BS Trương Hữu Khanh: 'Bảo vệ bằng được người cao tuổi trước Covid-19'

Người cao tuổi và có bệnh nền là trường hợp nguy cơ diễn biến nặng và tử vong cao nhất trong nhóm SARS-CoV-2.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Y tế TP.HCM, số ca nhập viện và tử vong trong vòng 2 tuần gần đây có chiều hướng tăng nhẹ. Trong đó, các bệnh nhân tử vong tập trung chủ yếu ở nhóm người lớn tuổi, có bệnh nền, không tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều.

Các bác sĩ cho biết từ khi đạt được độ phủ vaccine cao, tình hình nhập viện và điều trị Covid-19 tại TP.HCM đã có những thay đổi đáng kể. Do đó, trong giai đoạn này, một bệnh nhân Covid-19 tử vong vì chưa tiêm vaccine là điều rất đáng tiếc.

Vẫn còn người cao tuổi ở TP.HCM chưa tiêm vaccine

BSCKII Nguyễn Duy Cường, Trưởng khoa Hồi sức tích cực tại tầng 3, Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng quận Tân Bình (TP.HCM), cho biết sau đợt dịch Covid-19 căng thẳng, đến đầu tháng 10, số bệnh nhân nặng nhập viện tại đơn vị này giảm rõ rệt, từ 150 ca/ngày xuống còn 70 ca/ngày.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tỷ lệ này lại tăng khoảng 50%. Hiện khu ICU của bệnh viện có 120-130 bệnh nhân nặng điều trị.

 BSCKII Nguyễn Duy Cường, Trưởng khoa Hồi sức tích cực tại tầng 3, Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng quận Tân Bình (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu.

BSCKII Nguyễn Duy Cường, Trưởng khoa Hồi sức tích cực tại tầng 3, Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng quận Tân Bình (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu.

Đa số họ là bệnh nhân rất lớn tuổi, có bệnh nền như huyết áp, phổi tắc nghẽn mạn tính, tiểu đường, suy tim, cần can thiệp đủ biện pháp hồi sức tích cực cao nhất. Ngoài ra, những F0 cao tuổi, đa bệnh lý cũng được chuyển đến khu ICU để thở oxy, theo dõi sát, phòng nguy cơ chuyển biến nặng.

"Theo thông tin từ người nhà cung cấp, lý do là bệnh nhân quá lớn tuổi, không ra đường, không có khả năng lây bệnh nên không cần tiêm vaccine. Một số khác vì sợ biến chứng sau khi tiêm vaccine ở người cao tuổi nên cũng không đồng ý tiêm", bác sĩ Cường kể.

Theo bác sĩ Cường, trong số 120 F0 điều trị tại khu ICU, có 23% người bệnh chưa tiêm vaccine. Tỷ lệ bệnh nhân trên 65 tuổi là 55%. Thống kê ở nhóm bệnh nhân tử vong, bác sĩ Cường cho biết 90% ca tử vong tại đây là cụ già trên 85 tuổi, đa bệnh lý nền và trong 70% trong số này chưa tiêm vaccine phòng Covid-19.

 Bệnh nhân Covid-19 tình trạng nặng đang được chăm sóc tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng quận Tân Bình (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu.

Bệnh nhân Covid-19 tình trạng nặng đang được chăm sóc tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng quận Tân Bình (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu.

Tại tầng 3 của Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình, các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất duy trì 3 ca 4 kíp trực. Tuy nhiên, nhân lực chính chỉ 4 bác sĩ, 7 điều dưỡng và một số tình nguyện viên để chăm sóc, điều trị cho 120 bệnh nhân nặng.

"Thực tế, điều này là quá tải bởi việc chăm sóc một bệnh nhân nặng, cao tuổi cần rất nhiều nhân lực. Nguyện vọng của chúng tôi là có thêm lực lượng nhân viên y tế, tình nguyện viện để việc chăm sóc người bệnh tốt hơn, đặc biệt là người lớn tuổi mắc Covid-19", bác sĩ Cường chia sẻ.

Công thức: Cao tuổi có bệnh bệnh nền và mắc Covd-19

"Công thức này sẽ là ám ảnh đối với bác sĩ điều trị Covid-19. Người cao tuổi, nhiều bệnh nền cộng với Covid-19 thì khả năng tử vong rất cao", bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM, chia sẻ với Zing.

