BRICS mở rộng: Khả năng định hình lại động lực kinh tế toàn cầu

Liên minh BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, vừa thực hiện bước đi quan trọng khi chính thức mời 6 quốc gia mới gia nhập hàng ngũ của mình. Ảrập Xê út, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), Ai Cập, Argentina, Iran và Ethiopia đều đã nhận được lời mời trở thành thành viên chính thức của BRICS, đánh dấu sự mở rộng đáng kể của liên minh kinh tế và địa chính trị. Diễn biến này có khả năng định hình lại động lực kinh tế toàn cầu, đặc biệt liên quan đến sự thống trị của đồng USD và ảnh hưởng của các cường quốc phương Tây trong hệ thống tài chính quốc tế.

Các nhà lãnh đạo của BRICS tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ XV của khối. Nguồn: Wikipedia

Các nhà lãnh đạo của BRICS tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ XV của khối. Nguồn: Wikipedia

Quyết định mở rộng BRICS được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ XV của liên minh tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi. Việc mở rộng được thúc đẩy bởi mong muốn tăng cường hơn nữa ảnh hưởng và sức mạnh kinh tế của khối, cũng như cung cấp nền tảng cho các nước tham gia hợp tác chặt chẽ hơn trong nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm thương mại, tài chính và phát triển... Việc chính thức mời 6 nước gia nhập khối cũng mở đường gia nhập cho hàng chục quốc gia có mong muốn tham gia trong tương lai. BRICS hiện đang là nhà của khoảng 40% dân số thế giới và chiếm khoảng 1/4 GDP toàn cầu. Có thêm thành viên, chắc chắn BRICS sẽ ổn định và mạnh hơn về mặt tài chính khi họ sẽ kiểm soát hơn 40% lượng hàng xuất khẩu của thế giới. Chưa hết, sức mạnh của liên minh cũng sẽ tăng thêm và có khả năng cạnh tranh với các nhóm nổi bật khác nếu các nước thành viên đạt được tầm nhìn nhất quán.

Khả năng dịch chuyển cán cân sức mạnh kinh tế

Nếu 6 quốc gia được mời nhất trí gia nhập liên minh, họ sẽ được tiếp nhận là thành viên chính thức của BRICS từ đầu năm sau. Điều này sẽ mang lại ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong các khía cạnh sau:

Trước hết, nó mang đến sự thay đổi về địa chính trị. Việc mở rộng BRICS sẽ bổ sung thêm nhiều quốc gia từ Trung Đông và châu Phi vào liên minh, đa dạng hóa sự đại diện về mặt địa lý của khối. Động thái này có khả năng dịch chuyển cán cân sức mạnh kinh tế toàn cầu khỏi sự thống trị của phương Tây và cung cấp cho các quốc gia trên một nền tảng thay thế cho hợp tác và phát triển kinh tế. Quyết định mở rộng quy mô có thể mang lại ảnh hưởng toàn cầu cho BRICS trong bối cảnh sự phân cực địa - chính trị đang thúc đẩy Nga và Trung Quốc đưa BRICS thành đối trọng với phương Tây.

Tiếp đến là khả năng phi USD hóa. Thực tế, đây là một trong những tác động đáng chú ý nhất của việc mở rộng, vì nó có ảnh hưởng tiềm tàng đối với vị thế của đồng USD trên cương vị là đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Nếu các thành viên BRICS ngày càng giao dịch và giải quyết các giao dịch bằng tiền địa phương của họ hoặc đồng tiền chung BRICS mới (đồng tiền này đang được cân nhắc), điều này có thể làm giảm sự phụ thuộc toàn cầu vào đồng USD trong thanh toán thương mại, từ đó thách thức uy quyền và ảnh hưởng của đồng USD đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

Thứ ba là, khi BRICS trở thành khối 11 thành viên, họ sẽ có thể thiết lập nên cơ sở hạ tầng tài chính thay thế như nỗ lực thành lập các tổ chức tài chính của riêng mình, chẳng hạn như ngân hàng phát triển và các cơ chế thanh toán tiền tệ. Động thái tiềm năng này sẽ cung cấp cho các quốc gia thành viên những lựa chọn thay thế cho các tổ chức hiện do phương Tây thống trị như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới. Điều đó có khả năng tạo ra sự cạnh tranh hoặc hợp tác giữa các tổ chức BRICS và các tổ chức quốc tế truyền thống.

