Brazil: Mảnh ghép cần thiết cho tham vọng của OPEC?
Với sản lượng tăng mạnh lên mức kỷ lục trong những tháng gần đây, Brazil một lần nữa nhận được lời mời gọi tham gia vào Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Sau một thập niên, sản lượng dầu mỏ của Brazil đã tăng mạnh lên từ mức 1,7 triệu thùng/ngày lên tới 3,67 triệu thùng/ngày trong tháng 9, con số cao nhất từng được ghi nhận tại quốc gia này. Con số này cũng tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với con số ấn tượng trên, Brazil đã vượt qua Iran, với sản lượng được OPEC công bố trong tháng 9 là 3,15 triệu thùng/ngày. Năm ngoái, Brazil vẫn xếp dưới Iran về sản lượng, chỉ đứng vị trí thứ 9 trong danh sách các nhà khai thác dầu mỏ lớn nhất thế giới, theo Statista.
Tiềm năng lớn
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Brazil có thể nâng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày vào năm 2035.
Trong khi đó, Bộ Mỏ và Năng lượng Brazil kỳ vọng nâng sản lượng dầu thô lên tới 5,4 triệu thùng/ngày vào năm 2029, cao hơn tới 80% so với sản lượng năm 2022 và 47% so với sản lượng hiện tại.
Để đạt được mục tiêu đó, Brazil sẽ cần tận dụng trữ lượng tài nguyên dồi dào của mình, với trữ lượng dầu mỏ đã được chứng minh năm 2022 là 14,9 tỷ thùng, trong đó 77% được phân loại là tiền muối, theo Cơ quan Quản lý Dầu mỏ quốc gia (ANP).
Ngoài ra còn có 21,9 tỷ thùng trữ lượng đã được chứng minh và có thể khai thác và 27 tỷ thùng trữ lượng đã xác minh, trữ lượng có thể khai thác và trữ lượng có thể có. Điều này chứng tỏ rằng Brazil sở hữu tiềm năng hydrocarbon đáng kể và trữ lượng cần thiết để hỗ trợ sự gia tăng trong khai thác.
Đầu tư
Công ty dầu khí quốc gia Brazil Petrobas sẽ là động lực chính cho việc mở rộng sản lượng sau khi cam kết chi 78 tỷ USD trong 5 năm tới.
Ngoài ra, sẽ cần có sự đầu tư đáng kể và áp dụng công nghệ từ các công ty năng lượng lớn nước ngoài để đạt được mục tiêu sản lượng 5,4 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, các công ty nước ngoài cũng tỏ ra hứng thú với ngành dầu mỏ Brazil. Vào tháng 1 năm nay, tập đoàn TotalEnergies của Pháp đã phê duyệt quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trị giá 1 tỷ USD cho dự án dầu khí ngoài khơi Tây Nam Lapa ở lưu vực Santo, Brazil. TotalEnergies là nhà điều hành dự án này, nắm giữ 45% cổ phần hoạt động, trong khi đối tác Shell kiểm soát 30% và Repsol Sinopec nắm giữ 25% còn lại.
Dự án bao gồm ba giếng để kết nối với Lapa FPSO, đã hoạt động ở phía Tây Bắc mỏ Lapa từ năm 2016. Khi khởi động, dự kiến vào năm 2025, cơ sở này sẽ bơm 25.000 thùng dầu/ngày, nâng tổng sản lượng khai thác lên 60.000 thùng/ngày.
Vào cuối tháng 5, TotalEnergies cũng ký hợp đồng phân chia sản phẩm với Petrobras, QatarEnergy và PETRONAS cho Lô Agua Marinha ngoài khơi. Lô này nằm trong lưu vực Campos ở phía nam mỏ dầu tiền muối Marlim Sul và đã được trao cho TotalEnergies vào tháng 12/2022.
Cũng trong tháng 5, tập đoàn năng lượng khổng lồ của Na Uy Equinor thông báo rằng họ cùng với các đối tác Repsol Sinopec và Petrobras đã phê duyệt FID để tiến hành phát triển dự án B-M-C-33 trị giá 9 tỷ USD ở ngoài khơi Brazil. Hoạt động này bao gồm 3 phát hiện khí tự nhiên tiền muối và khí ngưng tụ với trữ lượng có thể thu hồi là một tỷ thùng dầu tương đương.
Tham vọng của OPEC
Tại Hội nghị Dầu thô châu Âu Argus, Tổng thư ký OPEC Haitham al-Ghais đã nhấn mạnh rằng tổ chức này sẽ mở rộng cửa nếu Brazil muốn trở thành một quốc gia thành viên. Quyết định này được đưa ra sau khi Brazil đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Đây không phải là lần đầu tiên Brazil được nhắc đến như một ứng cử viên tiềm năng trở thành thành viên OPEC. Vào năm 2019, tổng thống khi đó là ông Jair Bolsonaro cho biết ông đã nhận được "lời mời" tham gia từ một quốc gia Trung Đông giấu tên. Tuy nhiên, thông tin này đã làm dấy lên lo ngại rằng một động thái như vậy có thể hạn chế sự tăng trưởng khai thác tiền muối đang phát triển của quốc gia này.
Các bộ trưởng chủ chốt của OPEC trước đây cho biết một OPEC lớn mạnh hơn sẽ giúp ổn định thị trường. Hiện nay, 13 thành viên của OPEC và 10 quốc gia ngoài OPEC tạo thành liên minh OPEC+, chiếm gần 40% sản lượng dầu thô toàn cầu.
"Hãy tưởng tượng nếu chúng ta là 60% nhà khai thác hoặc 70% nhà khai thác [của thế giới]". Hãy tưởng tượng... chúng ta sẽ thành công hơn”, Bộ trưởng năng lượng của UAE Suhail al-Mazrouei cho biết tại Hội thảo OPEC ở Vienna hồi tháng 7.
Tuy nhiên, lợi ích cho việc gia nhập OPEC của các nhà khai thác đang phát triển mạnh là chưa rõ ràng trong khi tổ chức này đang quản lý chặt nguồn cung trong những năm gần đây. Trước đó, OPEC cũng phủ nhận việc mời Guyana, được coi là một hòn ngọc quý sau những phát hiện dầu khí lớn gần đây, tham gia nhóm vào đầu năm nay.