Bù đắp nguồn nhân lực thiếu hụt sau đại dịch

Xây dựng môi trường làm việc hòa nhập, văn hóa đa dạng và bao trùm có sự gắn kết chặt chẽ với bình đẳng giới; chính sách quản lý lao động phù hợp, đảm bảo vấn đề tiền lương, phúc lợi và an sinh xã hội, hoặc luôn lắng nghe và thấu hiểu chính người lao động được xem là 'chìa khóa' để vực dậy và giữ chân nguồn nhân lực, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn…

Đại dịch bộc lộ nhiều vấn đề của nguồn nhân lực.

Những ý kiến gợi mở này đã được các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam cùng thảo luận để tìm ra giải pháp trong việc phục hồi lực lượng lao động và tăng trưởng kinh tế tại Diễn đàn “Vực dậy nguồn lực lao động trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19 - Xây dựng nơi làm việc hòa nhập”. Diễn đàn do Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức.

ĐẠI DỊCH BỘC LỘ BẤT CẬP VỀ NGUỒN NHÂN LỰC

Sự bùng phát dữ dội và kéo dài của đại dịch Covid-19 trong suốt năm 2021 và đầu năm 2022 đã gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề cho lực lượng lao động ở các khu vực kinh tế, như sự sụt giảm trong số lượng lao động, những vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần, cũng như sự gia tăng áp lực trong gia đình và trong công việc của người lao động.

Thực tế này cũng được đại diện dự án Investing in Women (Đầu tư cho sự phát triển của phụ nữ - IW) – một sáng kiến của Chính phủ Australia chia sẻ khi dẫn kết quả từ cuộc khảo sát về tác động của Covid-19 đối với người lao động khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam do IW và VBCWE thực hiện vào tháng 2/2022 cho thấy, người lao động đã và đang trải qua nhiều yếu tố căng thẳng đan xen, liên quan đến sự bấp bênh về tài chính, sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và trách nhiệm chăm sóc.

Những vấn đề này, nếu không được quan tâm giải quyết thỏa đáng bởi doanh nghiệp, có thể dẫn đến sự sụt giảm trong năng suất và khiến người lao động, đặc biệt là nữ giới, phải xem xét giảm thời gian làm việc.

Nhận định thị trường lao động đã chứng kiến những “cú sốc” chưa từng có gây ra bởi đại dịch, song đại diện của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bà Lan Anh, đánh giá, hiện nay với chiến lược thích ứng an toàn và tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên mũi 2 khoảng 99% và mũi 3 khoảng 50%, thị trường lao động quý 1/2022 đã dần phục hồi trở lại.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 1/2022 là 51,2 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng khoảng 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng khoảng 0,2 triệu người, lực lượng lao động nam tăng nhiều hơn so với lực lượng lao động nữ (0,3 triệu lao động của nữ so với gần 0,2 triệu lao động của nam).

XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC HÒA NHẬP, VĂN HÓA BAO TRÙM

Mặc dù ghi nhận tỷ lệ bao phủ người lao động trong các doanh nghiệp khá cao, song để duy trì được lao động ở lại với doanh nghiệp vẫn là bài toán cực kỳ khó khăn. Bởi lẽ, các doanh nghiệp có yêu cầu cao hơn về trình độ lao động. “Covid-19 là sức ép đòi hỏi doanh nghiệp phải có biện pháp để nâng cao năng suất lao động trong khi số người tham gia thị trường lao động là hữu hạn trong 2 năm Covid-19. Doanh nghiệp phải đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, đồng nghĩa với chất lượng nguồn nhân lực đặt ra cao hơn”, bà Lan Anh nhìn nhận.

Ngoài ra, Việt Nam đang hướng tới thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, nên vấn đề về kỹ năng nghề cho người lao động là đáng quan tâm, đòi hỏi Việt Nam cần có kế hoạch tổng thể để giải quyết vấn đề này. Trong giai đoạn bình thường mới, chủ sử dụng lao động phải tận dụng được tối đa nguồn lực lao động hữu hạn. Xóa nhòa khoảng cách khác biệt về giới tính, độ tuổi, vùng miền để sử dụng được nguồn nhân lực một cách tối ưu trong bối cảnh mới.

