Bù Đốp phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc
Bù Đốp là vùng đất hội tụ của 25 thành phần dân tộc với cư dân nhiều vùng miền trong cả nước về sinh sống, mang theo những giá trị và sắc thái riêng, tạo cho huyện sự đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc. Thời gian qua, huyện luôn quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, hỗ trợ, khuyến khích phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, từng bước đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Ngay sau khi Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Bù Đốp đã ban hành Kế hoạch số 46-KH/HU ngày 14-11-2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới với những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, vừa phù hợp với sự đa dạng về thành phần dân tộc của huyện vừa góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23.
Huyện Bù Đốp đã xác định các chủ trương, giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng con người Bù Đốp có tinh thần yêu nước, đạo đức, lối sống lành mạnh, có kiến thức, trách nhiệm. Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ sống có kỹ năng, hoài bão; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đối với đảng viên và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện đang công tác và hoạt động trên lĩnh vực văn hóa; bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện...
Sau 16 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 đến nay, các loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc, tiêu biểu của đồng bào các dân tộc đã được bảo tồn và phát huy như: Lễ hội Mừng lúa mới, trình diễn cồng chiêng của đồng bào S’tiêng; tết Chôl Chnăm Thmây, múa lâm thôn của đồng bào Khmer; đàn tính, hát then của đồng bào các dân tộc phía Bắc… tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa và làm phong phú thêm đời sống tinh thần trong cộng đồng dân cư địa phương. Ngoài ra, các thiết chế văn hóa cũng được quan tâm đầu tư xây dựng như: Nhà thi đấu đa năng (đưa vào sử dụng năm 2010), Nhà thiếu nhi (đưa vào sử dụng năm 2012); 52/52 thôn, ấp, khu phố có nhà văn hóa; 7/7 xã, thị trấn có cán bộ kiêm nhiệm về công tác văn hóa…
Bên cạnh đó, hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng được quan tâm tổ chức nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt những năm gần đây, hoạt động văn hóa - văn nghệ của huyện luôn được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao. Trên địa bàn huyện hiện có 20 câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ. Các ban, ngành, đoàn thể, trường học trong huyện luôn quan tâm thực hiện tốt việc củng cố và phát triển các câu lạc bộ, đội, nhóm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Hầu hết các đoàn thể, trường học đều xây dựng được câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ làm nòng cốt trong tổ chức và tham gia các hội thi, giao lưu văn hóa - văn nghệ do các cấp, ngành tổ chức. Qua đó, phát hiện các nhân tố mới trong gây dựng và phát huy, cổ vũ phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng phát triển cả về lượng và chất.
Nhìn chung, sau 16 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, công tác xây dựng và phát triển văn hóa - văn nghệ trên địa bàn huyện đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chuyên môn quan tâm thực hiện hiệu quả. Cụ thể, việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, giải pháp tiếp tục xây dựng và phát triển toàn diện văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”… đạt nhiều kết quả tích cực. Việc quan tâm đầu tư, xây dựng các công trình văn hóa, thiết chế văn hóa đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, cơ bản đáp ứng đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa được chú trọng góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng các phong trào văn hóa, nghệ thuật, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện.