Brazil và hơn 100 quốc gia cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030

Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ kết thúc hội nghị thượng đỉnh về khí hậu kéo dài hai ngày vào thứ Ba (2/11), với cam kết trị giá hàng tỷ đô la sẽ chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, mốc thời gian xa vời với các nhà vận động muốn hành động sớm hơn để cứu lá phổi của hành tinh.

Cam kết đã được đưa ra tại hội nghị COP26 của Liên Hợp Quốc. Hội nghị này sẽ tiếp tục diễn ra trong hai tuần nữa, để cố gắng xây dựng các kế hoạch quốc gia nhằm ngăn chặn những tác động tàn phá nhất của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Một khu vực đang cháy của khu bảo tồn rừng nhiệt đới Amazon, phía nam Novo Progresso ở bang Para, Brazil, được chụp vào tháng 8 năm 2020 cho thấy nạn phá rừng đã thúc đẩy sự gia tăng phát thải khí nhà kính như thế nào - Ảnh: Carl de Souza

Chủ tọa của hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Anh Boris Johnson, cho biết thỏa thuận về nạn phá rừng là then chốt cho tham vọng bao trùm là hạn chế nhiệt độ tăng lên 1,5 độ C.

“Những hệ sinh thái đầy ắp tuyệt vời này — những thánh đường của tự nhiên — là lá phổi của hành tinh chúng ta”, ông Johnson nói ở Glasgow, theo Downing Street.

“Rừng hỗ trợ cộng đồng, sinh kế và cung cấp lương thực, đồng thời hấp thụ carbon mà chúng ta bơm vào bầu khí quyển. Chúng rất cần thiết cho sự sống còn của chúng ta”, Johnson nói thêm.

“Với những cam kết chưa từng có hôm nay (1/11), chúng ta sẽ có cơ hội kết thúc lịch sử lâu dài của nhân loại với tư cách là kẻ chinh phục thiên nhiên và thay vào đó trở thành người trông coi nó”, thủ tướng Anh nhấn mạnh.

Chính phủ Anh cho biết cam kết được hỗ trợ bởi gần 20 tỷ đô la tài trợ công và tư, và được hơn 100 nhà lãnh đạo đại diện cho hơn 85% rừng trên thế giới xác nhận.

Các nhà lãnh đạo bao gồm Mỹ, Brazil và Nga đã xác nhận, trong đó Brazil và Nga bị các nhà hoạt động lên án vì đã đẩy nhanh tốc độ phá rừng của chính họ.

Tổng thống Joko Widodo của Indonesia giàu tài nguyên cho biết các khu rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn, biển và đất than bùn trên đất nước vạn đảo của ông là chìa khóa để hạn chế biến đổi khí hậu.

Ông nói trong một tuyên bố rằng: “Chúng tôi cam kết bảo vệ những bể chứa carbon quan trọng này và vốn tự nhiên của chúng tôi cho các thế hệ tương lai”.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia hỗ trợ các con đường phát triển bền vững nhằm tăng cường sinh kế của cộng đồng — đặc biệt là người bản địa, phụ nữ và nông hộ nhỏ”.

Các nhà hoạt động môi trường cho rằng mục tiêu 10 năm là quá dài để bảo vệ những rừng tự nhiên còn sót lại trên thế giới - Ảnh: Reuters

Kế hoạch 10 năm là quá muộn

Hội nghị đưa ra cam kết “ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng và suy thoái đất vào năm 2030”, bao gồm các lời hứa đảm bảo quyền của người dân bản địa và công nhận “vai trò của họ như những người bảo vệ rừng”.

Nhưng trong khi Thủ tướng Johnson nói rằng đó là "chưa từng có", một cuộc họp về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại New York vào năm 2014 đã đưa ra một tuyên bố tương tự nhằm giảm một nửa tỷ lệ phá rừng vào năm 2020 và chấm dứt vào năm 2030.

Tuy nhiên, cây cối vẫn tiếp tục bị chặt ở quy mô công nghiệp, đặc biệt là ở khu vực rừng Amazon dưới thời chính phủ cực hữu của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.

Gần một phần tư lượng khí thải carbon dioxide do con người tạo ra có thể là do hoạt động sử dụng đất như khai thác gỗ, phá rừng và canh tác.

Con người đã chặt phá một nửa diện tích rừng trên Trái đất, một hành vi gây hại gấp đôi cho khí hậu khi những cây hút CO2 được thay thế bằng vật nuôi hoặc cây trồng độc canh.

Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) chỉ trích sáng kiến Glasgow vì đã bật đèn xanh một cách hiệu quả cho “một thập kỷ mất rừng nữa”.

Giám đốc điều hành của Greenpeace Brazil, Carolina Pasquali cho biết: “Người bản địa đang kêu gọi 80% Amazon được bảo vệ vào năm 2025 và họ nói đúng, đó là những gì cần thiết”. Cô nhấn mạnh: “Khí hậu và thế giới tự nhiên không thể đáp ứng được thỏa thuận này”.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng cách tốt nhất để bảo vệ rừng trên toàn thế giới là giữ chúng dưới sự quản lý của người dân địa phương với kiến thức bảo tồn qua nhiều thế hệ.

Tuntiak Katan Jua từ tổ chức bản địa COICA cho biết: “Chúng tôi sẽ tìm kiếm bằng chứng cụ thể về sự thay đổi trong cách thức đầu tư vốn”.

Ông nói: “Nếu 80% những gì được đề xuất hướng đến hỗ trợ quyền đất đai và đề xuất của các cộng đồng bản địa và địa phương, chúng ta sẽ thấy một sự đảo ngược đáng kể trong xu hướng hiện nay đang phá hủy tài nguyên thiên nhiên của chúng ta”.

Phan Nguyên (Theo France24)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/brazil-va-hon-100-quoc-gia-cam-ket-cham-dut-nan-pha-rung-vao-nam-2030-post164626.html