Bữa ăn cho học sinh mùa dịch
Chưa năm nào, năm học mới bắt đầu đặc biệt như năm học này. Đảm bảo an toàn cho học sinh trong phòng chống dịch Covid-19, tại các trường mầm non, tiểu học và các trường bán trú, các bữa ăn cũng được tính toán để học sinh có đủ dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng và tăng cường sức khỏe.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Thượng Nông (Na Hang) đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón 220 học sinh về sinh hoạt và học tập trong năm học mới. Thầy hiệu trưởng Trần Thanh Chiến cho biết, cùng với việc đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thì việc chăm lo đến từng bữa ăn cho các em là điều mà nhà trường quan tâm hơn cả. Học sinh ở Thượng Nông chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trước đây, khi chưa hình thành mô hình trường bán trú, việc đảm bảo đủ sĩ số mỗi ngày học là việc rất vất vả. Giờ mô hình trường bán trú hình thành, con em của đồng bào đi học ngoài việc được hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập cần thiết, còn được chăm lo đủ dinh dưỡng cho bữa ăn.
Năm nay, do đặc thù dịch bệnh, việc xây dựng khẩu phần ăn cho các học sinh được tính toán cẩn thận hơn, thực phẩm tươi sống được nhà trường hợp đồng với những đầu mối uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, ưu tiên hợp đồng với các nhà cung cấp thực phẩm tại địa phương, để hạn chế thời gian vận chuyển, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, do đặc thù là mô hình bán trú, học sinh vừa học vừa nghỉ ngơi, sinh hoạt tại trường, nên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thượng Nông đã xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi ngay tại trường để cải thiện bữa ăn cho học sinh. Mô hình trồng rau xanh được nhà trường thực hiện theo tiêu chí “mùa nào thức nấy”, su hào, bắp cải, rau muống… được thay đổi liên tục. Hiệu trưởng Trần Thanh Chiến khoe, như năm học trước, thầy và trò thu hoạch hơn 2 tấn rau củ các loại. Tận dụng thức ăn thừa của các em sau mỗi bữa ăn, nhà trường nuôi thêm lợn, gà. Gần như không khi nào, bữa ăn của học sinh thiếu vắng sản phẩm của chính thầy và trò làm ra.
Trường Trung học cơ sở Bình An (Lâm Bình) chưa hẳn là trường bán trú, nhưng do điều kiện nhiều học sinh ở các thôn bản xa đi lại khó khăn, nhiều em không thể đi về trong ngày được, nên từ nhiều năm nay, nhà trường bố trí một dãy phòng ở để mỗi năm học có thể tiếp nhận từ 50 đến 60 em học sinh ở lại trường. Cô giáo Lê Thị Phượng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong năm học mới này nhà trường có hơn 240 học sinh thì có 60 em bán trú. Đây đều là những em nhà ở xa, điều kiện đi lại khó khăn. Để chuẩn bị đủ dinh dưỡng cho các học sinh học tập tại trường và tăng sức đề kháng trong thời điểm dịch bệnh, các bữa ăn được chuẩn bị theo đúng tiêu chuẩn mỗi bữa 15 nghìn đồng. Cũng như nhiều trường bán trú khác, Trường THCS Bình An cũng chủ động xây dựng các mô hình vườn rau xanh, nuôi thêm gà lợn để có thêm nguồn thực phẩm tươi sống đảm bảo cho các cháu.
Các trường mầm non trên địa bàn đã mở cửa đón học sinh từ giữa tháng 8. Trường Mầm non Phan Thiết (TP Tuyên Quang) năm học này có 540 cháu theo học. Cô giáo Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng cho biết, do đặc thù các cháu ở trong những độ tuổi khác nhau, nên việc xây dựng thực đơn các bữa ăn đều được tính calo đúng chuẩn dinh dưỡng, phù hợp với từng độ tuổi. Nguồn thực phẩm được lấy từ các nhà cung cấp đã có hợp đồng từ trước, mỗi ngày đều có đại diện ban phụ huynh cùng giám hiệu kiểm tra chất lượng thực phẩm trước khi nấu để đảm bảo chất lượng. Việc sơ chế thực phẩm cũng được thực hiện theo nguyên tắc một chiều. Trước và sau khi ăn đều thực hiện rửa tay sạch sẽ với xà phòng, trẻ được hướng dẫn ngồi ăn, nằm ngủ cách xa nhau, sử dụng đồ ăn, cốc uống riêng... Ngoài chế độ dinh dưỡng từ thức ăn, thì nhà trường tiếp tục thực hiện chương trình Sữa học đường, để tăng thêm sức đề kháng cho học sinh. Theo chị Hằng, trong thời gian nghỉ hè, giờ sinh hoạt, ăn uống của các cháu hay bị xáo trộn, có khi không uống sữa thường xuyên do phụ thuộc vào lịch làm việc của cha mẹ và gia đình. Vì vậy, khi đi học lại, các bé được các cô cho tập lại nếp sinh hoạt điều độ phù hợp với độ tuổi và xây dựng thói quen uống sữa đúng giờ. Hơn nữa, giáo viên còn khéo léo lồng ghép việc dạy kỹ năng sống, rèn nếp sinh hoạt và cách ứng xử lễ phép cho bé trong mỗi giờ uống sữa trên lớp. Tại tất cả các lớp học, trước khi uống sữa, học sinh đều được hướng dẫn các kỹ năng rửa tay cho sạch, học cách gấp vỏ hộp sữa để đúng nơi quy định sau khi uống xong để giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cô giáo có thể tận dụng các vỏ hộp sữa để cùng học sinh làm các đồ dùng, đồ chơi trang trí góc học tập của lớp mình.
Những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh được các nhà trường quan tâm đặc biệt. Có như vậy, mới góp phần nâng cao thể chất, tăng sức đề kháng cho học sinh trong năm học đặc biệt này.