Bóng rỗi Tây Ninh trên đất Bắc
Ngày 17.12 vừa qua, tại tầng 2, nhà B Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội), nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa tổ chức buổi ra mắt sách 'Đồ mã Việt Nam' và triển lãm 'Nghệ thuật đồ thế'.
Đam mê tranh dân gian Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa- Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã nghiên cứu và cho ra đời các quyển sách “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng” (Nxb Thế giới, 2019), “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” (Nxb Thế giới, 2019), “Dòng tranh dân gian Hàng Trống” (Nxb Thế giới, 2020), “Tranh dân gian Huế” (Nxb Thế giới, 2021), “Tranh dân gian Kim Hoàng” (Nxb Thế giới, 2022), “Tranh dân gian đồ thế Việt Nam” (Nxb Thế giới, 2022) và mới đây là quyển “Đồ mã Việt Nam” (Nxb Thế giới, 2022). Tình yêu tranh dân gian của tác giả không dừng lại ở việc nghiên cứu và giới thiệu đến mọi người, hiện chị còn là chủ nhiệm Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng.
Ngày 17.12 vừa qua, tại tầng 2, nhà B Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội), nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa tổ chức buổi ra mắt sách “Đồ mã Việt Nam” và triển lãm “Nghệ thuật đồ thế”.
Ra mắt sách “Đồ mã Việt Nam”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ: “Đồ mã bao gồm cả tranh mã (tranh đồ thế) và mã. Vì thế thật thiếu sót khi không viết về mã. Để xã hội có cái nhìn công tâm hơn về đồ mã như công tâm với tranh mã”. Nghề cắt tranh giấy (tranh mã gắn lên mã) của người Nùng Dín đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2013.
Tác giả cũng hy vọng sau quyển sách “Đồ mã Việt Nam” và triển lãm “Nghệ thuật đồ thế” thì nghề làm mã của người Kinh cũng như của người Hoa được nhìn nhận trân quý hơn dưới góc độ nghệ thuật cũng như sử dụng.
Trong quá trình nghiên cứu và viết nên quyển sách, tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa đã cho bạn đọc thấy được ở mỗi món đồ mã là một câu chuyện kể dân gian, như chiếc mão (mũ) đen đang trưng bày trong triển lãm “Nghệ thuật đồ thế” là mão của Chúa Ôn, Quan Ôn, được cho là vị thần gây ra bệnh dịch, vì thế cần được cúng kiếng đầy đủ để thần vui lòng mà không trừng phạt con người; hay mã còn là một món đồ trang trí cho hiện vật hiến tế, đẹp lòng các vị thánh, thần…
Tác giả chia sẻ: “Tôi cũng cân nhắc rất nhiều khi đặt bút viết về đồ mã vì xã hội hiện nay có cái nhìn chưa thiện cảm về đồ mã. Tuy nhiên, đồ mã cũng là một vật phẩm dâng cúng, nó hiện diện gần như khắp nơi trong các lễ nghi đời người, trong các phong tục, tập quán, tín ngưỡng… của người Việt Nam - đây là một thực tại.
Mong rằng nỗ lực vượt qua định kiến xã hội, để viết về một đề tài khá nhạy cảm của tôi sẽ được bạn đọc đón nhận. Nếu hiểu được bản chất của đồ mã thì tôi cũng mong muốn mỗi người chúng ta hãy sử dụng đồ mã đúng cách để bảo vệ môi trường không chỉ cho chúng ta mà còn cho thế hệ con cháu chúng ta”.
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có cuốn sách và cuộc triển lãm về đồ mã, đồ thế, cho người đọc, người xem hiểu thêm về một nghệ thuật dân gian cổ truyền của Việt Nam xưa nay vẫn dùng phổ biến nhưng mấy ai hiểu hết ý nghĩa và giá trị của nó.
Mâm vàng trong diễn xướng bóng rỗi
Trong quá trình nghiên cứu, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa có nhiều chuyến điền dã đến Tây Ninh tìm hiểu về đồ mã tại nhà cô bóng Ngọc Phượng (huyện Gò Dầu), chùa Linh Sơn Thanh Lâm (huyện Gò Dầu), chụp ảnh mộc bản ở chùa Phước Lưu (thị xã Trảng Bàng), xem nghi thức cúng nữ thần ở miếu bà Thủy Long (thị xã Trảng Bàng), xem nghi thức tống ôn ở đình Trường Đông (thị xã Hòa Thành)…
Tác giả đã dành nhiều trang viết về cách thức làm nên cái mâm vàng trong quyển sách “Đồ mã Việt Nam”. Mâm vàng được tạo hình tháp, cắt trổ từ giấy và dán ghép lại, có 3 loại tháp: tháp vàng dâng nữ thần, tháp bạc thường dùng dâng nam thần và tháp ngũ sắc với các màu trắng, xanh lá, xanh dương, đỏ, vàng tượng trưng cho ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ dâng cúng Ngũ Hành nương nương.