Chuyên gia này phân tích là dù đã tiêm vaccine, người lớn tuổi vẫn rất yếu khi đồng mắc SARS-CoV-2 nên diễn biến suy đa cơ quan rất nhanh.

Trong giai đoạn này, bệnh nhân Covid-19 tử vong vì chưa tiêm vaccine là điều rất đáng tiếc

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM

Nguyên nhân là miễn dịch vốn phụ thuộc vào độ tuổi. Người càng cao tuổi thì kháng thể của họ càng kém hơn. Ngoài ra, khả năng đào thải virus trong đường hô hấp của người lớn tuổi cũng rất kém, với người có bệnh nền thì càng kém hơn.

"Đó là lý do mà chúng ta cần bảo vệ bằng được người cao tuổi trước Covid-19 và tiêm mũi 3 tăng cường cho họ. Trong giai đoạn này, bệnh nhân Covid-19 tử vong vì chưa tiêm vaccine là điều rất đáng tiếc", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Thời điểm cân nhắc triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em, một trong những băn khoăn lớn nhất của bác sĩ Khanh là nguy cao sẽ càng tăng cao hơn đối với người cao tuổi.

Ông lý giải: "Trẻ em vốn bệnh rất nhẹ khi mắc Covid-19. Khi đã tiêm vaccine, triệu chứng khi mắc bệnh càng nhẹ hơn. Điều này khiến nguy cơ lây nhiễm càng xảy ra âm thầm nếu trẻ mang mầm bệnh về nhà, lây lan cho người lớn tuổi, người có nguy cơ cao, bệnh nền trong gia đình".

 Một bệnh nhân lớn tuổi được chuyển đến bệnh viện cấp cứu do suy hô hấp sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: Duy Hiệu.

Một bệnh nhân lớn tuổi được chuyển đến bệnh viện cấp cứu do suy hô hấp sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: Duy Hiệu.

Khuyến cáo này lần nữa được TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhắc lại tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ngày 11/11.

"Chúng tôi kêu gọi các gia đình cần bảo vệ người có nguy cơ, tránh để họ mắc Covid-19. Thanh niên, người trẻ tuổi cần thận trọng, đặc biệt là họ có thể mắc Covid-19 và mang mầm bệnh về cho người thân, nhất là ông bà lớn tuổi, nằm một chỗ, chưa tiêm vaccine", TS Châu nói.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM kêu gọi các quận, huyện tiếp tục tìm và phát hiện tất cả người lớn tuổi chưa tiêm vaccine và nhanh chóng tiêm cho họ.

Địa phương này chưa tiêm đủ vaccine cho người có nguy cơ cao thì đừng vội vàng tiêm cho trẻ em", bác sĩ Trương Hữu Khanh nhắc lại thông điệp.

Ưu tiên mũi 3 cho người cao tuổi và tuyến đầu

Đó là khuyến cáo của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM. Theo ông, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan khác nhau, TP.HCM vẫn còn người cao tuổi, có bệnh nền chưa tiếp cận vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng vấn đề cần quan tâm lớn nhất là nguy cơ diễn biến nặng, tử vong ở nhóm lớn tuổi và có bệnh nền. Do đó, tiêm đủ liều vaccine và tăng cường mũi 3 cho họ là giải pháp phòng bệnh Covid-19 hữu hiệu.

Chuyên gia này cũng cho rằng với người cao tuổi, tiêm trộn vaccine vẫn chấp nhận được nếu địa phương đã tiêm cho họ vaccine Vero Cell. Một số quốc gia vẫn tiêm mũi 1 vaccine Vero Cell với mũi 2 là vaccine khác như Pfizer, Moderna.

"Nếu là người nguy cơ hay người nhà có nguy cơ nên thận trọng khi hòa nhập cộng đồng, đừng để mang mầm bệnh về lây cho người nhà. Tiếp cận y tế thật sớm nếu F0 là người có nguy cơ cao dù đã tiêm đủ liều vaccine, đặc biệt là xin uống Molnupiravir", bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bs-truong-huu-khanh-bao-ve-bang-duoc-nguoi-cao-tuoi-truoc-covid-19-post1280073.html