'Bóng hồng' là bác sĩ, công an, giáo viên... tâm sự ngày 20/10
Đảm nhiệm công việc có nhiều đặc thù, những người đẹp làm bác sĩ, công an, giáo viên công an bày tỏ tâm tư, tình cảm... trong ngày 20/10.
Công tác trong ngành y, với bác sĩ Đỗ Thị Vân Anh, khoa Ngoại, Bệnh viện Tim Hà Nội, hôm nay cũng như bao ngày bình thường khác. Mọi sự quan tâm chị đều dành cho bệnh nhân.
"Hôm nay bệnh viện trang hoàng đẹp, anh, em trong phòng cũng tổ chức bữa tiệc nhỏ để chúc mừng, nhưng điều mình quan tâm nhất là bệnh nhân đến khám. Bệnh nhân cần thì đang liên hoan cũng phải dừng, không có thời gian để dạo chơi, mua sắm. Bởi lựa chọn làm bác sĩ nên với mình, những ngày lễ hay ngày thường mình vẫn luôn ưu tiên bệnh nhân, cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ. Mình mong tất cả các chị em, nhất là các nữ bác sĩ như mình, luôn vui vẻ, nhiều sức khỏe để tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao", bác sĩ Vân Anh bày tỏ.
Những nữ bác sĩ phụ trách việc khám, chữa bệnh cho các bệnh nhi công việc lại càng áp lực. TS Mai Hoàn - Trưởng khoa Khám bệnh Đa khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, ngoài trình độ, kinh nghiệm chuyên môn, tinh thần bác sĩ phải vững, bởi tinh thần là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến các bác sĩ khi khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Bởi vậy, cũng như những chị, em phụ nữ khác, nữ bác sĩ cần được chia sẻ, quan tâm, động viên của những người bên cạnh, không chỉ là chồng mà còn cả những đồng nghiệp.
"Tất cả các bác sĩ nữ trong ngành y đều sẽ đánh giá làm sao để cân bằng được giữa công việc và gia đình. Đặc biệt là đều quan tâm đến việc chăm sóc, dạy dỗ con cái. Dù có thiệt thòi hơn nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Tôi cũng mong muốn mọi người có thể hiểu và thông cảm được công việc của các y, bác sĩ", TS Mai Hoàn bộc bạch.
Cùng suy nghĩ, theo chị Vũ Thị Thảo, Hộ sinh trưởng - Khoa Đẻ, Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình, làm công việc đặc thù nên 20/10 các nữ bác sĩ vẫn phải ưu tiên công tác chuyên môn, khám chữa bệnh lên hàng đầu. Dù Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình tổ chức hoạt động vui chơi thể thao chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam song không phải nữ bác sĩ nào cũng tham gia được vì còn phải trực.
"Không ít nữ bác sĩ cảm thấy thiệt thòi và chạnh lòng nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc, bệnh nhân khỏe mạnh cũng chính là một món quà lớn nhất", chị Thảo khẳng định.
Công tác tại miền núi, chị Nguyễn Thị Hằng, giáo viên Trường Tiểu học & THCS Tụ Nhân, xã Tụ Nhân, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) kể, dịp này, chị và các nữ đồng nghiệp được ngành giáo dục rất quan tâm, gửi lời chúc. Song 15 năm công tác nhưng ngày 20/10, chị chưa từng được học sinh tặng hoa. Mặc dù vậy, thấy học sinh điều kiện sống khó khăn nhưng mạnh khỏe, chăm học, ngoan ngoãn nghe lời cô, chị được an ủi, động viên rất nhiều.
Là trường liên cấp, không tổ chức bán trú nên nhiều học sinh Trường Tiểu học & THCS Tụ Nhân phải dậy từ 4-5h sáng soi đèn đi 11-12 km đến lớp. Các em đi lại vất vả, chân trần đội mưa, nắng đi học, chị rất thương. Sáng đến lớp thấy thiếu em nào là chị lại nôn nóng mong chờ. Vì vậy, các em đến lớp đầy đủ là món quà lớn với chị và thầy cô trong trường
“Do chồng cũng là giáo viên ở địa phương nên vợ chồng thấu hiểu, thông cảm cho nhau. Tôi mong muốn các ban ngành, đoàn thể tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn cho các em học sinh. Tôi cũng mong muốn cấp, ngành chức năng xem xét cho những thầy cô dạy ở vùng khó khăn có thâm niên sớm được chuyển sang ngạch lương cao hơn, chuyển đổi chế độ chính sách để chúng tôi an tâm công tác", chị Hằng bày tỏ.
