Brazil: Thành viên cuối cùng của một bộ tộc bị diệt vong?
Người duy nhất còn sống sót của một bộ tộc vô danh bị diệt vong ở rừng rậm Amazon đã qua đời ở độ tuổi 60.
Một quan sát viên thuộc tổ giám sát Quỹ Thổ dân Quốc gia Brazil (Funai) cho biết đã phát hiện thi thể nằm trên võng đang bị phân hủy của người đàn ông cuối cùng thuộc một bộ tộc bị diệt vong ở khu Tanaru, rừng rậm Amazon.
Quan sát viên này tin rằng người đàn ông đã chuẩn bị cho cái chết của mình khi quanh thi thể xếp những chiếc lông vũ màu sắc rực rỡ.
Người đàn ông cô độc và bí ẩn này được biết đến với biệt danh "Índio do Buraco" (người sống trong hố), bởi ông dành phần lớn thời gian ẩn nấp hoặc trú ẩn trong những cái hố.
Người đàn ông này đã sống một mình trong rừng suốt nhiều thập kỷ khi lâm tặc chiếm đất và giết chết toàn bộ người trong bộ tộc vào những năm 1980. Kể từ đó người đàn ông từ chối giao tiếp, đặt bẫy và bắn tên vào bất cứ ai đến quá gần mình.
Marcelo dos Santos, một nhà thám hiểm đã nghỉ hưu, thành viên của Funai cho biết: "Ông ấy không tin tưởng bất cứ ai vì bản thân có quá nhiều ký ức đau thương với những người không cùng bộ tộc".
Dos Santos nói thêm ông và những thành viên khác của Funai đã để lại những món quà gồm công cụ, hạt giống và thực phẩm để làm quen với người đàn ông này nhưng luôn bị từ chối.
"Vì kiên quyết chống lại mọi nỗ lực giao tiếp, ông ấy đã chết mà không tiết lộ mình thuộc bộ tộc nào, cũng như động cơ khiến ông đào những cái hố trong nhà mình", Tổ chức quan sát Nhân quyền người bản địa (OPI) nói.
"Ông ấy đã bày tỏ rõ ràng lựa chọn của mình là tránh xa tất cả và không bao giờ nói một từ nào cho phép người khác nhận dạng ngôn ngữ lẫn văn hóa của bộ tộc mình".
Funai lần đầu tiên chú ý đến người đàn ông này vào giữa những năm 1990. Các nhà hoạt động xã hội bản địa khi đó đã tìm thấy những thửa đất trồng trọt nhỏ bị phá hủy bởi các lâm tặc và phần còn lại của những ngôi nhà của bộ tộc bí ẩn ở khu vực dọc theo biên giới của Brazil với Bolivia.
Khu vực này là nơi luôn bị những lâm tặc, người khai khoáng trái phép dòm ngó vì có nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá.
Funai sau đó lập hàng rào tự nhiên để người đàn ông này sống, kêu gọi bảo vệ khu vực này và thành lập khu bảo tồn Tanaru năm 1997.
Sau khi người đàn ông qua đời, OPI kêu gọi duy trì khu bảo tồn ở trạng thái hiện tại và đề nghị các quan chức thực hiện những nghiên cứu khảo cổ học, nhân chủng học để làm sáng tỏ nền văn minh bộ tộc này.
Cái chết của người đàn ông cuối cùng của bộ lạc vô danh này đã khiến cho nhiều nhà nhân loại học lo lắng về việc mất đi một ngôn ngữ và văn hóa dân tộc của các bộ tộc thiểu số.
Các tổ chức bảo vệ người bản địa cho biết còn khoảng từ 235 đến 300 bộ tộc còn sót lại ở khu vực Amazon, nhưng rất khó xác định một con số chính xác vì đa số họ đều tránh xa thế giới văn minh.
Ít nhất 30 bộ tộc được cho là đang sống sâu trong rừng rậm và không có con số thống kê nào về số lượng, ngôn ngữ hoặc văn hóa của họ.