'Bóng hồng' khởi nghiệp

Nhắc đến khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ thường nghĩ đến những lĩnh vực mới, độc lạ. Tuy nhiên, chị RCom H'Sonh (giáo viên Trường Tiểu học Dân lập Trương Vĩnh Ký, thị trấn Đak Đoa) và em Hoàng Thị Thu Trang (học sinh Trường THCS và THPT Nguyễn Văn Cừ, huyện Chư Sê) đã chọn sản phẩm truyền thống và khởi nghiệp thành công từ những ý tưởng độc đáo, bằng đam mê và đầy hoài bão.

Từ cách tân thổ cẩm

Cuối năm, gia đình của RCom H'Sonh (làng Piơm, thị trấn Đak Đoa) bận rộn hơn vì nhận được nhiều đơn đặt hàng là những bộ áo dài, váy cưới, váy maxi làm bằng chất liệu thổ cẩm. Trò chuyện với chúng tôi, chị H'Sonh tâm sự: “Mình sinh ra và lớn lên ở làng Piơm vốn có truyền thống về dệt thổ cẩm. Từ nhỏ, thấy các bà, các mẹ dệt thổ cẩm, mình rất thích. Tuy nhiên, do bận việc học, khi ra trường thì làm giáo viên Trường Tiểu học Dân lập Trương Vĩnh Ký (thị trấn Đak Đoa) nên mình tạm gác lại niềm đam mê. Năm 2016, mình quyết định làm mới thổ cẩm của dân tộc để tạo ra những bộ trang phục đẹp mắt”. Từ suy nghĩ ấy, chị H'Sonh tự thiết kế mẫu trên giấy, lên ý tưởng rồi nhờ dệt những hoa văn đẹp để may trang phục. Cô gái Bahnar tự tin mặc bộ trang phục thổ cẩm cách tân đầu tay do mình thiết kế trong ngày hội đại đoàn kết của làng đã gây ấn tượng mạnh với nhiều người.

Để trẻ em yêu mến văn hóa truyền thống, chị RCom H'Sonh (bìa phải) đã thiết kế những bộ váy cách tân, phù hợp với lứa tuổi các em. Ảnh: Phan Lài

Để trẻ em yêu mến văn hóa truyền thống, chị RCom H'Sonh (bìa phải) đã thiết kế những bộ váy cách tân, phù hợp với lứa tuổi các em. Ảnh: Phan Lài

Để có những sản phẩm cách tân như ý, chị H'Sonh đã mày mò nghiên cứu, sáng tạo các hoa văn hiện đại phối hợp với chất liệu vải truyền thống. Những họa tiết: nhà rông, người nhảy múa, bông hoa, chim muông, sông suối… được cách điệu với hình tam giác, hình mũi tên, đường lượn sóng. Ngoài thiết kế trang phục cho người lớn, chị H'Sonh còn sáng tạo mẫu đầm em bé, áo vest từ thổ cẩm và làm vỏ gối, khăn, ga trải giường. Mỗi sản phẩm đều thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại với truyền thống.

Một bộ trang phục thổ cẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn, họa tiết càng cầu kỳ, mất nhiều thời gian sáng tạo thì giá trị càng cao. Vì vậy, giá bán mỗi bộ trang phục từ 500 ngàn đồng đến 2,5 triệu đồng. Mỗi tháng, chị H'Sonh cùng với dì làm được khoảng 12 bộ trang phục thổ cẩm. Ngoài dùng sợi công nghiệp, chị trồng cây bông vải để lấy bông se sợi, tìm rễ cây về nhuộm vải. Thấy nhiều người có nhu cầu thuê sản phẩm thổ cẩm cách tân để mặc, chị H'Sonh mở thêm dịch vụ cho thuê đồ với mức giá 50-200 ngàn đồng/bộ.

Những chiếc ba lô, túi xách từ thổ cẩm truyền thống tại cửa hàng của chị RCom H'Sonh. Ảnh: Phan Lài

Những chiếc ba lô, túi xách từ thổ cẩm truyền thống tại cửa hàng của chị RCom H'Sonh. Ảnh: Phan Lài

Để việc kinh doanh thuận lợi, chị H'Sonh thường xuyên giới thiệu sản phẩm của mình trên Facebook. Người này giới thiệu cho người kia, tiệm may của chị càng lúc càng nhận được nhiều đơn hàng, có những khách hàng quen đến từ TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Chị Huỳnh Thị Hậu-giáo viên Trường Tiểu học Dân lập Trương Vĩnh Ký-cho hay: “Những bộ váy, áo dài cách tân ở tiệm chị H'Sonh khá độc đáo, ấn tượng. Trang phục có điểm nhấn là họa tiết truyền thống tạo nên sự trẻ trung, gần gũi. Mình đã mua một vài sản phẩm của chị H'Sonh để mặc và tặng bạn bè”.

Điều làm chị H'Sonh vui nhất khi gắn bó với sản phẩm thổ cẩm chính là truyền tình yêu văn hóa truyền thống cho những người trẻ trong làng. Thấy chị H'Sonh mặc những bộ trang phục bằng chất liệu thổ cẩm nhưng có sự cách tân khá độc đáo, các chị em trong làng cũng đặt may. Các đội cồng chiêng thiếu nhi trong trường học hoặc ở làng biết cô giáo H'Sonh có tiệm may đồ thổ cẩm cũng nhờ may đồng phục cho cả đội. Với những ý tưởng sáng tạo độc đáo, chị H'Sonh đã tìm được hướng đi mới cho thổ cẩm, vừa thỏa đam mê sáng tạo, vừa có cơ hội duy trì nghề dệt truyền thống. “Mình đang ấp ủ dự định mở một cửa hàng trưng bày sản phẩm thổ cẩm. Đây sẽ là nơi tạo việc làm cho lao động ở địa phương, vừa là chỗ để du khách tham quan về nghề dệt thổ cẩm”-chị H'Sonh trải lòng.

