Brexit theo hướng nào?
Cuộc bầu cử nghị viện Anh tuần trước có thể sẽ làm cho tiến trình nước Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu - EU (gọi tắt là Brexit) chuyển hướng, đồng thời mang lại nhiều khó khăn cho nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Âu.
Cứng hay mềm?
Sự kiện đảng Bảo thủ của bà Thủ tướng Theresa May không giành được đa số áp đảo trong nghị viện không chỉ làm cho chiếc ghế quyền lực của bà lung lay, buộc bà phải thay đổi quan điểm mà còn đưa tiến trình Brexit vào vùng bất định: Brexit “cứng”, Brexit “mềm” hay thậm chí sẽ không có Brexit nào cả. “[Kết quả bầu cử cho thấy] Brexit “cứng” không giành được đa số, Brexit “mềm” không giành được đa số và chắc chắn phe phản đối Brexit cũng không giành được đa số. Tình hình quả là lộn xộn; khó mà biết được chúng tôi sẽ đi lối nào”, ông John Springford, nhà nghiên cứu của Trung tâm Cải cách châu Âu tại London, than thở.
Lên thay cựu Thủ tướng David Cameron sau vụ trưng cầu dân ý bất ngờ hồi tháng 6 năm ngoái, bà Theresa May chủ trương “cứng”, yêu cầu EU một cuộc chia tay “sạch sẽ” sau hơn nửa thế kỷ chung sống, theo đó nước Anh sẽ từ bỏ tư cách thành viên EU, ra khỏi thị trường chung châu Âu, liên minh hải quan và không còn chịu sự điều chỉnh của Tòa án Công lý châu Âu nữa. Anh Quốc cũng sẽ tăng cường kiểm soát nhập cư, theo đó không chỉ người tị nạn mà cả công dân EU cũng sẽ khó mà sinh sống, làm việc ở Anh.
Cho đến sáng thứ Hai 12-6 vừa qua, bà May vẫn kiên định lập trường này nhưng đến chiều thứ Hai thì bà bắt đầu dao động vì ngay trong đảng Bảo thủ của bà những tiếng nói phản đối đã bắt đầu mạnh lên. Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond chẳng hạn, được biết đã vận động hậu trường tích cực cho xu thế Brexit “mềm”, “đặt tương lai nền kinh tế quốc gia lên trước và trên hết trong tiến trình Brexit”. Phe “mềm” muốn nước Anh ra khỏi EU nhưng vẫn tham gia thị trường chung Âu châu cho dù có phải nới lỏng quy định về nhập cư như đòi hỏi của EU. Các đảng chính trị, dù đối lập như đảng Lao động hay tham gia cùng đảng Bảo thủ để lập chính phủ mới, đều yêu cầu bà Thủ tướng không cố chấp mà phải tạo được sự đồng thuận đa đảng cho những lập trường được đưa ra bàn bạc với EU, bắt đầu từ tuần sau ngày 19-6.
“Cuộc tranh luận Brexit cứng đối lập với mềm đã được đưa trở lại bàn hội nghị và giờ đây Brexit mềm có vẻ thắng thế hơn”, Mujtaba Rahman, nhà nghiên cứu thị trường của Eurasia Group, ghi nhận.
Kinh tế chập chờn vì chính trị bất ổn
Dù cứng hay mềm thì tình trạng bất ổn về chính trị cũng đang gây tác hại cho tăng trưởng kinh tế của Anh đến mức Liên đoàn các nhà công nghiệp Anh (EEF) - tổ chức lớn nhất của các nhà kinh doanh - phải ra tuyên bố kêu gọi chính phủ “nghĩ lại” kế hoạch Brexit, nếu không thì doanh nghiệp phải điều chỉnh hoạt động, có thể rời khỏi đất nước. EEF, cùng nhiều hiệp hội doanh nghiệp khác, đều cho rằng, duy trì vị thế của Anh trong thị trường chung Âu châu và Liên minh Hải quan châu Âu là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, do đó phải là nội dung quan trọng nhất trong đàm phán Brexit. Terry Scuoler, Giám đốc điều hành EEF, nói báo The Guardian rằng Chính phủ Anh đã lãng phí một năm rồi, bây giờ cần “từ bỏ những lời lẽ khoa trương và bắt đầu hàn gắn quan hệ với các đối tác EU”.
Bên ngoài, các tổ chức xếp hạng tín dụng toàn cầu đã bắt đầu cảnh báo về tác động kinh tế của tình trạng bất ổn chính trị ở Anh. Hôm thứ Hai, Moody’s nhận định thất bại của Thủ tướng Therese May trong cuộc bầu cử tuần trước đang làm tổn thương vị thế của Anh trên thị trường tín dụng quốc tế vì có khả năng nước Anh sẽ phải vay mượn thêm nhiều.
Đồng bảng Anh hôm đầu tuần đã có phiên giảm giá thứ hai liên tiếp và tổ chức Standard & Poor’s cảnh báo tăng trưởng kinh tế đang chập chờn của Anh sẽ suy yếu hơn nữa trong thời gian tới. “Về triển vọng tăng trưởng, rõ ràng rằng mọi chuyện đang không đi đúng hướng, bất ổn chính trị đang làm suy yếu môi trường kinh doanh, niềm tin của người tiêu dùng và của doanh nghiệp”, ông Jean-Michel Six, nhà kinh tế trưởng của S&P châu Âu, nói với các phóng viên tài chính ở Paris.
Một cuộc khảo sát nhanh ý kiến của 700 doanh nghiệp Anh do tổ chức vận động hành lang Institute of Directors ghi nhận niềm tin của doanh nghiệp “đã xuống tới đáy” và yêu cầu chính phủ cần nhanh chóng đàm phán và ký kết một hiệp định thương mại mới với EU, theo BBC.
Các chỉ số kinh tế trong những tháng sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm ngoái cho thấy giới kinh doanh và người tiêu dùng không lo ngại nhiều và kinh tế Anh thuộc nhóm tăng trưởng tốt nhất trong năm 2016. Nhưng từ đầu năm 2017 đến nay tăng trưởng giảm đột ngột, đồng tiền mất giá khiến đời sống trở nên khó khăn và đã có những dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp ngày càng lo âu trước một tương lai chưa có gì rõ ràng, chắc chắn!
Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/161387/brexit-theo-huong-nao.html/