'Bông hồng cài áo' mãi tươi thắm
Vở diễn Bông hồng cài áo, trải qua hơn nửa thế kỷ từ khi ra đời, mỗi lần xuất hiện vẫn luôn khiến đôi mắt người xem ngấn lệ
Nhân mùa Vu lan năm nay, vở kịch "Bông hồng cài áo" (kịch bản: Hoàng Khâm - Kim Cương) lần nữa được tái dựng, trên Sân khấu Hoàng Thái Thanh, sau lần tái hiện trên Sân khấu IDECAF vào năm 2013. Tình mẫu tử thiêng liêng có giá trị bất biến và trường tồn với thời gian. Vậy nên, vở diễn "Bông hồng cài áo", trải qua hơn nửa thế kỷ từ khi ra đời, mỗi lần xuất hiện vẫn luôn khiến đôi mắt người xem ngấn lệ.
Cũ, mới hòa quyện ngọt ngào
Trong giới làm nghề cũng như công chúng yêu kịch, ai cũng biết giữa Sân khấu Kim Cương trước kia và Sân khấu Hoàng Thái Thanh ngày nay có điểm tương đồng, đó là cùng theo đuổi dòng kịch tâm lý xã hội, đồng hành những phận đời bất hạnh, khai phá những mối quan hệ gần gũi như gia đình, xóm giềng, tình yêu nam nữ và cùng hướng đến những giá trị nhân văn, cùng coi sân khấu là đạo. Song họ khác nhau ở phong cách thời đại, cả trong tư duy lẫn trong dàn dựng và biểu diễn. Vì vậy, tác giả kịch bản có khắt khe muốn đứa con tinh thần của mình phải được giữ nguyên vẹn thì người ta vẫn nhận thấy có sự khác biệt dù thật khó để phân tích một cách rạch ròi, cái gì mới, cái gì cũ trong vở "Bông hồng cài áo" trên Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Ở đây, cái cũ quyện lấy cái mới một cách ngọt ngào, Kim Cương mà không phải Kim Cương, không phải Kim Cương mà là Kim Cương, bởi trong quá trình chế tác, ê-kíp sáng tạo đã lật lại từng câu thoại, từng cảnh trí, từng tình huống, chọn lại nhạc, âm thanh, tiếng động,... để cho ra tác phẩm chỉn chu, mới mẻ đúng với phong cách Hoàng Thái Thanh.
"Bông hồng cài áo" kể câu chuyện thoạt nghe "dễ giận" đối với 2 người con mang tên Hiếu và Thảo. Hai anh em bị cha là con trai của ông bà Phủ bỏ rơi khi còn nhỏ, sống nhờ gánh tàu hũ dạo của mẹ. Lớn lên trong cảnh khó nghèo, bị người đời khinh rẻ nên khi nghe bà nội từ Pháp về nhận cháu để chia gia tài, Hiếu và Thảo đã bỏ mẹ đến sống với bà nội. Nhưng người cô vì muốn chiếm trọn gia tài nên đã gây ra biến cố, khiến người mẹ của 2 anh em bị đột tử. Cái chết của mẹ đã thức tỉnh Hiếu, Thảo, làm cho 2 anh em hiểu rằng không tiền bạc nào có thể làm cho mẹ sống lại, không có gì cao quý bằng tình mẹ và không có hạnh phúc nào hơn là được sống sum vầy cùng mẹ.
Thế nhưng, trên Sân khấu Hoàng Thái Thanh, "Bông hồng cài áo" đã kể câu chuyện đáng thương hơn đáng trách. Câu "Tôi phải làm sao đây?" được nói từ miệng của những người trong cuộc, cho thấy, họ phải đứng trước sự nan giải cho bài toán cuộc đời mình. Thảo là cô gái xinh đẹp, yêu một chàng trai con nhà thầu khoán giàu có, bị người cha bạn trai dè bỉu khinh khi. Cô muốn có tiền, có cuộc sống sang trọng để "môn đương (đăng hay đang) hộ đối" với người yêu, để gia đình bên chồng phải nể trọng gia đình cô. Còn Hiếu muốn có nhiều tiền để nuôi mẹ, để mẹ không phải nhọc nhằn lê chân gánh nặng khắp phố phường. Những ước muốn đó thực chính đáng. Nhưng người mẹ kiên quyết không nhận những đồng tiền bố thí, không phải do công sức mình làm ra. Bài toán tình - tiền này xem ra thật khó giải. Chọn mẹ thì mãi ở tầng đáy xã hội, chọn tiền thì không có mẹ. Ngay cả bà nội, người tưởng như đứng trên tất cả vì giàu có, cũng không biết phải làm sao để chuộc lỗi ngày xưa đã gây ra cho con dâu và cháu nội. Bởi tiền đó giờ cũng không mua lại được người mẹ cho cháu mình.
