Bữa ăn trưa nhạy cảm của ông Obama năm 2013
Tổng thống Obama từng gặp bà Ruth Bader Ginsburg và ám chỉ về việc nghỉ hưu. Chuyện thuyết phục một thẩm phán nghỉ hưu luôn rất tế nhị về mặt chính trị và phức tạp về mặt tâm lý.
Khi Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg cùng Tổng thống Barack Obama dùng bữa trưa trong phòng ăn riêng của ông vào tháng 7/2013, Nhà Trắng đã tìm cách giữ bí mật sự kiện này.
Ông Obama đã yêu cầu cố vấn Nhà Trắng Kathryn Ruemmler sắp xếp bữa ăn để xây dựng mối quan hệ với thẩm phán, theo 2 người biết về sự việc. Một cách thận trọng, tổng thống không trực tiếp đề cập đến chuyện về hưu với vị thẩm phán 80 tuổi, thành viên lớn tuổi nhất của Tòa án Tối cao và hai lần chiến đấu với ung thư.
Nỗ lực thất bại
Tuy nhiên, tổng thống nói về cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2014 sắp diễn ra và đảng Dân chủ có thể mất quyền kiểm soát Thượng viện. Ẩn trong cuộc trò chuyện đó là nỗi lo khiến ông Obama phải mời bà Ginsburg dùng bữa. Nếu đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện, ông sẽ mất cơ hội bổ nhiệm một thẩm phán trẻ hơn và có thể giữ chức vụ trong nhiều thập kỷ nữa cho phe cánh tả.
Song, nỗ lực này không có kết quả, giống như nỗ lực trước đó của Thượng nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy, người lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Tư pháp. Thẩm phán Ginsburg tạo ra ấn tượng rõ ràng với ông Obama rằng bà quyết tâm tiếp tục công việc tại tòa án, những người biết về vụ việc nói với New York Times.
Ngày 18/9, Thẩm phán Ginsburg đã qua đời. Đảng Dân chủ đang ở trong một cuộc chiến chính trị lớn trong khi đảng Cộng hòa chạy đua để lấp đầy vị trí bà để lại và củng cố lợi thế của phe bảo thủ tại tòa án.
Ông Obama lúc đó rõ ràng cảm thấy phải cố gắng tránh tình huống này. Tuy nhiên, thuyết phục thẩm phán về hưu là hành động tinh vi về mặt chính trị và phức tạp về mặt tâm lý. Thẩm phán tại Tòa án Tối cao là chức vụ trọn đời. Vị trí này có quyền lực và địa vị to lớn, khó có thể từ bỏ.
Các thẩm phán thường phản ứng mạnh mẽ với bất kỳ sự can thiệp chính trị hoặc áp lực lên vai trò của họ. Robert Bauer, cố vấn Nhà Trắng của ông Obama trong một phần nhiệm kỳ đầu, cho biết ông không nghe nói về nỗ lực thuyết phục bà Ginsburg về hưu nào khác của tổng thống sau bữa ăn đó. Ông Bauer cũng nói việc yêu cầu một thẩm phán - bất kỳ thẩm phán nào - nghỉ hưu là quá nhạy cảm.
Các đảng viên Dân chủ bên ngoài Nhà Trắng cũng lên chiến lược về cách đề cập tới chuyện nghỉ hưu với Thẩm phán Ginsburg. Một số nhân viên cấp cao Nhà Trắng nói với New York Times họ nghe tin Thượng nghị sĩ Leahy đã thận trọng nói chuyện này với bà Ginsburg vài năm trước bữa ăn trưa trên.
Khi đó, ông Leahy là chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, cơ quan giám sát đề cử cho Tòa án Tối cao. Ông cũng có quan hệ tốt với bà Ginsburg.
Mặc dù ông Obama rất khéo léo trong cuộc trò chuyện riêng với bà Ginsburg, hoàn cảnh lúc đó đáng lẽ phải khiến ý định của tổng thống trở nên rõ ràng. Đảng Dân chủ đang lo lắng về viễn cảnh mất Thượng viện và tổng thống không mời thẩm phán nào khác ăn trưa.
