Bù Đốp đoàn kết, sáng tạo và phát triển

Sau ngày giải phóng (7-4-1972), nhân dân các dân tộc huyện biên giới Bù Đốp bắt tay ngay vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy nhanh khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống chính trị các cấp trong huyện không ngừng được củng cố, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng phát huy, qua đó góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. 50 năm qua đi, vùng đất bom cày, đạn xới năm xưa, nay đã từng ngày thay da đổi thịt, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Xóa mù chữ để phát triển kinh tế

Sau ngày giải phóng, xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, biên giới là một trong những nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách vừa lâu dài. Tuy nhiên, bà con dân tộc thiểu số nơi đây không biết chữ chiếm tỷ lệ cao. Do vậy, xóa mù chữ được xem là nhiệm vụ song song với phát triển kinh tế. Từ đó, các lớp xóa mù chữ nhanh chóng được mở tại các ấp, sóc. Ông Điểu Chơn, người có uy tín ở thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng là một trong số những người đã từng tham gia các lớp xóa mù chữ, nhớ lại: “Ngày đó, điện không có, đường sá đi lại khó khăn. Ban ngày, bà con lên rẫy, tối về đốt đèn dầu hoặc đốt đuốc đi học. Chiều xuống, cứ nghe tiếng kẻng của thầy giáo là bà con tập trung tới lớp”.

Đồng bào S’tiêng và cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Bù Đốp tuần tra bảo vệ biên giới

Đồng bào S’tiêng và cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Bù Đốp tuần tra bảo vệ biên giới

Thiếu tá Ngô Minh Đức, Đội phó Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Bù Đốp (Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước) cho biết: Những năm gần đây, việc tổ chức các lớp xóa mù chữ cho bà con dân tộc thiểu số vẫn được các đồn biên phòng duy trì. Tôi cũng nhiều năm được phân công trực tiếp dạy cho cả trẻ em và người lớn. Với phương châm mưa dầm thấm lâu, các lớp học liên tục được mở ra, nhờ vậy tới nay, tỷ lệ mù chữ giảm hẳn.

Hằng năm, lãnh đạo huyện Bù Đốp thường tổ chức trên 15 lượt đoàn công tác sang thăm, làm việc, trao đổi tình hình với 2 huyện Sanual và Keosima của Vương quốc Campuchia. Trong giai đoạn 2015-2020, huyện đã thăm, tặng quà, hỗ trợ chính quyền, lực lượng vũ trang và khám chữa bệnh cho nhân dân nước bạn với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng; tổ chức 2 đợt giao lưu nhân dân giữa các xã có chung đường biên giới Việt Nam - Campuchia.

Gia đình anh Điểu Cần, Trưởng thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng được xem là một trong số những hộ tiến bộ nhất thôn. Không chỉ có nhà xây kiên cố, các con học giỏi mà anh cũng đã biết sử dụng máy vi tính để cập nhật, lưu giữ những văn bản, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước triển khai cho bà con. Anh Điểu Cần chia sẻ: “Biết chữ được xem là chìa khóa để mở ra cánh cửa của tiến bộ, hạnh phúc. Nhờ biết chữ mà bà con tính toán được việc trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình”.

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân

Thời gian qua đi, những chiến hào, hố bom năm xưa trên vùng đất này, nay được thay bằng những vườn, rẫy xanh tươi, trù phú. Đói nghèo, lạc hậu dần được đẩy lùi, đời sống nhân dân ngày càng no, đủ.

Một buổi sinh hoạt chính trị của cán bộ Đồn biên phòng Bù Đốp với trưởng thôn và người có uy tín ở thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp

Với phương châm “Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, chi bộ và các tổ chức chính trị của huyện biên giới Bù Đốp không ngừng được củng cố. Nhiều phong trào hành động cách mạng được khởi xướng và đi vào thực chất. Bà Đỗ Thị Như, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bù Đốp cho biết: “Việc quan tâm tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, biên giới là một trong những nhiệm vụ có vai trò quan trọng, không chỉ giúp phụ nữ ổn định kinh tế mà thông qua các hoạt động nhằm thu hút chị em vào tổ chức hội, tạo cơ hội cho chị em nâng cao nhận thức, bảo vệ được quyền lợi của mình không bị xâm hại, không bị cuốn vào các vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới”.

