Bữa ăn học đường: Cơ hội đến trường với người nghèo ở Venezuela
Bữa ăn học đường do Chương trình Lương thực thế giới (WPF) hỗ trợ đã thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình Venezuela đang gặp khó khăn trong việc lựa chọn giữa những nhu cầu cơ bản và cơ hội học tập của con cái.
Theo WFP, cứ 10 gia đình tại Venezuela thì 8 gia đình phải đánh đổi những tài sản quý giá hoặc toàn bộ thu nhập để có bữa ăn mỗi ngày. Một số gia đình thậm chí chấp nhận ngừng để con cái đến trường chỉ vì không thể chuẩn bị bữa sáng. Tình trạng này thường xảy ra ở những gia đình có thành viên khuyết tật gây gánh nặng chi phí.
Những gia đình này luôn làm mọi cách để bảo đảm con cái có cơ hội học tập. Tuy nhiên, do điều kiện không cho phép nên họ vẫn phải đưa ra những lựa chọn khó khăn giữa thuốc và thực phẩm hoặc giữa thực phẩm và giáo dục.
Ở Araya, thị trấn cách thủ đô Caracas gần 10 giờ lái xe về phía Đông, người dân từng phụ thuộc vào việc sản xuất muối để kiếm sống. Trong bối cảnh ngành công nghiệp này đã bị tê liệt suốt nhiều năm, những người trong độ tuổi lao động đã buộc phải để con cái cho người già chăm sóc để di cư đến các thành phố lân cận hoặc quốc gia khác nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm.
Nhưng sự khó khăn đã giảm bớt với nhiều gia đình kể từ khi WFP bắt đầu hỗ trợ bữa ăn học đường ở Venezuela hồi năm 2022. Chương trình của cơ quan lương thực thế giới hướng đến đối tượng thụ hưởng là trẻ em, thanh thiếu niên và người khuyết tật, qua đó đã làm thay đổi cuộc sống của các gia đình khó khăn theo chiều hướng tích cực hơn.
Theo chương trình của WFP, hơn 15.000 trẻ em, thanh thiếu niên, người khuyết tật cùng gia đình của họ được hỗ trợ bữa ăn tại 300 trường học trên khắp 8 bang. Con số này tiếp tục tăng khi chương trình được mở rộng tới những thành phố có tỷ lệ mất an ninh lương thực cao. Kết quả ban đầu cho thấy, tỷ lệ nhập học đối với người khuyết tật tăng 30% tại những cơ sở cung cấp bữa ăn của WFP, mang đến lợi ích cả về giáo dục và thực phẩm.
Giới quan sát cho biết, các trường công lập ở Venezuela là không gian an toàn cung cấp cơ hội tiếp cận giáo dục và kỹ năng sống, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, đồng thời, mang lại những dịch vụ thiết yếu khác cho trẻ em, thanh, thiếu niên và người khuyết tật. Mặc dù, cơ sở hạ tầng và nguồn lực tại các trường học hầu hết đều ở mức tối thiểu nhưng đội ngũ nhân viên và các gia đình luôn nỗ lực để con cái có cơ hội học tập.
Thông qua các trường học, WFP cũng có thể cung cấp thực phẩm cho các gia đình có người khuyết tật thường do phụ nữ độc thân hoặc người cao tuổi chịu trách nhiệm chính. Cùng với đó là việc hỗ trợ chi phí sinh hoạt giúp họ giảm bớt gánh nặng cuộc sống.
Khi phạm vi cung cấp bữa ăn tại trường tiếp tục được mở rộng, WFP cùng các đối tác hướng đến việc tăng cường khả năng tiếp cận của họ với những dịch vụ công thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và những hình thức hỗ trợ khác.
Tại một thị trấn nhỏ ở bờ biển phía Đông Bắc Venezuela, Luis Enrique đã bắt đầu ngày đầu tiên đến trường sau hơn nửa thế kỷ ở nhà. Người đàn ông 52 tuổi mắc chứng khuyết tật về nhận thức không chỉ có cơ hội học tập, mà còn chắc chắn nhận được bữa ăn do WFP hỗ trợ.
“Tôi vô cùng hạnh phúc khi chứng kiến sự tiến bộ và yêu thích việc học của con trai. Một số người nói rằng, đã quá muộn nhưng tôi không nghĩ như vậy. Giờ đây, con trai tôi đã có thể sống tốt hơn”, cha của Luis Enrique cho biết.