BRICS tại Brazil: Định hình trật tự mới trong thế giới đa cực

Diễn ra từ ngày 6-7/7 tại Rio de Janeiro (Brazil), Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 đã thu hút sự chú ý toàn cầu trong bối cảnh thế giới đang chuyển động mạnh mẽ theo hướng đa cực, với nhiều bất định và rạn nứt trong cấu trúc quyền lực truyền thống.

Sự kiện này không chỉ đánh dấu lần đầu tiên BRICS hội tụ đầy đủ 11 thành viên mới kể từ khi mở rộng mà còn hé lộ một loạt chuyển động chiến lược nhằm định vị lại vai trò của khối trong hệ thống quốc tế.

Đại diện các nước BRICS chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 6/7/2025.

Đại diện các nước BRICS chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 6/7/2025.

Dưới sự chủ trì của Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, hội nghị tập trung vào chủ đề “Phát triển bền vững với chủ quyền, hòa bình và hợp tác đa phương”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy công bằng toàn cầu trong phát triển, thương mại và quản trị quốc tế.

Điểm nổi bật là việc BRICS thông qua một tuyên bố chung dài 126 điểm – một trong những văn kiện toàn diện nhất trong lịch sử khối – phản ánh rõ nét tư duy chiến lược và kỳ vọng của các nước thành viên trong việc kiến tạo một trật tự thế giới công bằng, bao trùm và cân bằng hơn.

Tuy nhiên, sự kiện vắng mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi nhà lãnh đạo Trung Quốc cử Thủ tướng Lý Cường dẫn đầu phái đoàn do bận lịch trình trong nước, thì Tổng thống Nga tham gia trực tuyến do các hạn chế pháp lý liên quan đến lệnh bắt của Tòa án Hình sự Quốc tế.

Dù vậy, cả Bắc Kinh lẫn Moskva đều khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tiến trình đa phương của BRICS, coi đây là kênh đối thoại chiến lược quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gia tăng.

Một trong những nội dung được nhấn mạnh tại hội nghị là việc đẩy mạnh tài chính khí hậu và phát triển bền vững như một hướng đi ưu tiên của BRICS trong giai đoạn mới. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng, thế giới đang tiến gần tới các ngưỡng không thể đảo ngược về biến đổi khí hậu, trong khi các cơ chế tài chính quốc tế hiện nay vẫn chưa đủ linh hoạt và công bằng để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển chuyển đổi xanh.

Trong bối cảnh đó, BRICS cam kết thiết lập các quỹ đầu tư chung và khuyến khích mô hình tài chính khí hậu tự chủ, dựa trên cơ chế hợp tác Nam – Nam, nhằm hỗ trợ các dự án về năng lượng tái tạo, thích ứng biến đổi khí hậu và công nghệ phát thải thấp.

Tổng thống Lula phát biểu mạnh mẽ về sự bất bình đẳng trong tiếp cận tài chính xanh, cho rằng hiện tại vẫn còn quá dễ dàng để các cường quốc đầu tư vào công nghiệp vũ khí và chiến tranh hơn là cho hòa bình và phát triển. Ông nhấn mạnh cần “phi quân sự hóa” tư duy phát triển toàn cầu, thay vào đó là đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, y tế và khí hậu – những yếu tố nền tảng tạo ra an ninh thực chất.

Quan điểm này nhận được sự đồng thuận cao trong khối BRICS, đặc biệt khi các quốc gia thành viên đều chia sẻ thách thức chung về kinh tế, hạ tầng và thiên tai. Sự đồng thuận đó được cụ thể hóa qua việc thúc đẩy cải cách cơ chế tài chính quốc tế, trong đó BRICS yêu cầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới xem xét lại hệ thống phân bổ hạn mức tín dụng, tăng tiếng nói cho các nước đang phát triển, đồng thời bảo đảm các khoản vay phục vụ đúng cho mục tiêu phát triển bền vững thay vì áp đặt các điều kiện chính trị khắt khe.