Toàn huyện Bù Đốp hiện còn 734 hộ nghèo, trong đó 218 hộ dân tộc thiểu số, chiếm 4,52%. Các phong trào xây tặng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, phương tiện sinh kế cho các hộ khó khăn của ủy ban MTTQVN và đoàn thể các cấp đã góp phần quan trọng giúp nhiều gia đình có cơ hội vươn lên ổn định cuộc sống. Các cơ sở tôn giáo, tổ chức, doanh nghiệp cùng chung tay với cấp ủy, chính quyền trợ giúp người nghèo bằng nhiều hình thức, qua đó tạo nên sức mạnh đoàn kết, thực hiện tốt mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Bà Cao Thị Hồng Mận, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bù Đốp

“Chúng tôi đã triển khai tốt các hoạt động tuyên truyền giáo dục đoàn viên, thanh niên trên tất cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và truyền thống cách mạng của quê hương Bù Đốp. Qua đó xây dựng thế hệ thanh niên Bù Đốp có tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn. Các chương trình hành động cách mạng của tuổi trẻ ngày càng thu hút đoàn viên thanh niên tham gia và hoạt động có hiệu quả như: Thắp sáng biên cương, tuổi trẻ khởi nghiệp... Nhiều tổ hợp tác và hợp tác xã do thanh niên làm chủ đã được thành lập như Hợp tác xã gạo Sóc Nê Bù Đốp, tổ hợp tác nghề nghiệp cá koi... đều thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm và cống hiến của tuổi trẻ vùng biên” - anh Hồ Bá Toàn, Bí thư Huyện đoàn Bù Đốp cho biết.

Bảo vệ vững chắc biên cương

Nơi biên cương Tổ quốc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân với tinh thần quân - dân một ý chí càng có ý nghĩa to lớn. Có được kết quả như ngày nay, ngoài sự lãnh đạo kịp thời, đúng đắn của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và các tổ chức đoàn thể chính trị còn là sự cống hiến, hy sinh của các già làng, người có uy tín, các thế hệ cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đã không ngừng bồi đắp niềm tin, lý tưởng để nhân dân luôn gắn bó một lòng theo Đảng, theo cách mạng, tích cực tham gia vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Bù Đốp Mai Xuân Tuân

Sau 50 năm giải phóng nhưng nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới vẫn luôn được huyện Bù Đốp đặt lên hàng đầu. Đánh giá cao vai trò của mọi tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới, các đồn biên phòng đóng trên địa bàn huyện luôn sát cánh cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, Trung tá Phạm Văn Chỉnh, Đồn trưởng Đồn biên phòng Bù Đốp cho biết: “Đi đôi với giúp dân phát triển kinh tế, chỉ huy đồn luôn phân công, giao nhiệm vụ cho mỗi cán bộ, đảng viên phụ trách từ 3-5 hộ. Trên cơ sở hằng ngày đi sâu, đi sát địa bàn, bộ đội biên phòng nắm bắt tâm tư nguyện vọng cũng như những bức xúc trong dân, kịp thời tham mưu chính quyền địa phương xử lý những nguy cơ phát sinh từ xa, từ sớm. Đồn biên phòng cũng luôn coi trọng và phát huy hiệu quả vai trò của các già làng, trưởng thôn, ấp, người có uy tín trong việc vận động nhân dân phối hợp chặt chẽ cùng bộ đội bảo vệ đường biên, cột mốc”.

Nhờ biết chữ, gia đình anh Điểu Cần vươn lên làm kinh tế giỏi. Trong ảnh: Anh Điểu Cần và cán bộ Đồn biên phòng Bù Đốp phụ trách địa bàn thôn Thiện Cư cập nhật thông tin để tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 cho nhân dân

Đồng bào S’tiêng và cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Bù Đốp chăm sóc, bảo vệ cột mốc biên giới

Ông Điểu Chơn, người có uy tín ở ấp Thiện Cư, xã Thiện Hưng, khẳng định: “Nhờ sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, trực tiếp và nhiều nhất là cán bộ, chiến sĩ biên phòng, đến nay bà con đã có cuộc sống ổn định. Để bảo vệ thành quả này, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền bà con phải thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không nghe kẻ xấu xúi giục vượt biên trái phép. Ngược lại, mỗi cá nhân, gia đình phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, sát cánh cùng bộ đội biên phòng đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.

Quang Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/131906/bu-dop-doan-ket-sang-tao-va-phat-trien