Bữa ăn bán trú - giải pháp 'vàng' duy trì sĩ số vùng cao
Với học sinh (HS) dân tộc, vùng khó khăn, những bữa ăn bán trú trở thành giải pháp hữu hiệu để duy trì tỉ lệ chuyên cần và chất lượng giáo dục.
Do đó, hầu hết trường PTDTBT, PTDTNT đã và đang làm tốt công tác này đặc biệt vào những thời điểm “nóng” về huy động HS trở lại trường lớp.
Đủ lượng lẫn chất
Thầy Tạ Văn Kha – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Cán Tỷ (Quản Bạ - Hà Giang) cho biết: Trường có hơn 500 HS dân tộc Mông từ 8 thôn của xã Cán Tỷ học tập và hơn 200 HS bán trú. Đời sống nhân dân chủ yếu làm nương rẫy. Do dịch bệnh, cha mẹ HS chỉ quanh quẩn kiếm sống tại địa phương không đi lao động xa như những năm trước nên đời sống càng thêm khó khăn. Nghỉ Tết dài ngày song ít gia đình đủ điều kiện đón Tết trọn vẹn. Tết với phần lớn HS dân tộc vẫn là cơm, ngô, rau rừng, “sang” có thêm thịt lợn treo và vẫn lao động hỗ trợ bố mẹ…
“Khó khăn chung về đời sống khiến những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng tại trường trở thành giải pháp quan trọng khuyến khích HS trở lại trường sau Tết. Tới trường, HS được ăn ngon, chăm sóc, học tập, vui chơi, gặp bạn bè… nên nhiều năm gần đây tỉ lệ chuyên cần sau Tết, hè cơ bản ổn định. HS tự giác, chủ động trở lại trường đúng lịch. Thậm chí, nhiều em mong sớm trở lại trường sau kỳ nghỉ… Năm nay ngay đầu tiên trở lại trường sau Tết Nguyên đán, tỉ lệ chuyên cần HS đạt 98%, 2 ngày sau đủ 100%...” - thầy Kha vui mừng chia sẻ.
Cũng là trường vùng khó của huyện Bắc Hà (Lào Cai), thầy Nguyễn Tiến Công – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố chia sẻ: Ngay ngày đầu tiên trở lại trường sau Tết, ban giám hiệu (BGH) yêu cầu nhà bếp chế biến những món ăn hợp khẩu vị cho 140 HS bán trú, đầy đủ chất với thịt, cá, trứng, đậu…
Gạo phát theo chế độ, rau củ quả trường trồng được với sản lượng lớn… giúp bữa ăn bán trú của HS thêm đầy đặn. Tuy nhiên, nhà trường vẫn đòi hỏi khâu chế biến phải bảo đảm vệ sinh. Rau xanh được khử khuẩn trước khi nấu, chế biến hợp khẩu vị HS dân tộc, thay đổi món thường xuyên để HS không chán. Đặc biệt không lên thực đơn với thực phẩm chế biến sẵn, bảo quản lâu, không phù hợp với truyền thống ẩm thực, khẩu vị HS dân tộc (tôm, cá, hải sản biển…). Ăn sáng là cơm với thịt, mì tôm trứng… để HS chắc dạ, không ăn bánh chưng, xôi bởi HS vừa ăn trong Tết sẽ ngán.
Cô Trần Thị Hằng – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Ma Li Pho (Phong Thổ - Lai Châu) lại cho biết: 100% HS của trường thuộc dân tộc Dao, có 200/460 HS bán trú. Bếp ăn bán trú hoạt động bình thường từ buổi học đầu tiên. Do rau xanh của trường thu hoạch trước Tết và hiện mới gieo rau vụ hè nên ngoài số rau được Đồn Biên phòng Ma Li Pho hỗ trợ, nhà trường mua bên ngoài. Chính vì vậy, trường chú trọng đặc biệt tới khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Rau xanh được chọn mua có nguồn gốc, trước khi nấu rửa sạch bằng nước và ngâm khử khuẩn nước muối loãng...
Theo thầy Trần Đình Hòa – Hiệu trưởng Trường PTDTNT Bố Trạch (huyện Bố Trạch – Quảng Bình), 100% HS nhà trường thuộc dân tộc Vân Kiều. Gia đình làm nương rẫy, ở nhà các em thường chỉ có cơm, xôi chấm muối và măng rừng. Bố mẹ bắt được cua, cá trong khe, ngoài suối thì có thêm thức ăn. Chính vì vậy, bữa cơm bán trú là động lực lớn để các em đến trường đầy đủ.
Cú hích kéo học sinh đến trường
Thầy Nguyễn Tiến Công thông tin: Sau Tết ngoài làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhà trường đã dùng kinh phí thu được từ mô hình nông trại tổ chức “tiệc đứng” ẩm thực cho HS toàn trường với 4 gian hàng đồ ăn miễn phí: Bánh phồng tôm, bánh nhào trứng chiên; xúc xích… HS không chỉ được trải nghiệm cách nấu ăn mà còn được ăn thỏa thích những món mình ưa thích. Kết hợp với bữa ăn bán trú, hoạt động trải nghiệm ẩm thực giúp nhà trường sớm ổn định tỉ lệ HS trở lại học tập.
Thầy Trần Đình Hòa lại trải lòng: Bà con dân tộc đời sống khó khăn, Thậm chí trẻ không đi học gia đình, bố mẹ càng mừng vì có thêm lao động cho gia đình. Sau mỗi dịp nghỉ Tết, hè GV nhà trường thường trả phép sớm để xuống tận thôn bản đón HS trở lại trường. Thầy cô không xuống đón nhiều gia đình nhất định không đưa HS trở lại trường… Do đó, chỉ có cách tổ chức tốt bữa ăn bán trú, giúp HS thấy được sự yêu thương, chăm sóc của thầy cô ở trường lớp mới duy trì được sĩ số và bảo đảm được chất lượng giáo dục...” – thầy Hòa khẳng định.
Hơn 20 năm gắn bó với giáo dục vùng cao, HS dân tộc, cô Đinh Loan Vân – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận (Quản Bạ - Hà Giang) cũng nhận định: Những bữa ăn bán trú được triển khai tốt, trở thành điểm nhấn, “cú hích”, giải pháp hữu hiệu trong việc duy trì sĩ số, “kéo” HS vùng khó trở lại trường lớp. Tuy vậy, điều đó chỉ có được khi BGH các nhà trường, GV làm việc bằng chữ tâm, yêu thương HS bằng cả tấm lòng...
Người dân tộc Vân Kiều không đón Tết Nguyên đán nên nghỉ Tết HS vẫn lao động sản xuất hỗ trợ gia đình, không có những bữa cơm đầy đủ theo nghi lễ Tết.
Khi trở lại trường, HS dù nam nay nữ đều ăn rất khỏe, ăn hết phần cơm của mình. Từ lâu HS nội trú của trường coi những bữa cơm với đủ, trứng, thịt, đậu, cá… là “đặc sản”. Sức khỏe và cân nặng đều tăng hơn khi ở nhà. - Thầy Trần Đình Hòa