Trong đó, cúng bà thì không thể thiếu mâm vàng. Cái mâm vàng được dán bằng giấy vàng, bạc đại; có hình tháp ba tầng tượng trưng cho tam tài Thiên - Địa - Nhơn, cùng với ngụ ý Phước - Lộc - Thọ; tháp mâm vàng trổ ra bốn cửa tượng trưng cho bốn mùa, tám tiết thể hiện cho mong cầu xuân đa kiết khánh, hạ bảo bình an, thu tống tam tai, đông nghinh bá phước; trên tháp mâm vàng được cắt dán các hoa văn tứ linh, hưu đội đồng tiền, chim hòa bình, con dơi, chữ thọ… qua những chi tiết thể hiện trên chiếc mâm vàng cho thấy được những mong cầu, ước nguyện của cư dân về cuộc sống an cư lạc nghiệp, quốc thới dân an, mưa thuận gió hòa...
Bóng rỗi Tây Ninh trên đất Bắc
Trong khuôn khổ chương trình ra mắt sách và triển lãm nghệ thuật, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa còn mời các nghệ nhân thực hành cho người đến tham dự có cái nhìn và trải nghiệm thực tế, như nghệ nhân Vũ Bắc thực hành làm đồ mã trang trí gà cúng, xôi cúng và mão quan theo kiểu thức miền Bắc; nghệ nhân Nam Chi in mộc bản tranh đồ thế và đặc biệt có diễn xướng nghi lễ dân gian bóng rỗi do các nghệ nhân ở Tây Ninh thực hiện.
Trước khi biểu diễn, nhà nghiên cứu Phí Thành Phát- Chi hội phó Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh) giới thiệu về nguồn gốc bộ môn bóng rỗi, cách thức, ý nghĩa của mâm vàng và trình tự của nghi thức bóng rỗi trong lễ cúng bà. Sau đó, nghệ nhân dân gian Ngọc Phượng, các cô bóng Ngọc Diễm, Ngọc Trinh và nhạc lễ Võ Thành Sang thực hành diễn xướng.
Bên cạnh câu rỗi chầu mời thỉnh bà và dâng lên những lời cầu nguyện về quốc thới dân an, mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc của cô bóng Ngọc Phượng, phương thức diễn xướng bằng động tác hình thể (múa) là điểm đặc biệt trong loại hình bóng rỗi do 2 cô bóng Ngọc Diễm và Ngọc Trinh thực hiện.
Các cô bóng múa dâng lễ vật gồm có múa dâng chén bông, múa dâng mâm vàng, múa dâng huệ; các điệu múa tạp kỹ lắm công phu như múa dàn xay tái hiện lại cảnh xay lúa gắn liền với nông nghiệp, múa lưỡi siêu tưởng nhớ đến Quan Công, múa dù, múa tràng bông, rót rượu bằng đầu… sau cùng là nghi thức bán lộc, cầu an.
Trong khoảng thời gian ngắn, các nghệ nhân bóng rỗi Tây Ninh tái hiện tóm tắt buổi lễ cúng bà (nữ thần) ở Nam bộ đã làm cho người xem nơi đất Bắc, nhất là những người trẻ thích thú bởi lần đầu được thấy, khác hẳn với nghi thức chầu văn, hầu đồng trong tín ngưỡng thờ mẫu ở miền Bắc. Phần biểu diễn thể hiện đúng như bản chất của bóng rỗi vừa dâng cúng nữ thần vừa làm vui cho người đến xem cúng, lột tả được bản chất phóng khoáng của con người nơi mảnh đất phương Nam.
Từ những bài nghiên cứu khoa học đăng trên báo Tây Ninh, sách “Tây Ninh đất và người”, sách “Đồ mã Việt Nam” và biểu diễn trong triển lãm “Nghệ thuật đồ thế” lần này tại Thủ đô Hà Nội đã góp phần quảng bá nghệ thuật và ý nghĩa của diễn xướng bóng rỗi ở Nam bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng đến đại chúng, góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bong-roi-tay-ninh-tren-dat-bac-a153032.html