Đưa ra gợi ý, đại diện VCCI cho rằng cần tạo việc làm năng suất gắn liền với thúc đẩy việc làm thỏa đáng để giúp doanh nghiệp vực dậy tốt hơn. Để vực dậy nguồn lao động có kỹ năng cũng như đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong thời gian tới, bà Lan Anh đề xuất đối với doanh nghiệp cần chuẩn bị kế hoạch sản xuất kinh doanh cho hậu đại dịch; đổi mới công nghệ và chuyển đổi số. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp xem xét tái cơ cấu và lựa chọn mô hình phát triển phù hợp.

Đồng thời, có chính sách quản lý lao động phù hợp, đảm bảo vấn đề tiền lương, phúc lợi và các chính sách an sinh xã hội cho người lao động, tận dụng nguồn nhân lực hiện có. Nâng cao nhận thức cho chủ sử dụng lao động về vấn đề hội nhập nhằm tận dụng tối đa nguồn lao động đang có trong tay. Có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo giữ chân người lao động thời kỳ hậu Covid-19... Tăng cường xây dựng đội ngũ xử lý khủng khoảng, nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro và thường xuyên điều chỉnh, hoàn hiện kế hoạch đảm bảo kinh doanh liên tục phù hợp với tình hình mới.

Thừa nhận lực lượng lao động vẫn là vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI chi nhánh TP.HCM, cũng nhấn mạnh, thực tế nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng, kế hoạch sản xuất kinh doanh khá ổn định nhưng nguồn lao động vẫn thiếu, thậm chí có doanh nghiệp thiếu nghiêm trọng.

Do đó, để vực dậy nguồn nhân lực sau đại dịch, một trong những yếu tố then chốt là phải xây dựng môi trường làm việc hòa nhập, văn hóa làm việc đa dạng, bao trùm có sự gắn kết chặt chẽ với bình đẳng giới. Theo ông Thành, đây chính là nền tảng quan trọng giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững, cũng là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới mà Việt Nam đang hướng đến, đó là xây dựng cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.

“Nhìn lại đợt dịch Covid-19 vừa qua có thể thấy, những doanh nghiệp nào hướng đến xây dựng và phát triển bền vững, thực hiện tốt bình đẳng giới đã vượt qua đại dịch khá tốt, khả năng chống chịu cũng cao hơn. Do đó, tôi nghĩ rằng đây là tiêu chí rất quan trọng và cần thiết”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

"CHÌA KHÓA" GIỮ CHÂN NGUỒN LAO ĐỘNG

Ở góc độ doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo đơn vị này cũng đồng tình cho rằng, thời điểm hiện tại, việc giải quyết hậu quả của những “tổn thương” do Covid-19 gây ra đối với người lao động trở thành nhu cầu bức thiết của các doanh nghiệp nhằm củng cố sức mạnh nguồn lực và phục hồi hoạt động kinh doanh.

Là một trong những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, lãnh đạo của Tổng công ty cổ phần May 10 cho rằng, một trong những “chìa khóa” để ổn định nguồn lao động của đơn vị này đó chính là luôn đối thoại và lắng nghe. Từ năm 2008, khi có khủng hoảng toàn cầu, doanh nghiệp này đã tổ chức hội nghị đối thoại toàn thể lao động, từ cấp tổ trở lên đến cấp xí nghiệp ở tất cả các tỉnh, thành phố có nhà máy, đến nay vẫn duy trì việc đối thoại với người lao động như vậy. Riêng năm 2021 hội nghị đối thoại nhận được 3.000 ý kiến.

Ngoài hội nghị đối thoại thì 7.000 lao động trực thuộc May 10 và 6.000 lao động trực thuộc liên doanh đều có số điện thoại của Tổng Giám đốc. Không ngoại lệ, bất cứ khi nào có vấn đề người lao động đều có thể nhắn tin cho lãnh đạo May 10 để được giải đáp. Một trong những yếu tố để giữ chân được nguồn lao động là đảm bảo được thu nhập cho chính họ. Doanh thu của May 10 năm 2021 là 3.500 tỷ đồng, thì lợi nhuận khoảng 91 tỷ nhưng quỹ tiền lương chính thức là 860 tỷ đồng cho 7.000 người.

Những năm qua dù Covid-19 khiến doanh nghiệp không có đơn hàng veston, phải chuyển sang may khẩu trang. Tuy nhiên, người lao động không mất một ngày nào nghỉ việc. Năm 2020 thu nhập lao động tăng 5%, sang năm 2021 tăng 7,6%, kết thúc 5 tháng đầu năm 2022 lương bình quân của người lao động tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguyễn Loan - Thu Hằng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bu-dap-nguon-nhan-luc-thieu-hut-sau-dai-dich.htm