'Bông hoa' bị lãng quên ở trại phong hoang tàn, hiu quạnh

5 thập kỷ trước, bà Sợi là bệnh nhân đầu tiên của Trại phong Đá Bạc và bà cũng là người cuối cùng đang bám rễ 'sống mòn' đến khi nhắm mắt giữa ngọn đồi heo hút, quạnh hiu.

Di chuyển từ trung tâm Thủ đô chừng 50km, chúng tôi còn phải vượt qua cả một đoạn đường đất đỏ sỏi đá gồ ghề để đến được Trại phong Đá Bạc thuộc làng Thanh Trí, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Được thành lập từ năm 1968, Trại phong Đá Bạc nằm ẩn mình giữa ngọn đồi xanh mát gồm một dãy nhà cấp 4, 18 căn phòng nhỏ đã xuống cấp trầm trọng theo thời gian bỏ hoang.

Trước khi thực hiện chủ trương di dời về Bắc Ninh của UBND TP Hà Nội năm 2013, Trại phong Đá Bạc từng là một “thành phố” thu nhỏ của gần 100 bệnh nhân điều trị và sinh sống.

Gắn bó gần cả đời người ở trại phong, 10 cụ già ở cái tuổi gần đất xa trời nhất định bám trụ nơi này, với họ đây là gia đình là ngôi nhà không thể rời xa. 10 cụ già năm nào nay chỉ còn duy nhất cụ Nguyễn Thị Sợi (79 tuổi) gặm nhấm nỗi cô đơn của tuổi xế chiều.

 Bà Sợi là người thân thiện, sẵn sàng chia sẻ nhiều niềm vui nỗi buồn của cuộc đời. Với bà, có người để được nói chuyện, trút bầu tâm sự là điều quý giá.

Bà Sợi là người thân thiện, sẵn sàng chia sẻ nhiều niềm vui nỗi buồn của cuộc đời. Với bà, có người để được nói chuyện, trút bầu tâm sự là điều quý giá.

Ký ức tủi hờn của con “hủi”

Sinh ra là trẻ mồ côi, không biết chữ, không có quê hương, không con cái và cũng chẳng có gia đình và không nương tựa. Đó là tất cả những gì mà chúng tôi được nghe khi bà Sợi giới thiệu về bản thân mình.

Đến khi lên 3 tuổi, bà Sợi được nhận nuôi tại Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc). Hạnh phúc về một gia đình êm ấm chưa được bao lâu, bà Sợi như chết đi bởi căn bệnh phong. Đó là khoảng ký ức tủi hờn của tuổi thơ bị xa lánh, buồn tủi khi người đời gọi bà là con “hủi”.

Phải đợi gần 10 phút, bà mới bình tĩnh và kể cho chúng tôi nghe về ký ức đó: “Ngày trước, bà là thanh niên xung phong đi đào mương thủy lợi, bất chợt chân tay bỗng tê liệt, không có cảm giác gì khi cho vào nước nóng. Bác sĩ kết luận tôi mắc bệnh phong. Cái bệnh này khi đó người ta gọi là bệnh hủi, tôi bỗng trở thành một con “hủi””.

Năm 1967, dưới áp lực của dân làng về bệnh hủi, bố nuôi của bà Sợi lại là cán bộ xã đành gửi bà đến trại phong để chữa trị và sinh sống. Bà nhớ như in lời dặn của bố nuôi khi đó: “Cả nhà đều sợ bệnh của con, còn thầy chẳng sợ điều này chút nào, thầy cũng rất thương con. Bây giờ trại cũng xây gần xong, thầy gửi con vào đó để chữa trị cho con”.

 55 năm qua, bệnh phong đã ăn mòn một phần thân thể bà Sợi nhưng không nỗi đau nào có thể so sánh bằng ký ức về con “hủi” đeo bám dai dẳng suốt cuộc đời bà.

55 năm qua, bệnh phong đã ăn mòn một phần thân thể bà Sợi nhưng không nỗi đau nào có thể so sánh bằng ký ức về con “hủi” đeo bám dai dẳng suốt cuộc đời bà.

