Bù Đốp ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát
Hiện số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn huyện Bù Đốp tăng đột biến, gấp 1,5 lần so cùng kỳ năm 2018. Ngành y tế huyện đang nỗ lực triển khai các giải pháp khống chế không để SXH bùng phát thành dịch trên diện rộng.
>> Phú Riềng: 205 ca mắc sốt xuất huyết
>> Đến ngày 17-7, toàn tỉnh ghi nhận 3.134 ca mắc sốt xuất huyết
>> Đồng Xoài: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng 235%
>> 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết
>> Sốt xuất huyết ở Bù Gia Mập gia tăng đột biến
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp, từ đầu năm 2019 đến nay, trung tâm tiếp nhận và điều trị 87 trường hợp mắc SXH, tăng 45 trường hợp so cùng kỳ năm 2018. Bệnh SXH xảy ra tại 7/7 xã, thị trấn, trong đó tập trung tại 2 xã Hưng Phước và Phước Thiện. Tiêu điểm là ấp Tân Phước, xã Phước Thiện có 120 hộ, chỉ trong 1 tháng trở lại đây hơn 20 hộ có người bị SXH, trong đó có những hộ từ 2 người trở lên cùng mắc. Những ngày này đến ấp Tân Phước thì dịch SXH luôn là đề tài nóng của người dân nơi đây. Bởi hầu như hộ nào cũng có người đã và đang bị SXH.
Cùng nhân viên y tế thôn bản chúng tôi đến nhà bà Đặng Thị Sinh ở ấp Tân Phước. Đây là một trong những hộ đầu tiên của ấp bị SXH. Bà Sinh cho biết: “Tôi phải điều trị SXH ở bệnh viện 15 ngày mới được về nhà. Gia đình có 7 người thì 5 người bị SXH. Hơn nửa tháng qua, cả nhà sống trong cảnh bí bách vì đau ốm. Tối nào đi ngủ gia đình tôi cũng giăng mùng, dùng vợt bắt muỗi, thế nhưng, không hiểu sao vẫn bị SXH. Ở ấp, nhiều gia đình cả nhà mắc SXH”.
Nhân viên Khoa Kiểm soát bệnh tật Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp phun thuốc diệt muỗi tại địa bàn 2 xã Hưng Phước và Phước Thiện
Nguyễn Thị Thuấn, y tế thôn bản xã Phước Thiện cho biết: “Nguyên nhân bùng phát dịch SXH chủ yếu do thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, lại đang vào mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển. Mặt khác, người dân ấp Tân Phước đi làm rẫy nhiều, hoặc buôn bán bên Campuchia nên mang mầm bệnh về. Từ đầu tháng 6 đến nay, chúng tôi đã liên hệ với Trung tâm Y tế huyện phun thuốc diệt muỗi 3 lần, tuy nhiên tình trạng số người bị SXH chưa thuyên giảm”.
Những ngày này, tại Khoa nội - nhi - nhiễm Trung tâm Y tế huyện không khí vô cùng ngột ngạt. Bởi nhiều bệnh nhân SXH ở địa phương và cả người Campuchia được chuyển đến điều trị nội trú. Do số lượng giường bệnh có hạn nên trung tâm phải trưng dụng phòng cấp cứu, phòng nhi phục vụ bệnh nhân. Người nhà bệnh nhân ngồi chật kín hành lang bệnh viện. Bà Dương Thị Mai, ngụ ấp 4, xã Hưng Phước đang điều trị SXH tại Khoa nội - nhi - nhiễm cho biết: “Tôi sống tại đây hơn 30 năm qua, chưa khi nào dịch SXH lại bùng phát mạnh như năm nay”.
SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền vi-rút dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Để chủ động phòng chống SXH, người dân chú ý dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy; các bể chứa nước phải đậy kín, thường xuyên cọ rửa, thay nước ở bình hoa, chậu cảnh; lật úp các dụng cụ không dùng như lốp xe, chén, chậu vỡ... không để ao tù, nước đọng muỗi có nơi đẻ trứng; người dân chủ động ngủ mùng, kể cả ban ngày. Khi có biểu hiện sốt phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm, chẩn đoán bệnh.
Cùng phòng bệnh, anh Kem Len ở phum Ô Am, huyện Keosima, tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia cho biết: “Tôi bị sốt 39-40 độ, chân tay lạnh, mệt mỏi, cơ thể đau nhức cách đây hơn 1 tuần. Gia đình đưa tôi đến Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp xét nghiệm điều trị SXH cách đây 3 ngày. Nhờ sự quan tâm của y, bác sĩ, đến nay sức khỏe tôi đã khá hơn. Ngoài tôi, còn có 4-5 người cùng địa phương đang điều trị ở đây”.
Trước nguy cơ bùng phát SXH, từ đầu tháng 6 đến nay, Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp phối hợp các xã, thị trấn triển khai phun hóa chất diệt muỗi. Trước mắt tập trung những ổ dịch mới phát sinh tại 2 xã Hưng Phước và Phước Thiện, sau đó phun diện rộng trên địa bàn toàn huyện, đồng thời tổ chức tuyên truyền để người dân ý thức được tác hại của bệnh, từ đó đẩy mạnh các hoạt động tự phòng ngừa.
Bác sĩ Ngô Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp nhận định: “Cứ chu kỳ 3 năm, dịch SXH quay trở lại. Năm nay là đỉnh của chu kỳ 3 năm nên dịch SXH tăng cao. Ngoài bệnh nhân địa phương, còn có các bệnh nhân nước bạn Campuchia sang khám và điều trị. Bệnh nhân nội trú tăng đột biến, bình quân mỗi ngày trung tâm tiếp nhận 50 lượt bệnh nhân. Tuy nhiên, khó khăn nhất trong công tác phòng chống dịch SXH là ý thức người dân chưa cao. Đồng thời, sau khi sáp nhập giữa 3 đơn vị: Trung tâm Dân số, Trung tâm Y tế dự phòng vào bệnh viện thì phòng rất chật hẹp, nhất là Khoa Cấp cứu không đảm bảo; hệ thống xét nghiệm về sinh hóa, huyết học chưa có kinh phí để nâng cấp, mở rộng; kinh phí dành cho đội ngũ y tế thôn bản, trạm y tế xã, nhân viên phòng chống dịch của Trung tâm Y tế huyện rất hạn chế. Cả Trung tâm Y tế huyện chỉ có 3 máy phun thuốc diệt muỗi nên thời gian phun diện rộng thực hiện tương đối chậm. Trung tâm rất mong các cấp, ngành quan tâm cùng với ngành y tế làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng chống SXH, không để phát sinh thành dịch; quan tâm cơ sở vật chất, nhất là khu cấp cứu, hệ thống xét nghiệm, máy phun thuốc diệt muỗi, kinh phí hỗ trợ đội ngũ phòng chống dịch”.
Đức Trung
>> Chơn Thành có 432 ca mắc sốt xuất huyết
>> Ngành y tế “căng mình” phòng, chống dịch sốt xuất huyết
>> Chơn Thành chủ động phòng, chống sốt xuất huyết