BSR chuyển sàn và 'cửa sáng' vào rổ chỉ số VN30
Việc chuyển sàn sẽ giúp BSR nâng cao tính minh bạch, nâng cao hình ảnh thương hiệu, gia tăng khả năng tiếp cận vốn và thu hút thêm các nhà đầu tư chiến lược.
Ngày 12/12 vừa qua, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) công bố chấp thuận đăng ký niêm yết cho hơn 3,1 tỷ cổ phiếu của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) được niêm yết trên HoSE.
Trong báo cáo phân tích phát hành mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, việc chuyển sàn giúp BSR nâng cao tính minh bạch, nâng cao hình ảnh thương hiệu, gia tăng khả năng tiếp cận vốn và thu hút thêm các nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời mở ra triển vọng được đưa vào rổ chỉ số VN30, nếu đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ free float (khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng), thanh khoản, khối lượng giao dịch, giá trị giao dịch và vốn hóa trung bình 12 tháng gần nhất.
Trong báo cáo phát hành hồi đầu tháng 10/2024, Chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng, trong trường hợp BSR chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE thành công, cổ phiếu này sẽ có khả năng vào bộ chỉ số VN30. Theo quy định hiện tại của HoSE, đối với một cổ phiếu mới khi niêm yết trên sàn sẽ cần thời gian tối thiểu 6 tháng để đủ điều kiện xét duyệt các tiêu chí của bộ chỉ số.
BSR hiện quản lý và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất – công trình có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Công ty IPO thành công vào tháng 1/2018, sau đó đưa cổ phiếu lên giao dịch tại sàn UPCoM vào tháng 3/2018.
BSR có vốn hóa lớn và thanh khoản cao, tuy nhiên từ năm 2020 đến 2023, dự định niêm yết cổ phiếu trên HoSE của doanh nghiệp chưa thể thành sự thật do chỉ đáp ứng 8/9 tiêu chí. Khó khăn lớn nhất là các khoản nợ quá hạn liên quan đến công ty con CTCP Nhiên liệu Sinh học Miền Trung (BSR-BF). Đến ngày 15/8/2024, báo cáo tài chính bán niên của BSR xác nhận tòa án đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản BSR-BF, chấm dứt quyền kiểm soát của công ty tại đơn vị này. Điều này giúp BSR vượt qua tiêu chí cuối cùng và sẵn sàng chuyển sàn.
Kết thúc phiên giao dịch 13/12, cổ phiếu BSR chốt ở mức giá 22.500 đồng/cp, nâng vốn hóa thị trường lên gần 70.000 tỷ đồng - vượt qua nhiều mã trong nhóm VN30 hiện tại như PLX, SSI, POW, VJC, VRE...
Về triển vọng kinh doanh, VCBS cho biết, thị trường dầu mỏ thế giới suy yếu là thách thức đối với các nhà máy lọc dầu. Tuy nhiên BSR vẫn hoạt động có lãi trong bối cảnh khó khăn.
Theo đơn vị phân tích, chênh lệch giữa giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm (crack spread) là yếu tố dẫn đến lợi nhuận của BSR. Với kỳ vọng thời điểm cuối năm thường là giai đoạn cao điểm của ngành hàng không và mùa lễ hội lớn trong năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đối với xăng máy bay (Jet A1) và sản phẩm dầu Diesel (DO), VCBS dự báo lợi nhuận gộp trong quý 4 của công ty sẽ cải thiện, hoạt động kinh doanh cả năm có lợi nhuận.
BSR đã tăng công suất vận hành, xuất bán nhanh sản phẩm và duy trì tồn kho ở mức hợp lý để giảm thiểu rủi ro, giảm giá hàng tồn kho, đẩy mạnh công tác bán hàng và áp dụng chính sách bán hàng linh hoạt để hạn chế ảnh hưởng trong trường hợp giá dầu điều chỉnh giảm.
Trong dài hạn, VCBS cho rằng, dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ là động lực tăng trưởng cho BSR. Ngày 28/3/2024, doanh nghiệp đã phê duyệt điều chỉnh dự án này và bắt đầu được triển khai vào quý 2/2024. Cao điểm giải ngân xây dựng vào năm 2025 với tiến độ thực hiện dự án dự kiến là 37 tháng kể từ ngày ký hợp đồng EPC và đưa vào vận hành từ quý 3/2028. Sau khi hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ nâng công suất chế biến dầu thô thêm 15% so với hiện tại.
Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bsr-chuyen-san-va-cua-sang-vao-ro-chi-so-vn30-36635.html