Chịu sự điều tiếng, xa lánh của cả xã hội và gia đình, bà Sợi phải ăn ở riêng biệt trước khi đến trại phong. Hành trang đến trại phong của bà chỉ là cuốn sổ đầy những lời dặn dò của bố nuôi, đáng tiếc bà lại không biết đọc chữ.

“Mỗi lần nhớ bố, tôi đều nhờ bạn đọc hộ, đọc nhiều rồi thành thuộc”, bà Sợi nói.

Có lẽ, sau từng ấy ký ức khủng khiếp chính là đều mà mỗi lần nhắc lại bà chẳng thể kìm được nước mắt. Tất cả những điều bất hạnh cứ thế dồn vào đôi vai của người đàn bà nhỏ bé cao chừng 1m50 ấy.

23 tuổi, giữa lúc tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của cuộc đời, biết bao hoài bão ước vọng thì bà lại kết thúc tất cả một kiếp người bằng căn bệnh “hủi”, một kiếp người nhưng thật đắng cay và xót xa biết bao.

 Toàn cảnh về Trại phong Đá Bạc bị bỏ hoang kể từ năm 2013 theo chủ trương di dời của UBND TP Hà Nội.

Toàn cảnh về Trại phong Đá Bạc bị bỏ hoang kể từ năm 2013 theo chủ trương di dời của UBND TP Hà Nội.

Bị lãng quên có lẽ là điều buồn nhất

“Bà thèm tình cảm lắm!”, bà Sợi rưng rưng nước mắt nói.

Cũng đúng, tuổi già như bà Sợi đáng ra nên có một cuộc sống đầm ấm cùng con cháu. Ở nơi này, ngoài mấy con cún và đàn gà làm bạn thì bà chẳng biết trò chuyện hay tâm sự cùng ai giữa cả một trại phong bỏ hoang gần 1 thập kỷ qua.

Nỗi buồn về sự cô đơn trong trại phong bỏ hoang chẳng thể nào nguôi trong sâu thẳm trái tim của người phụ nữ đã gần 80, mỗi lần ngồi xuống ngắm nhìn nơi đây là bà lại đau lòng.

Nỗi buồn về sự cô đơn trong trại phong bỏ hoang chẳng thể nào nguôi trong sâu thẳm trái tim của người phụ nữ đã gần 80, mỗi lần ngồi xuống ngắm nhìn nơi đây là bà lại đau lòng.

Vì sao bà không chuyển đến nơi ở mới để Nhà nước hỗ trợ, điều kiện y tế tốt hơn? Bà Sợi đáp: “Tôi đã gắn bó với nơi này được 56 năm, cũng bằng hơn nửa đời người. Để có thể rời xa nơi mình được ăn, được ở, được khóc lúc buồn, cười lúc vui thật sự không dễ dàng. Cái duyên của tôi là với đất, với rừng, với nơi mà có biết bao tình yêu thương khi cả xã hội hắt hủi, xa lánh chúng tôi”.

Tự chọn cho mình một cuộc sống cô đơn, nên sự nghèo đói và những vết thương bệnh tật vẫn đeo bám, đôi chân, đôi tay không lành lặn khiến sinh hoạt trở nên khó khăn hơn. Mỗi khi thời tiết thay đổi, bà Sợi lại chống chọi với cơn đau khó chịu, dai dẳng, những lúc như thế bà chỉ ước có một người bạn bên cạnh để giúp đỡ, sẻ chia.

Bữa cơm của bà Sợi cũng thật đạm bạc, có gì thì ăn đó, có khi cả ngày chỉ là 1 nồi cơm cùng chút muối vừng. Cuộc sống chỉ trông chờ vào đàn gà hay mớ rau, củ sắn… mỗi lần đau ốm thì lại bán đi lấy tiền trang trải.