Ngoài vấn đề khí hậu, hội nghị cũng là diễn đàn thể hiện quan điểm chính trị rõ ràng của BRICS về các điểm nóng quốc tế, đặc biệt là Trung Đông. Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo lên án các hành động quân sự nhắm vào Iran và vùng lãnh thổ Palestine, kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo vệ dân thường và thúc đẩy một lệnh ngừng bắn lâu dài.

BRICS cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc Palestine trở thành thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc – một quan điểm vốn không nhận được sự đồng thuận từ Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây. Tính nhất quán trong lập trường của BRICS về các xung đột khu vực phản ánh rõ mục tiêu chiến lược của khối: trở thành tiếng nói đại diện cho các quốc gia bị thiệt thòi trong cấu trúc quyền lực toàn cầu, đồng thời thúc đẩy chủ nghĩa đa phương thực chất, nơi các quốc gia lớn không thể tự mình quyết định vận mệnh của phần còn lại của thế giới.

Dưới góc độ kinh tế, một nội dung quan trọng khác của hội nghị lần này là việc củng cố và mở rộng vai trò của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), tổ chức tài chính được BRICS thành lập cách đây đúng 10 năm để cung cấp các khoản vay cho các dự án phát triển hạ tầng và năng lượng sạch. NDB hiện đã chào đón thêm các thành viên mới như Ai Cập, Bangladesh và UAE, đồng thời đặt mục tiêu mở rộng gói tín dụng lên đến 100 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, chủ yếu tập trung vào chuyển đổi năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng khả năng thực thi của NDB vẫn còn hạn chế so với các thể chế tài chính toàn cầu như IMF hay Ngân hàng Thế giới. Việc huy động vốn vẫn phụ thuộc nhiều vào các thị trường tài chính phương Tây, trong khi cơ chế phê duyệt dự án còn chậm và thiếu minh bạch.

Một lĩnh vực khác cũng thu hút sự quan tâm tại hội nghị là nỗ lực phi đô la hóa (de-dollarisation), thông qua việc đẩy mạnh các cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ và tăng cường vai trò của các hệ thống tài chính khu vực.

Trong bối cảnh đồng USD ngày càng bị chính trị hóa, đặc biệt dưới các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ, BRICS đang nỗ lực xây dựng một hệ thống thanh toán độc lập, đa dạng hóa rủi ro tiền tệ và bảo vệ chủ quyền tài chính của các nền kinh tế đang phát triển.

Tuy nhiên, cũng như với NDB, tham vọng này đòi hỏi một lộ trình dài hơi, gắn với năng lực công nghệ, sự ổn định tài chính và mức độ phối hợp chính sách cao giữa các nước thành viên.

Không thể không nhắc đến thực tế rằng việc mở rộng khối lên 11 thành viên đang làm gia tăng áp lực đối với tính thống nhất và hiệu quả của BRICS. Từ một nhóm nhỏ gồm 5 quốc gia với một số điểm đồng chiến lược, BRICS giờ đây bao gồm các nền kinh tế có quy mô, mô hình và lợi ích rất khác nhau, từ cường quốc như Trung Quốc đến các nước có nền tài chính còn mong manh như Ethiopia hay Iran.

Duy trì sự đồng thuận trong hoạch định chính sách chung, đặc biệt trong các vấn đề nhạy cảm như cải cách Hội đồng Bảo an hay vị thế toàn cầu của đồng USD, sẽ là thách thức lớn trong những năm tới. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng BRICS đang từng bước vươn lên trở thành một cực lực lượng đáng kể trong hệ thống toàn cầu.

Việc tập hợp được tiếng nói của các quốc gia đại diện cho hơn 40% dân số thế giới và gần 30% GDP toàn cầu mang lại cho khối này một vị thế đàm phán không thể xem nhẹ. Với việc khéo léo kết hợp giữa lợi ích kinh tế, tiếng nói chính trị và sức mạnh biểu tượng của khối Global South, BRICS đang định hình một con đường riêng trong kỷ nguyên hậu đơn cực.

Khổng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/brics-tai-brazil-dinh-hinh-trat-tu-moi-trong-the-gioi-da-cuc-i774141/