BS Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo cách xử trí khi nghi nhiễm độc thủy ngân
'Những người có biểu hiện bất thường... thì nên đến các cơ sở y tế gần nhà để được khám, đánh giá và làm các xét nghiệm cần thiết', Ths.BS. Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh. 'Không có cách nào thải độc thủy ngân được tại nhà. Việc này phải được các cơ sở y tế thực hiện với các loại thuốc đặc hiệu'.
Liên quan đến nguy cơ nhiễm độc thủy ngân sau sự cố cháy tại Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông, Ths.BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trấn an, người dân không nên quá lo lắng.
Theo chuyên gia chống độc, yếu tố đáng quan ngại trong vụ cháy đó là môi trường nóng, nhiệt độ cao thủy ngân sẽ bốc hơi. Nguy cơ nhiễm độc thủy ngân cao nhất là lúc cháy to, sau khi dập rồi thì nguy cơ ít đi đáng kể. Những người có nguy cơ cao hơn cả là người trực tiếp tham gia cứu hỏa, hít trực tiếp khói nóng như lính cứu hỏa, những cán bộ của Nhà máy Bóng đèn, phích nước Rạng Đông có mặt tại hiện trường vụ cháy, người dân tham gia chữa cháy, người dân ở sát nhà máy bị cháy, hít phải hơi nóng, khói trực tiếp trong thời gian kéo dài. Thời gian tiếp xúc cũng rất quan trọng, càng lâu thì càng tiếp xúc nhiều, yếu tố khác có ảnh hướng như ngược hay xuôi chiều gió...
Nạn nhân hít thủy ngân cần đưa ra môi trường thoáng khí. Nếu phát hiện bụi thủy ngân dính vào mắt thì phải rửa mắt bằng nhiều nước sạch, dính lên da cần cởi bỏ quần áo dính, dùng nước để rửa sau đó đưa đến cơ sở y tế để khám.
"Tuổi càng trẻ, hoạt động mạnh... thì hít thở nhiều hơn. Những người có biểu hiện bất thường, khó chịu, khó thở, ho nhiều, tức ngực, nôn mửa, đau bụng, choáng váng, tê chân tay, run, yếu cơ, nhìn mờ, lú lẫn, tiểu tiện nước tiểu ít hơn so với ngày thường... thì nên đến các cơ sở y tế gần nhà để được khám, đánh giá và làm các xét nghiệm cần thiết", Ths.BS. Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo và cho biết thêm. "Với các trường hợp nguy cơ cao hoặc có các biểu hiện nghi ngờ, các bác sỹ sẽ chỉ định các thăm dò và xét nghiệm, trong đó thường có chụp xquang phổi, công thức máu, chức năng thận, men gan, nồng độ thủy ngân máu, thủy ngân trong nước tiểu thu gom trong 24 giờ".
Xét nghiệm thủy ngân có thể được làm ở một số phòng xét nghiệm, như Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm và Khoa học Công nghệ Việt Nam. Các bác sỹ tại các cơ sở đó khi cần thiết sẽ trao đổi hoặc hội chẩn với Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai để làm thêm các kiểm tra, chẩn đoán và thậm chí điều trị cho bệnh nhân.
"Không có cách nào thải độc thủy ngân được tại nhà. Việc này phải được các cơ sở y tế thực hiện với các loại thuốc đặc hiệu", Ths.BS. Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh. "Việc điều trị, thứ nhất là điều trị triệu chứng tức là biểu hiện ngộ độc ở đâu sẽ điều trị tại đó trước. Bệnh nhân nếu có triệu chứng suy hô hấp thì phải điều trị hô hấp trước, hay đau đầu, khó thở... Thứ hai là điều trị bằng thuốc giải độc, các bác sỹ sẽ dùng thuốc giải độc để “gắp” thủy ngân ra khỏi cơ thể".
Hậu quả của nhiễm độc thủy ngân có 2 giai đoạn: Ngộ độc cấp nếu bệnh nhân không được điều trị sẽ sang giai đoạn bán cấp và chuyển sang mãn tính. Để lâu không điều trị ảnh hưởng tới thần kinh, hô hấp, nội tạng...
Vị phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, nhận định, các cơ quan chức năng có lẽ đang phải chạy đua với thời gian để tẩy độc loại bỏ thủy ngân khỏi hiện trường để tránh nguy cơ thủy ngân bốc hơi tiếp gây nhiễm độc thêm trong thời tiết nắng nóng.
Tuy nhiên, ông khuyên người dân không nên quá lo ngại nhưng cũng không chủ quan, vấn đề là nếu người dân thuộc các đối tượng nguy cơ cao như nêu trên thì nên đi khám. Một trong công tác quan trọng hiện nay là tẩy độc hiện trường. "Bà con sống gần đó lo lắng là đúng nhưng cần theo dõi sát khuyến cáo của cơ quan chức năng, chính quyền và cập nhật tình hình, ăn từ thức ăn mua nơi khác, nước cũng dùng nước máy do công ty nước sạch cấp", ông Nguyên nói.
Đã có hơn 100 người được Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai làm xét nghiệm thủy ngân máu và một số người đã được lấy nước tiểu để xét nghiệm thủy ngân, kèm theo một số xét nghiệm khác, như: công thức máu, urea, creatinin, men gan, bilirubin, điện tim, một số được chụp X-quang phổi và methemoglobin (metHb), carboxyhemoglobin (HbCO).
Việc xét nghiệm thủy ngân trong máu đã được Trung tâm Chống độc gửi mẫu đến Viện Hóa học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Đến nay có 82 trường hợp cho kết quả có nồng độ thủy ngân trong máu thấp dưới 10 mcg/L (mức tối đa cho phép), 18 người còn lại chưa có kết quả.