Không chỉ có vậy, việc mở rộng BRICS còn có thể tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau của Mỹ vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế và việc sử dụng đồng USD. Các lĩnh vực như tài chính toàn cầu, thương mại và đầu tư quốc tế, thị trường năng lượng và hàng hóa, tài chính ngân hàng và du lịch có thể trải qua những thay đổi về nhu cầu và động lực thị trường.

BRICS lớn hơn trong tương lai cũng có tác động đến các quan hệ thương mại và liên minh: Việc bao gồm Ảrập Xêút, UAE và Iran, ba quốc gia xuất khẩu dầu lớn, có thể dẫn đến sự thay đổi trong động lực thương mại dầu mỏ toàn cầu. Nếu các quốc gia này quyết định giao dịch bằng đồng nội tệ hoặc một loại tiền BRICS mới, nó có thể làm suy yếu vai trò truyền thống của đồng USD là tiền tệ chính trong các giao dịch dầu mỏ.

Chưa hết, việc mở rộng BRICS làm tăng thêm bối cảnh toàn cầu của các liên minh và tổ chức kinh tế, tạo ra sự cạnh tranh tiềm tàng giữa trật tự kinh tế do phương Tây lãnh đạo và trật tự mới nổi do BRICS lãnh đạo. Điều này có thể dẫn đến sự phân tán trong quản trị kinh tế toàn cầu.

Mở ra nhiều cơ hội và tăng khả năng cạnh tranh

Ngoài ra, BRICS mở rộng để bao gồm các quốc gia từ Trung Đông và châu Phi sẽ tập hợp các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế đa dạng. Nó có thể mang lại cơ hội chia sẻ kiến thức và tài nguyên cũng như hợp tác trong các dự án phát triển nhằm giải quyết các thách thức chung như nghèo đói, thiếu hụt cơ sở hạ tầng và bất bình đẳng kinh tế.

Cơ hội cho các tiến bộ công nghệ cũng được hiện hữu. Khi liên minh mở rộng, có thể sẽ có nhiều cơ hội chuyển giao công nghệ, cũng như hợp tác nghiên cứu và đổi mới. Điều này có thể giúp đẩy nhanh tiến bộ công nghệ ở các nước thành viên, từ đó có khả năng nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của họ.

Bên cạnh đó, việc chiêu mộ thêm các quốc gia gia nhập khối có thể dẫn đến những thay đổi trong mô hình thương mại và chuỗi cung ứng, khi các nước trong BRICS đa dạng hóa đối tác thương mại của họ. Thực tế này có thể tác động đến các ngành công nghiệp ở nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm cả Mỹ, bằng cách thay đổi nhu cầu đối với một số hàng hóa và dịch vụ nhất định.

Nói chung, việc BRICS mời sáu quốc gia mới gia nhập khối này báo hiệu bước đi táo bạo hướng tới hợp tác kinh tế và ảnh hưởng lớn hơn đối với các quốc gia này. Trong khi tác động chính xác đến nền kinh tế toàn cầu vẫn còn chưa rõ ràng, sự phát triển này nhấn mạnh đến xu hướng thay đổi đang diễn ra trong động lực sức mạnh kinh tế toàn cầu và những thách thức tiềm tàng đặt ra đối với các hệ thống tài chính lâu đời và các loại tiền tệ thống trị như USD. Khi BRICS tiếp tục phát triển và có khả năng giới thiệu các cơ chế tài chính mới, bối cảnh kinh tế toàn cầu có thể trải qua những thay đổi mang tính biến đổi, tác động khắp các lĩnh vực và châu lục.

Việc Ảrập Xêút, UAE, Ai Cập, Argentina, Iran và Ethiopia gia nhập BRICS không chỉ củng cố khả năng kinh tế của liên minh mà còn tạo tiền đề cho một nền kinh tế thế giới đa cực hơn. Việc đưa các nước xuất khẩu dầu lớn vào số các thành viên mới làm nổi bật tiềm năng thay đổi động lực năng lượng và những thay đổi trong mô hình thương mại. Ngoài ra, việc nhấn mạnh vào việc sử dụng đồng nội tệ và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD cho thấy quyết tâm ngày càng tăng giữa các quốc gia này nhằm khẳng định quyền kiểm soát lớn hơn đối với vận mệnh kinh tế của họ.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/brics-mo-rong-kha-nang-dinh-hinh-lai-dong-luc-kinh-te-toan-cau-i341189/