Là giáo viên mầm non, Th.S Trần Thị Lan Hương, trường Mầm non Thực hành Hoa Sen (Hà Nội) cho rằng, xã hội ngày càng phát triển thì càng "đặt lên vai ngành giáo dục" nhiều áp lực, theo đó, giáo viên nói chung chịu nhiều áp lực. Giáo viên mầm non làm từ sáng đến chiều muộn, dạy dỗ và chăm sóc trẻ nhỏ nên áp lực càng cao, các cô giáo mầm non luôn phải tự vượt lên bản thân để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
“Trước đây tôi từng nghĩ đến chuyển công việc, do yếu tố sức khỏe, thu nhập thấp, áp lực công việc, quá tải công việc... Nhưng vì lòng yêu trẻ, yêu nghề nên đến hiện tại vẫn gắn bó với trường và mong cống hiến hết mình cho công việc”, chị Hương chia sẻ. "Tôi cũng rất yêu bản thân, nên đến ngày lễ thì không có tâm lý chờ đợi niềm vui từ người khác. Tôi luôn suy nghĩ tích cực, không để những điều không tốt ảnh hưởng đến mình, không để mình bị chi phối và vô tình để cảm xúc xấu ảnh hưởng đến học sinh".
Cũng giảng dạy tại Hà Nội, chị Đỗ Thị Thanh Nga, trường Tiểu học Thành Công B chia sẻ, cũng như nhiều giáo viên tiểu học khác, chị đứng lớp gần như cả ngày, tối về lại soạn giáo án, chấm bài cho học sinh nên phải bố trí, sắp xếp để hoàn thành tốt cả công việc chuyên môn và việc gia đình. Chị may mắn được chồng luôn ủng hộ mọi mặt, hai con trai biết quan tâm, chia sẻ với mẹ.
“Là một phụ nữ, một cô giáo, mỗi dịp 20/10, tôi luôn có cảm giác vui và ấm áp vì được người thân, bạn bè, phụ huynh, học sinh quan tâm, chúc mừng. Tôi mong muốn phụ nữ - phái đẹp luôn luôn được hạnh phúc, vui vẻ cả trong 365 ngày”, chị Nga nhắn nhủ.
Một trong những “bông hồng vàng” của phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung, cán bộ đội CSGT số 3 luôn cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chị Nhung cho biết, trong công việc, các chị được phân công bình đẳng như đồng đội nam. Ngoài việc công, ở gia đình, các nữ CSGT vẫn chu toàn thiên chức làm vợ, làm mẹ. Cá nhân chị luôn nỗ lực để cân đối giữa cuộc sống đời thường và việc tại đơn vị.
“Đôi khi chị em trong lực lượng CSGT chúng tôi cũng có chút chạnh lòng, vì đa số những ngày nghỉ, ngày lễ tết, chúng tôi vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông như bình thường. Con nhỏ luôn mong mẹ về để cùng gia đình đi chơi những ngày nghỉ như thế... Tuy nhiên, nghĩ tới ý nghĩa công việc được giao, vì sự bình yên và tin tưởng của Nhân dân, chúng tôi như được tiếp thêm động lực, thấy vinh dự tự hào, sẵn sàng “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi”, chị Nhung tâm sự.
Vừa đảm nhận vị trí giảng viên vừa là một chiến sĩ Công an nhân dân, mỗi dịp lễ với chị Đại úy Hoàng Thị Huyền - giảng viên Học viện Chính trị CAND, lại có cảm xúc khác nhau.
Chị Huyền giảng dạy lý luận chính trị và đã 10 năm là chiến sĩ Công an nhân dân. Với đặc thù rất khác biệt, ngoài công tác giảng dạy như những đồng nghiệp trong ngành giáo dục, các chị còn luôn ý thức vai trò, vị trí của một người lính, mang trên mình màu áo của lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.
"Có những đồng chí trong những dịp lễ lớn hàng năm, vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ được giao như những giảng dạy tại các đơn vị công an tỉnh xa, vẫn tham gia công tác huấn luyện điều lệnh quân sự công an. Điển hình như 20/10 khi tất cả các phụ nữ khác khoác trên mình những tà áo dài thì chúng tôi vẫn miệt mài huấn luyện trong Tiểu đoàn dự bị chiến đấu. Sẵn sàng cho sứ mệnh “đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Đảng và Nhân dân giao phó”, chị Huyền nói.
"Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, vất vả. Chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của Đảng ủy Công an Trung ương, Ban giám đốc Học viện và những đồng đội, đồng nghiệp nam cùng đơn vị. Đó là sự khích lệ rất lớn để những “bông hồng thép” hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, chúng tôi luôn nhận đc sự chia sẻ, cảm thông từ gia đình, bạn bè.
Ngày của những người phụ nữ-một nửa thế giới. Tôi mong rằng, tất cả phụ nữ chúng ta, theo một cách nào đó sẽ đều hạnh phúc, an lành. Mong sự nghiệp bình đẳng giới không chỉ ở việt nam mà trên toàn thế giới có những bước tiến, bước phát triển vượt bậc trong thời đại mới”.