'Bóng ma' Delta chặn đứng đà phục hồi kinh tế của ASEAN
Biến thể Delta hiện đang hoành hành ở khu vực Đông Nam Á đã làm đảo ngược những kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và gây ra lo ngại về thiệt hại lâu dài trong khu vực.
Tia hy vọng phục hồi đang tắt dần
Ngân hàng ANZ đã hạ dự báo về tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 của ASEAN-6 (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) xuống còn 3,9%, từ mức dự báo 4,6% trước đó.
Giám đốc điều hành Hội đồng Doanh nghiệp Liên minh châu Âu (EU)-ASEAN, Chris Humphrey, cho rằng những hy vọng về sự phục hồi trong năm 2021 của ASEAN đang tắt dần do số ca mắc Covid-19 mới gia tăng, việc tái áp đặt các biện pháp phong tỏa và hạn chế, và việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 đang diễn ra rất chậm trong phần lớn khu vực.
Các nhà phân tích Helen Qiao và Son Bum Ki của bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại ngân hàng Bank of America (BofA) nhận định, biến thể Delta đã tấn công vào khu vực dễ bị tổn thương của châu Á.
Biến thể này với khả năng lây lan nhanh hơn bệnh đậu mùa hay Ebola đã khiến Indonesia trở thành điểm nóng với hơn 100.000 ca tử vong vào tuần trước. Sau nhiều giai đoạn áp đặt lệnh kiểm soát đi lại, Malaysia vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới mỗi ngày ở mức kỷ lục.
Theo dõi hoạt động khu vực trong tháng Bảy, một nghiên cứu riêng của BofA nhận xét rằng tất cả các lĩnh vực, trừ xuất khẩu, đã sụt giảm trong tháng này.
Mặc dù lĩnh vực sản xuất vẫn kiên cường trong dịch bệnh, nhưng ông Mathur của ANZ cảnh báo có những tín hiệu tiêu cực đang lan rộng, đặc biệt là ở Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Các nhà hoạch định chính sách ban đầu đã tìm cách duy trì mở cửa các lĩnh vực sản xuất và xây dựng, nhưng theo ông Mathur, đợt bùng phát dịch mới đây nghiêm trọng hơn nhiều so với các làn sóng trước đó.
Ông Kotaro Tamura, chuyên gia về châu Á thuộc tổ chức tư vấn chiến lược Viện Milken (Mỹ), cũng lưu ý rằng hoạt động đi lại trong nước ở Đông Nam Á tiếp tục giảm trong những đợt bùng phát dịch bệnh gần đây, xuống còn 30% so với mức trước dịch bệnh.
Ông cho biết: "Đường biên giới của các nước vẫn đóng lại. Nếu tình trạng này kéo dài, rất có khả năng các hoạt động của nhà máy sẽ được tự động hóa… Các cơ sở sản xuất có thể bị đào thải khỏi Đông Nam Á".
"Vết sẹo" từ đại dịch
Trong báo cáo công bố hồi tuần trước, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) nhận định các nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể sẽ tăng trưởng nhanh hơn vào năm 2021-2022 so với khu vực Trung Đông, Bắc Phi và châu Mỹ Latinh.
Tuy nhiên, đến năm 2023, khoảng 30% các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đối mặt với những "vết sẹo" mà đại dịch để lại, với sản lượng thấp hơn từ 2-8% so với mức GDP mà Moody's dự báo trước khi đại dịch bùng phát.
Các nước này chủ yếu là những nền kinh tế có thu nhập trung bình và đang vật lộn để kiểm soát dịch bệnh, chẳng hạn như Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Moody’s cũng dự báo mức giảm sâu hơn (hơn 8%) ở các nền kinh tế Đông Nam Á như Campuchia, Lào và Philippines, do các yếu tố như năng lực tài chính hạn chế và làn sóng Covid-19 ngày càng tồi tệ ở các quốc gia này.
Ông Humphrey lưu ý, nhiều doanh nghiệp sẽ phải dừng quyết định đầu tư trong bối cảnh nhiều bất ổn như hiện nay. Nếu tình hình càng kéo dài, "vết sẹo" đối với nền kinh tế sẽ càng sâu hơn và sự phục hồi sẽ cần nhiều thời gian hơn.
Chuyên gia nghiên cứu Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), Jayant Menon, nhận định dịch bệnh có thể dẫn tới những tác động dài hạn khác nhau, một số trong đó là không thể đảo ngược như việc đóng cửa vĩnh viễn một số doanh nghiệp, cũng như tình trạng nghèo đói nghiêm trọng hơn ở các khu vực nông thôn và các nước đang phát triển.
Tiến sỹ Menon cho hay: "Tình hình đang thay đổi hàng tuần hay thậm chí là hàng ngày. Mặc dù những biện pháp hạn chế hiện nay sẽ không đưa nền kinh tế khu vực xuống mức đáy như trong quý II/2020, nhưng sẽ làm chậm đáng kể sự phục hồi kinh tế".
Kỳ vọng vào sự phục hồi
Trong khi đó, ngân hàng Maybank Kim Eng vẫn kỳ vọng vào sự phục hồi của ASEAN vào đầu năm 2022, nhờ nhu cầu tăng và sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng vào khu vực.
Ông Chua Hak Bin, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô khu vực của Maybank Kim Eng, đánh giá: Sự phục hồi của ASEAN được hỗ trợ bởi sản xuất và xuất khẩu, với nhu cầu toàn cầu được thúc đẩy bởi sự phục hồi và các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc mở cửa trở lại.
Việt Nam, Indonesia và Singapore là những nước hưởng lợi ích từ sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng sản xuất do cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng. Dịch bệnh đã không làm chệch hướng sự thay đổi mang tính cấu trúc này.
Theo một báo cáo mới đây của các nhà phân tích Joseph Incalcaterra, Yun Liu và Maitreyi Das của Ngân hàng HSBC, sự phục hồi kinh tế sẽ phụ thuộc vào tiến trình tiêm vaccine, xuất khẩu và chính sách tài khóa.
Giám đốc điều hành của Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore Lam Yi Young cũng tái khẳng định tầm quan trọng của thị trường ASEAN đối với các công ty Singapore.
Ông lưu ý rằng sự gia tăng số ca mắc Covid-19 gần đây trên toàn thế giới đã tác động đến hoạt động kinh doanh, và một số công ty đã phải trì hoãn hoặc giảm quy mô các kế hoạch mở rộng của họ ở ASEAN.
Tuy nhiên, ASEAN vẫn đem lại những cơ hội tăng trưởng tốt trong trung và dài hạn cho các công ty do quy mô và sự phát triển nhanh của khu vực.
Trong khi đó, ông Tamura, chuyên gia của Viện Milken, chỉ ra điểm hấp dẫn của Indonesia là thị trường trong nước khổng lồ, còn Việt Nam và Thái Lan có năng lực để tăng cường các lĩnh vực sản xuất trong nước.
Theo ông Tamura, căng thẳng địa chính trị gia tăng có thể thúc đẩy sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng đến ASEAN nhiều hơn.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bong-ma-delta-chan-dung-da-phuc-hoi-kinh-te-cua-asean-154896.html