BRICS thúc đẩy cải cách quản trị toàn cầu
Với chủ đề 'Tăng cường hợp tác phương Nam vì quản trị bao trùm và bền vững hơn', Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) lần thứ 17 và Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng đang diễn ra tại Rio de Janeiro (Brazil).

Các nhà lãnh đạo BRICS và đối tác tại Hội nghị thượng đỉnh Brazil. Ảnh: Sputnik Globe
BRICS thúc đẩy cải cách quản trị toàn câùCác nhà lãnh đạo, đại diện cấp cao 10 nước thành viên BRICS cùng 10 nước đối tác và các tổ chức quốc tế thảo luận về cải cách quản trị toàn cầu và thúc đẩy hợp tác Nam-Nam.
Thúc đẩy cải cách quản trị
Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2025 diễn ra trong bối cảnh địa-chính trị thế giới có những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và mang tính bước ngoặt. Xu thế lớn vẫn là hòa bình, hợp tác và phát triển, song tính bất ổn và bất định của tình hình quốc tế gia tăng. Cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt, kéo theo xu thế phân mảng và chính trị hóa hợp tác về kinh tế, thương mại và công nghệ, khiến thế giới đối mặt thách thức lớn trước nguy cơ xung đột thuế quan, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, mất an ninh lương thực và năng lượng...
Hợp tác đa phương hiện đứng trước thách thức chưa từng có, xuất phát từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương, dân tộc cực đoan, bảo hộ, xung đột, tranh chấp leo thang và xu hướng chạy đua vũ trang gia tăng. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, thách thức an ninh phi truyền thống tác động sâu sắc tới phát triển của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.
Trong bối cảnh đó, BRICS nổi lên là mô hình hợp tác mới, mang tính chiến lược, đóng vai trò ngày càng nổi bật trong việc cải cách quản trị toàn cầu, định hình lại trật tự quốc tế. Giới phân tích chính trị thế giới chia sẻ nhận định rằng, BRICS được kỳ vọng mang lại những “giải pháp sáng tạo” và cần thiết để giải quyết những thách thức lớn mà thế giới đang đối mặt. Hợp tác dựa trên các trụ cột chính gồm chính trị-an ninh, tài chính-kinh tế và văn hóa-xã hội, BRICS theo đuổi mục tiêu then chốt là cải cách hệ thống quản trị toàn cầu.
Đặc biệt, BRICS ráo riết thúc đẩy cải tổ các thể chế tài chính, tiền tệ quốc tế, khuyến khích mở rộng vai trò của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Năm 2014, BRICS đã thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), đánh dấu mốc quan trọng trong hợp tác của các nền kinh tế mới nổi, thể hiện khát vọng chung về khắc phục tình trạng thiếu hụt tài chính nghiêm trọng cho phát triển bền vững.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp Hội đồng Thống đốc NDB ngày 4/7, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 17, Tổng thống Brazil Lula da Silva nhấn mạnh, NDB có vai trò là một thể chế then chốt nhằm cung cấp giải pháp thay thế cho hệ thống tài chính quốc tế truyền thống. Tại hội nghị ngày 5/7, các Bộ trưởng Tài chính BRICS cũng đã nhất trí đề xuất chung về cải tổ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong đó có việc phân bổ lại quyền biểu quyết và chấm dứt sự lãnh đạo truyền thống của châu Âu trong định chế tài chính toàn cầu này.
Tập trung sáu trụ cột hợp tác
Hội nghị BRICS lần thứ 17 được kỳ vọng là cơ hội để BRICS thể hiện vai trò chủ động, dẫn dắt và thúc đẩy xây dựng cấu trúc toàn cầu công bằng, bao trùm và bền vững hơn. Hội nghị tập trung thúc đẩy sáu trọng tâm chiến lược trong hợp tác của Nhóm, gồm: Y tế toàn cầu; thương mại, đầu tư và tài chính; biến đổi khí hậu; quản trị trí tuệ nhân tạo (AI); cấu trúc an ninh và hòa bình; và phát triển thể chế BRICS.
Trong đó, hợp tác về y tế toàn cầu bao gồm thúc đẩy tiếp cận công bằng về thuốc, vaccine. Trong thúc đẩy thương mại, đầu tư và tài chính, nổi bật là mục thiêu xây dựng hệ thống thanh toán xuyên quốc gia, mở rộng giao dịch bằng đồng nội tệ và tăng cường tự chủ tài chính cho các nước thành viên. Về hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, BRICS thúc đẩy sáng kiến thành lập “Quỹ khí hậu BRICS”, cũng như hợp tác về môi trường, chống sa mạc hóa, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý nước... BRICS cũng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như AI, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là mục tiêu thúc đẩy hợp tác đa phương về hòa bình và an ninh, giải quyết thách thức toàn cầu.
Trong lần thứ tư đăng cai kỳ họp cấp cao của Nhóm, Brazil có cơ hội khẳng định vai trò trong việc định hình tương lai và hợp tác của BRICS. Với vai trò Chủ tịch BRICS năm 2025, từ đầu năm đến nay, Brazil đã tổ chức hàng trăm sự kiện trong khuôn khổ BRICS, qua đó không chỉ củng cố vị thế dẫn dắt của một cường quốc khu vực, mà còn hướng tới thúc đẩy hợp tác giữa các nước phương Nam, nâng cao vai trò của các nước đang phát triển trong trật tự quốc tế đa cực và hệ thống quản trị toàn cầu.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/brics-thuc-day-cai-cach-quan-tri-toan-cau-post892202.html