Tuy nhiên, kết quả của cuộc trò chuyện khiến đội của ông Obama nghĩ thuyết phục bà Ginsburg về hưu là việc vô ích. Mùa hè năm sau, khi nhiệm kỳ của Tòa án Tối cao kết thúc mà không có thông báo nghỉ hưu nào từ Thẩm phán Ginsburg, chính quyền Tổng thống Obama đã bỏ ý định thuyết phục bà.
Thẩm phán Stephen Breyer có lẽ là mục tiêu dễ hơn. Walter Dellinger, cựu Tổng Biện lý Sự vụ, đã nói với văn phòng cố vấn của Nhà Trắng dưới thời ông Obama về kế hoạch ông nghĩ ra để thuyết phục vị thẩm phán nổi tiếng yêu nước Pháp này nghỉ hưu.
“Tôi đã đề nghị tổng thống mời ông Breyer đi ăn trưa và nói ‘Tôi tin rằng một ngày nào đó, các nhà sử học sẽ nói ba đại sứ Mỹ vĩ đại nhất tại Pháp là Benjamin Franklin, Thomas Jefferson và Stephen G. Breyer’”, ông Dellinger, người vừa tham gia nhóm vận động tranh cử của cựu Phó tổng thống Joseph R. Biden Jr., nhớ lại.
Mặc dù không rõ bằng cách nào, ý tưởng của ông Dellinger đã đến tai ông Breyer.
Ông Dellinger nói khi tình cờ gặp nhau tại một bữa tiệc không lâu sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử, Thẩm phán Breyer đã kéo ông sang một bên.
“Nào Walter, ông vẫn muốn đưa tôi đến Pháp chứ?”, ông Breyer hỏi. Cảm thấy đang bị trêu chọc, ông Dellinger đã trả lời: “Ngài thẩm phán, tôi nghe nói Paris không giống như trước nữa”.
Ông Dellinger nói thêm bây giờ ông nghĩ Thẩm phán Breyer đã đúng khi chống lại ý tưởng đó. “Ông ấy có nhiều đóng góp to lớn trong những năm tiếp theo”.
Người tận tâm với công việc
Tổng thống không thể đơn giản là buộc các thẩm phán phải rời Tòa án Tối cao. Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ chỉ có vài quân bài quý giá. Thẩm phán Ginsburg đã nói rõ trong một số cuộc phỏng vấn rằng bà không có ý định nghỉ hưu. Là phụ nữ góa chồng vào năm 2010, bà Ginsburg rất tận tâm với công việc. Bà quyết tâm trở thành người có tiếng nói và đã trở thành biểu tượng cho những người ủng hộ chủ nghĩa tự do.
Bà rõ ràng cảm thấy bực mình trước bất kỳ đề nghị công khai nào kêu gọi bà từ chức. Năm 2014, Erwin Chemerinsky, hiện là hiệu trưởng trường luật tại Đại học California ở Berkeley, đã viết về điều này trên Los Angeles Times và Politico. Ông Chemerinsky tuyên bố vì lợi ích lâu dài của các giá trị tiến bộ, Thẩm phán Ginsburg nên bước xuống và nhường chỗ cho một người trẻ hơn được ông Obama bổ nhiệm.
“Tôi đã nghe nói bà ấy không hài lòng với những người đề nghị bà nghỉ hưu”, ông Chemerinsky nói với New York Times.
Randall Kennedy, một giáo sư tại Trường Luật Harvard, cũng đã viết một bài báo vào năm 2011 trên tờ The New Republic kêu gọi các Thẩm phán Ginsburg và Breyer từ chức ngay lập tức. Ông đề nghị họ không nên ở tòa án quá lâu vì có nguy cơ những người thuộc phe bảo thủ sẽ kế thừa vị trí của họ.
“Tôi không hề cảm thấy có lỗi khi nói điều mà đối với tôi, là khá rõ ràng”, ông Kennedy nói với New York Times. “Tôi đã cầu nguyện và đang cầu nguyện rằng tôi có thể nhìn lại và nói rằng tôi đã sai. Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra như vậy".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bua-an-trua-nhay-cam-cua-ong-obama-nam-2013-post1135724.html