn điện thoại, phương tiện điện tử khác... Tất cả những điều này đều có là căn cứ quan trọng để Tòa án ra phán quyết.

ĐỨC HÒA - ĐĂNG HÒA

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/thong-tin-ban-doc/bong-dung-tro-thanh-con-no_138681.html