 Cuộc sống ở trại phong của bà Sợi chủ yếu tự cung tự cấp, trồng rau, nuôi gà, cứ thế cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Cuộc sống ở trại phong của bà Sợi chủ yếu tự cung tự cấp, trồng rau, nuôi gà, cứ thế cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Bà Sợi tâm sự: “Còn sức khỏe thì còn làm, vườn rộng thì mình trồng thêm rau. Bà trồng thêm những cây đào để đến Tết có thể mang ra chợ bán thành từng cành nhỏ. Tiền đó lại để đóng tiền điện, dự trữ những lúc ốm đau”.

Ngày trước khi chưa có dịch Covid-19, cứ 1-2 tuần là lại có đoàn từ thiện hay các bạn sinh viên đến thăm hỏi trò chuyện cùng với bà Sợi. Nhưng dạo này thì ít hẳn, niềm vui của bà Sợi là có người đến thăm, mỗi khi như vậy bà vui lắm, nhất là dịp Tết.

79 năm cuộc đời, lần đầu tiên bà Sợi được nhận 1 bông hoa, bà rưng rưng: “Hoa này sao đẹp thế con nhỉ! Bông hoa này là bông hoa đẹp nhất bà từng được nhìn thấy”. Nói rồi bà đặt ngay ngắn bông hoa ấy lên cạnh di ảnh của người bố nuôi đã khuất.

Chẳng phải là một loài hoa khác, tôi chọn hoa hướng dương tặng bà Sợi bởi lẽ: “Hoa hướng dương luôn vươn mình theo hướng mặt trời, nó cũng giống như cuộc sống của bà Sợi luôn mang màu vàng ấm áp thắp sáng cả một trại phong tối tăm khiến cuộc sống thêm tươi mới và đầy sức sống”.

Bà còn thì thầm hỏi tôi: “Ngày 20-10 là gì con?”. Tôi không giấu nổi cảm xúc của mình mà bật khóc trả lời bà: “Đây là một ngày truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, được gọi là “Ngày Phụ nữ Việt Nam” ạ!”.

Bà Sợi cũng là một người phụ nữ Việt Nam, một người phụ nữ mạnh mẽ, kiên cường trước số phận. Vậy mà bà chẳng thể biết đến ngày được tôn vinh, trân trọng được yêu thương của chính mình. Thật đáng xót xa!.

79 năm cuộc đời, lần đầu tiên bà Sợi được nhận 1 bông hoa có ý nghĩa như này.

79 năm cuộc đời, lần đầu tiên bà Sợi được nhận 1 bông hoa có ý nghĩa như này.

Bị lãng quên là điều chẳng ai mong muốn nhất là với những người già ở trại phong như bà Sợi. Điều ước của bà Sợi trước khi Trại phong Đá Bạc bị thu hồi theo quy hoạch của huyện là hơi ấm của tình người, là được sống những ngày tháng cuối đời hạnh phúc cùng mảnh đất được gọi là quê hương này. Món quà quý giá ấy tưởng chừng đơn giản mà cũng thật khó khăn.

Chia tay bà Sợi, chúng tôi thấy thương thay cho một kiếp người. Định kiến của xã hội về căn bệnh “hủi” đã đẩy bà Sợi từ người có quê hương, có gia đình thành một con người không nhà không cửa.

Chính sự xa lánh, bàn tán xôn xao đó đã cướp đi hạnh phúc của một đời người. Bệnh “hủi” thật không đáng sợ và những người mắc bệnh “hủi” cũng không đáng bị kỳ thị, lãng quên. Hơn ai hết, họ là những người xứng đáng nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của xã hội, của cộng đồng.

Tôi cũng xin nhắc lại, bệnh phong (người miền Nam hay gọi là bệnh cùi, miền Bắc gọi là bệnh hủi) không phải là căn bệnh di truyền. Nếu không phát hiện kịp thời thì có thể để lại di chứng tàn tật ở mặt, tay, chân… Nhưng ngày nay với sự phát triển của y tế đã có thể hoàn toàn chữa khỏi, chúng ta cần phải có cái nhìn đúng đắn về căn bệnh này để những người bệnh vượt qua mặc cảm để sống chan hòa với những người xung quanh.

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/bong-hoa-bi-lang-quen-o-trai-phong-hoang-tan-hiu-quanh-708504