Đến men rượu truyền thống

Trong danh sách tác giả, nhóm tác giả tham gia cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần thứ V” năm 2021 do Tỉnh Đoàn tổ chức, chúng tôi khá bất ngờ với Dự án tạo men rượu từ vỏ cây hyam của nữ sinh Hoàng Thị Thu Trang (lớp 10A4, Trường THCS và THPT Nguyễn Văn Cừ, huyện Chư Sê). Bởi lẽ, men rượu từ vỏ cây hyam là sản phẩm đặc trưng của người Bahnar, trong khi một nữ sinh người Kinh lại đam mê loại nguyên liệu này và có kế hoạch khởi nghiệp khá chi tiết. Để tìm hiểu kỹ hơn về quy trình sản xuất và giấc mơ khởi nghiệp của nữ sinh này, chúng tôi đã đến nhà em ở làng Phăm Kleo-Ngol (xã Bar Măih, huyện Chư Sê).

Em Hoàng Thị Thu Trang (bìa trái, lớp 10A4, Trường THCS và THPT Nguyễn Văn Cừ, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) giới thiệu sản phẩm men rượu truyền thống từ vỏ cây hyam với bạn học. Ảnh: Phan Lài

Em Hoàng Thị Thu Trang (bìa trái, lớp 10A4, Trường THCS và THPT Nguyễn Văn Cừ, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) giới thiệu sản phẩm men rượu truyền thống từ vỏ cây hyam với bạn học. Ảnh: Phan Lài

Hoàng Thị Thu Trang mang những bánh men màu trắng đục, có mùi thơm nhờ sử dụng các nguyên liệu từ thiên nhiên và làm hoàn toàn bằng thủ công để giới thiệu đến mọi người. Kể lại câu chuyện khởi nghiệp từ men rượu, Trang cho biết: “Gia đình em định cư ở làng Phăm Kleo-Ngol đã gần 10 năm. Năm 2019, em đến nhà bạn cùng lớp chơi, được chứng kiến quy trình làm men rượu truyền thống của người Bahnar. Tìm hiểu thì thấy còn rất ít nhà làm men rượu truyền thống, họ thường đi mua men công nghiệp ở chợ về ủ rượu cho tiện lợi. Vì thế, em đã quyết định khởi nghiệp từ đây”.

Các nguyên liệu để làm men rượu truyền thống phải được chọn lựa kỹ lưỡng. Ảnh: Phan Lài

Các nguyên liệu để làm men rượu truyền thống phải được chọn lựa kỹ lưỡng. Ảnh: Phan Lài

Để làm ra được men rượu truyền thống, Trang dành thời gian tìm hiểu, học hỏi cách làm của người dân trong làng. Sau nhiều lần thử nghiệm, men thành phẩm khi ủ rượu có mùi thơm và độ ngọt đặc trưng, được các già làng khen ngợi. Để làm ra một bánh men chất lượng gồm 3 nguyên liệu chính: vỏ cây hyam (loại cây rừng có vị ngọt), củ riềng (có vị cay, thơm nồng) và bột gạo. Vỏ cây hyam phải già, có màu vàng, lấy về rửa sạch, cạo bỏ lớp vỏ rồi đem giã nát, vắt lấy nước cốt. Củ riềng thái lát giã nhỏ rồi trộn đều các nguyên liệu với nhau, đảm bảo tỷ lệ nhất định để cho ra bánh men có vị thơm, nồng đặc trưng. Hỗn hợp bột sau khi trộn đủ độ dẻo được nặn thành từng viên nhỏ để lên một lớp trấu khô, đặt ở nơi thoáng mát khoảng 10 ngày là men khô. Trang còn dùng gạo nếp làm men thay cho loại gạo thường để giúp rượu có mùi thơm, vị ngọt ngon hơn. “Nguyên liệu quan trọng nhất để làm men là vỏ cây hyam. Tuy nhiên, vỏ cây này ngày càng ít dần. Em phải đặt hàng cho người làng với giá 20 ngàn đồng/kg vỏ cây. Gạo dùng để làm men em cũng mua của bà con trồng trên nương rẫy”-Trang chia sẻ.

Do bận rộn với việc học nên Trang dành thời gian làm men rượu vào buổi tối và các ngày cuối tuần. Bình quân mỗi tháng, Trang làm khoảng 80-100 kg men rượu và bán cho người dân trong xã với giá 50.000 đồng/kg. Với một nữ sinh THPT thì đây là khoản thu nhập không nhỏ. Nguồn thu nhập ổn định này đã giúp em trang trải việc học và phụ giúp thêm cho gia đình. Già làng Siu Loắc nhận xét: “Dùng men làm từ vỏ cây hyam của cháu Trang để ủ, rượu có vị ngọt, thơm nồng. Khi uống rượu này, mình rất yên tâm vì không bị đau bụng, đau đầu”.

Thầy Nguyễn Văn Quân-Bí thư Đoàn trường THCS và THPT Nguyễn Văn Cừ: “Đam mê khởi nghiệp, nhưng không vì thế mà Trang bỏ bê việc học. Năm học 2020-2021, tổng điểm của em đạt 9,1. Trang còn đam mê nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp. Đây là tấm gương sáng để các bạn học sinh trong trường noi theo và học tập”.

PHAN LÀI

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12525/202202/bong-hong-khoi-nghiep-5765328/