BRICS mở rộng mang lại cơ hội và thách thức cho Nga
Việc mở rộng thành viên BRICS có thể giúp Nga tăng cường khả năng tiếp cận với một số đối tác chiến lược, nhưng cũng có một số khó khăn nhất định.
Theo nhận định của Tiến sĩ Ivan U. Klyszcz, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Quốc phòng và An ninh Quốc tế (ICDS) ở Tallinn, Estonia, chuyên về chính trị đối nội và chính sách đối ngoại của Nga, mặc dù vẫn còn một số khác biệt nhưng tại hội nghị thượng đỉnh mới nhất của BRICS ở Nam Phi mới đây, nhóm này đã đồng ý mở rộng với việc mời thêm 6 nước là Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) trở thành thành viên của nhóm.
Hiện tại BRICS chiếm khoảng một phần tư GDP thế giới và hơn một phần ba dân số toàn cầu. Những con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa sau khi kết nạp thêm 6 thành viên mới.
BRICS được coi là rất quan trọng đối với Nga như một khuôn khổ quan trọng cho tầm nhìn của nước này về một thế giới đa cực. Tất cả 6 quốc gia mới trên đều có thể được coi là đối tác chiến lược của Nga. Hầu hết các nước này đều có chung quan điểm về đa cực, coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là một sự kiện mang tính chuyển đổi trong nền chính trị thế giới.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Klyszcz cho rằng chính sách đối ngoại của Nga nhìn chung không thiên về chủ nghĩa đa phương. Moskva có xu hướng ưu tiên các cam kết song phương nơi họ có thể tận dụng lợi thế của riêng mình. Theo nghĩa này, Nga chủ yếu coi BRICS là một cách để tăng cường khả năng tiếp cận các đối tác chiến lược. Do đó, việc mở rộng khối có thể mang lại những cơ hội mới cho hợp tác song phương.
Những lợi ích mà các thành viên mới có thể mang lại cho Nga rất đa dạng. Iran đã mối quan hệ chặt chẽ với Nga. UAE cung cấp một môi trường nơi được cho là giúp Nga lách các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến xung đột ở Ukraine. Ai Cập là đối tác của Nga trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác về năng lượng hạt nhân, nhập khẩu ngũ cốc của Moskva và là một điểm đến du lịch nổi tiếng. Ethiopia đi đầu trong các nỗ lực ngoại giao châu Phi của Nga.
Trong khi đó, mối quan hệ với Argentina và Saudi Arabia của Nga dường như phức tạp hơn. Argentina đang chuẩn bị có sự thay đổi chính phủ, nơi một ứng cử viên cực hữu mới, thân Mỹ có nhiều khả năng giành chiến thắng nhất. Do đó, nỗ lực gia nhập BRICS của Buenos Aires có thể bị rút lại hoặc bị suy yếu. Với Saudi Arabia, trong khi nước này hợp tác với Nga, đặc biệt là liên quan đến thị trường dầu mỏ và chính trị Trung Đông, thì Riyadh cũng có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ về an ninh. Việc tổ chức hội nghị hòa bình về Ukraine với sự tham dự của Trung Quốc cùng các quốc gia phương Tây cho thấy điều này.
Ngoài ra, 6 quốc gia mới được mời tham gia BRICS còn có quan điểm rất khác nhau về Nga và cuộc xung đột ở Ukraine. Ngay cả các thành viên của BRICS cũng có quan điểm khác nhau. Ví dụ, Chính phủ Nam Phi coi BRICS là tổ chức kế thừa của phong trào không liên kết, một tầm nhìn khác với quan điểm đối trọng với G7 của Nga.
Những quan điểm khác nhau này được hình thành bởi những lợi ích riêng biệt từ các quốc gia “Nam bán cầu”, khi họ bị ảnh hưởng bởi sự hỗn loạn do biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 gây ra và những tác động dây chuyền từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong đó có việc giá ngũ cốc tăng cao.
Bên cạnh đó, bản thân Nga cũng đang gặp khó khăn trong khối. Vì cuộc xung đột ở Ukraine, các mục trong chương trình nghị sự của Nga ít được chú ý hơn. Một trong những mối quan tâm hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh là việc “phi USD hóa”.
Điều này được coi là sự thay đổi mang tính thời đại nhưng Moskva cũng có mục tiêu thực tế hơn: Giao dịch bằng đồng nội tệ sẽ giúp tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các thành viên BRICS mua năng lượng của Nga. Tuy nhiên, triển vọng phi USD hóa vẫn mang tính dài hạn vì đồng USD vẫn ổn định hơn đáng kể so với đồng rúp và đồng nhân dân tệ.
Tóm lại, Tiến sĩ Klyszcz kết luận, việc mở rộng thành viên BRICS có thể giúp tăng cường khả năng tiếp cận của Nga với một số đối tác chiến lược. Đánh giá tất cả những yếu tố trên, việc mở rộng BRICS như được công bố là một điều tích cực thực sự đối với Nga, đặc biệt là khi xét trong ngắn hạn.