Brazil gia hạn cấm nhập cảnh với người nước ngoài
Ngày 1/7, chính phủ Brazil thông báo quyết định gia hạn 30 ngày lệnh cấm nhập cảnh với người nước ngoài để tiếp tục duy trì các biện pháp đối phó với sự lây lan của dịch COVID-19 ở quốc gia Nam Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại khu vực Mỹ Latinh, thông báo của chính phủ Brazil nêu rõ, lệnh cấm được áp dụng đối với mọi hình thức nhập cảnh gồm đường bộ, hàng không và đường biển. Tuy nhiên, hạn chế đã loại trừ những người nước ngoài có thị thực tạm thời để thực hiện các hoạt động nghệ thuật, giáo dục, thể thao và kinh doanh, với thời hạn cụ thể.
Cho đến nay Brazil là quốc gia thứ 2 thế giới, sau Mỹ, về mức độ thiệt hại do dịch COVID-19. Tính đến ngày 1/7, Brazil đã ghi nhận hơn 1,448 triệu ca mắc, trong đó hơn 60.600 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) đã khuyến nghị Brazil cần mở rộng hơn nữa quy mô xét nghiệm để cuộc chiến chống dịch hiệu quả tốt hơn. PAHO cũng dự báo đỉnh dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ sẽ rơi vào tháng 8.
Cũng trong ngày 1/7, Thống đốc bang Sao Paulo, Joao Doria, thông báo sẽ tiến hành thử nghiệm loại vắc-xin phòng COVID-19 do Trung Quốc sản xuất, mang tên Sinovac, tại 12 trung tâm nghiên cứu ở 6 bang trên lãnh thổ Brazil.
Phát biểu họp báo, ông Doria cho hay khả năng thử nghiệm vắc-xin Sinovac đã được thông báo lần đầu tiên hôm 11/6 tại Viện Butantan - một trung tâm nghiên cứu của bang Sao Paulo. Ngoài thử nghiệm, trung tâm còn thỏa thuận về việc chuyển giao công nghệ để sản xuất loại vắc-xin này ở trong nước.
Các bang khác của Brazil cùng tiến hành thử nghiệm vắc-xin Sinovac gồm Brasilia, Rio de Janeiro, Minas Gerais, Rio Grande do Sul và Parana, với tổng cộng 9.000 tình nguyện viên tham gia.
Theo Giám đốc Viện nghiên cứu Butantan, Sinovac được đánh giá là 1 trong những vắc-xin có tiềm năng cao trong phòng ngừa COVID-19. Trước mắt, loại vắc-xin này đang chờ được Cơ quan Kiểm soát Dịch tễ quốc gia Brazil (Anvisa) cấp phép để tiến hành thử nghiệm trên người. Ngoài Sinovac, Anvisa trước đó không lâu đã cho phép thử nghiệm lâm sàng một loại vắc-xin phòng COVID-19 khác do Đại học Oxford của Anh và hãng dược phẩm AstraZeneca Plc phối hợp phát triển.