Bi kịch đã được đẩy đến tận cùng, bởi vậy, cả sàn diễn lẫn khán phòng đều đẫm nước mắt. Tiếng khóc gần như ngất đi của Hiếu, Thảo như mũi dao đâm thẳng vào trái tim người xem. Đó là thái độ không khoan nhượng trước lỗi lầm đối với mẹ, dẫu là lỗi lầm có thể giải thích. Con người ta sống bao giờ cũng phải đứng trước nhiều sự lựa chọn. Nhưng mẹ vẫn là sự lựa chọn cao nhất. Chỉ một chút sai lầm với mẹ, sẽ phải ân hận suốt đời, bởi mỗi người chỉ có một mẹ thôi. Sự xuất hiện của người mẹ cô giáo Nga ở phần cuối, như mở một lối thoát cho 2 anh em Hiếu, Thảo, để cuộc đời non trẻ của họ không bị dìm chết vì lỗi lầm với mẹ. Đó là một cái kết nhân từ, như một lời ủi an.
Lay động lòng người
Dựng lại bối cảnh không gian xưa cho "Bông hồng cài áo" như cái garde-manger (tủ đựng đồ ăn) hay chai nước đậy bằng nắp giấy, trang phục hippi,... cũng là một cách để người già gợi nhớ ký ức và người trẻ biết thêm về quá khứ, song thiết nghĩ điều đó không quá quan trọng, bởi câu chuyện về tình mẹ, tôn vinh lòng mẹ, về chuyện hiếu đễ ở thời nào cũng có, cũng cần, cũng làm lay động lòng người. Sân khấu Hoàng Thái Thanh đã không chút kém cạnh khi dựng lại "Bông hồng cài áo" cho người xem hôm nay so với những gì mà Sân khấu Kim Cương đã làm cho thế hệ trước. Các diễn viên đều đã làm khá tốt vai trò của mình, có thể nói họ đã làm hơn những gì họ đã có. Các tân binh như Phương Trâm (Nga), Võ Tấn Phát (Hiếu) lần đầu đã gây được cảm tình vì cách diễn nhẹ nhàng, tự nhiên. Bộ đôi "lão làng" Xuân Hương (bà nội), Bích Ngọc (Ngọc Bích), hợp cùng với Thành Hội thành dàn bao thật sắc nét và vững chắc. Hoàng Vân Anh (Thảo) có một vai diễn vượt qua chính mình. Thái Quốc (dượng), sau "Lạc dòng" có thêm một vai thể hiện nhẹ nhàng song đi vào lòng người với hình ảnh người dượng tốt. Ái Như, với 2 bà mẹ, 2 phong thái tiệm cận, vừa giống lại vừa khác, đã chứng tỏ bản lĩnh diễn xuất thượng thừa, một mẫu diễn viên hiếm có hiện nay, nhất là sự tài tình khi hóa thân vào nhân vật người mẹ nửa điên, nửa tỉnh của cô giáo Nga.
"Thánh đường" sân khấu thực sự
Đến với vở "Bông hồng cài áo" của Sân khấu Hoàng Thái Thanh, ta như bước vào một "thánh đường" sân khấu thực sự khi sự trân trọng dành cho khán giả thể hiện ở ngay khu vực tiền sảnh. Ngoài những hình ảnh của vở diễn được trưng bày theo nghệ thuật sắp đặt bắt mắt, không khí Vu lan còn hiện diện với những giỏ hoa hồng chờ khách chọn để gắn lên ngực. Còn mẹ, bông hồng đỏ; mất mẹ, bông hồng trắng. Cứ thế, lặng lẽ bước vào khán phòng như bước vào không gian tôn nghiêm của đạo làm người. Khán giả phần đông đi từng cặp, hầu hết là từng cặp mẹ - con. Con trung niên dắt tay mẹ già, con cài lên ngực bông hồng đỏ, ngực mẹ cài bông hồng trắng. Xem vở, thỉnh thoảng, con lấy khăn giấy lau nước mắt cho mẹ. Vở xong, con lại đỡ mẹ đứng lên, dắt mẹ từng bước xuống cầu thang, rồi đỡ mẹ lên taxi ra về. Một hình ảnh đẹp mà có lẽ đã được thăng hoa hơn trong đời thường từ những giọt nước mắt trên sân khấu, trong vở diễn "Bông hồng cài áo". Đi xem để bớt đi lỗi lầm, để thêm yêu thương mẹ và để bông hồng trên ngực luôn thắm đỏ.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/bong-hong-cai-ao-mai-tuoi-tham-20190814213806159.htm